Sau hơn 10 ngày tiến hành khảo sát để tìm ra nguyên nhân động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Kon Plông (Kon Tum), TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết đơn vị đã có báo cáo bước đầu.
Nói với Zing sáng 11/5, TS Nguyễn Xuân Anh thông tin các trận động đất xảy ra từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2022 có độ lớn dao động 1,6-4,5 độ, xảy ra chủ yếu ở huyện Kon Plông và khu vực lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp 5, theo thang đo cường độ địa chấn diện rộng (MSK-64).
Thang đo này có 12 cấp độ. Do đó, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu đánh giá cường độ chấn động tại huyện Kon Plông ở cấp 5 là "chưa đến mức độ nghiêm trọng".
Bước đầu, động đất ở khu vực huyện Kon Plông được xác định là động đất kích thích gây ra do việc tích nước của hồ chứa, theo TS Nguyễn Xuân Anh.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện Vật lý địa cầu nêu rõ để khẳng định nguyên nhân phát sinh, có cơ sở dự báo xu thế hoạt động và cường độ của động đất trong tương lai, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Số trận động đất ở Kon Tum từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 | ||||||||||||||
Nguồn: Viện Vật lý địa cầu | ||||||||||||||
Nhãn | Tháng 4/2021 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | Tháng 10 | Tháng 11 | Tháng 12 | Tháng 1/2022 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | |
trận động đất | 10 | 23 | 8 | 12 | 2 | 13 | 12 | 11 | 11 | 19 | 5 | 5 | 42 |
Theo đơn vị này, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động địa chất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh, thủy điện.
Đồng thời, khu vực này chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích. Vì vậy, chuyên gia kiến nghị cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Trên cơ sở các kết quả đánh giá trên, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị các bên liên quan thiết lập nhanh mạng trạm quan sát động đất địa phương với dự kiến gồm 8 trạm, trong đó có 3 trạm đã triển khai từ tháng 5/2021 tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Việc này nhằm phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.
Viện cũng đang đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra.
Các nội dung nghiên cứu là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận, mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa, dự báo xu thế hoạt động động đất, đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.
Đồng thời, đơn vị chức năng cần tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý cùng người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận.
Chỉ trong 3 tuần kể từ 15/4 đến ngày 6/5, người dân huyện Kon Plông đã phải hứng chịu khoảng 44 trận động đất và dư chấn với độ lớn 2,5-4,5 độ. Với độ lớn 4,5, trận động đất xảy ra trưa 18/4 được nhận định là lớn chưa từng có tại khu vực trong vòng 120 năm qua.
Trong quá khứ, động đất kích thích từng xảy ra ở khu vực các thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Đắk Đrink (Quảng Ngãi), Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Riêng động đất kích thích ở thủy điện Sông Tranh 2 gây ra dư chấn liên tục kể từ năm 2012 đến nay và được dự báo tiếp tục kéo dài.