Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ yêu cầu rà soát nguyên nhân động đất ở Kon Tum

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị để nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất ở Kon Tum.

Sau các trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum) những ngày qua, tối 20/4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục quan trắc, giám sát động đất tại khu vực trên. Đơn vị cần báo tin kịp thời cho các cơ quan và người dân biết để chủ động ứng phó.

Đồng thời, các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, được yêu cầu theo dõi, đánh giá, chủ động triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng do động đất. Việc rà soát nhằm không để xảy ra sự cố bất ngờ, mất an toàn công trình.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với với cơ quan liên quan kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất. Các nội dung này cần được công bố để chính quyền và người dân biết nhằm chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang.

UBND tỉnh Kon Tum được giao chỉ đạo cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất.

dong dat o Kon Tum anh 1

Chấn tâm của các trận động đất xảy ra tại Kon Plông các ngày 15-18/4. Ảnh: PCTT.

Chiều 19/4, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại huyện Kon Plông và chỉ đạo công tác ứng phó với động đất tại địa phương này.

Viện Vật lý địa cầu đề xuất thiết lập ngay một mạng lưới trạm quan trắc động đất địa phương (5 trạm) tại khu vực này. Các chuyên gia của viện sẽ nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận; tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro cho khu vực.

Cơ quan chuyên môn cũng kiến nghị ban chỉ đạo cho phép rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Chuyên gia nhận định nguyên nhân ban đầu ngoài đứt gãy địa chất, hiện tượng xảy ra có thể là động đất kích thích do việc tích nước ở các hồ chứa thủy điện. Đây cũng từng là lý do gây ra động đất ở khu vực thủy điện sông Tranh (Quảng Nam).

Theo thống kê, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Nhưng chỉ từ tháng 4/2021 đến nay, địa phương xuất hiện 169 trận động đất.

Riêng ngày 15-18/4, động đất xảy ra liên tục tại khu vực Kon Plông với tổng số 22 trận, độ lớn dao động 2,5-4,5 độ. Hiện tượng này gây ra rung chấn trên địa bàn thị trấn Măng Đen cùng 8 xã: Đắk Nên, Đắk Ring, Đắk Tăng, Hiếu, Măng Bút, Măng Cành, Ngọc Tem và Pờ Ê.

Khu vực này có trên 31.700 người dân đang sinh sống, xung quanh có nhiều thủy điện và hồ chứa hoạt động.

Người dân Kon Tum: 'Động đất làm tôi suýt ngã'

Người dân huyện Kon Plông kể lúc xảy ra trận động đất 4,5 độ, họ cảm thấy mặt đất rung chuyển, đồ đạc treo trên tường rơi xuống đất. Nhiều ngày qua họ sống trong lo lắng.

Kon Tum có thể xảy ra động đất 5-5,5 độ

Với 22 trận động đất chỉ trong 3 ngày, Viện Vật lý địa cầu cho biết số vụ động đất ở huyện Kon Plông (Kon Tum) xu hướng tăng về độ lớn và có thể đạt đến 5-5,5 độ.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm