Theo Viện Vật lý Địa cầu, lúc 9h22 sáng 14/3, một trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Độ lớn của trận này lên tới 4,5 độ, độ sâu chấn tiêu khoảng 13,2 km.
Chuyên gia đánh giá mức độ rủi ro thiên tai của trận động đất trên đạt cấp 2 ngay tại khu vực tâm chấn. Theo quy định, rủi ro thiên tai được xác định ở cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp 4 đến cấp 5, xảy ra ở khu vực nông thôn hoặc đô thị.
Trưa cùng ngày, khu vực này tiếp tục hứng chịu thêm một trận động đất có độ lớn 3,4 độ với độ sâu chấn tiêu 8,1 km. Đây có thể là dư chấn của trận động đất trước đó.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi.
Chấn tâm trận động đất ở Điện Biên lúc 9h22 sáng 14/3 với độ lớn 4,5 độ. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu. |
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, dù không nằm trên “vành đai lửa” của các tâm chấn động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt 6,7-6,8 độ đã được ghi nhận trong lịch sử.
Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc, ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có khả năng động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.
"Chúng tôi đánh giá khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.
Với độ lớn này, người dân hoàn toàn cảm nhận được sự rung lắc mạnh mẽ và cảm thấy sợ hãi. Những trận động đất mạnh cấp 9 có thể phá hủy toàn bộ nhà cửa của người dân.