Trước đó, 13 nước ủy viên Hội đồng Bảo an lập luận Mỹ không có quyền “tái áp đặt” cấm vận vì đã rời khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran. Đến ngày 25/8, Indonesia - nước chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8 - tuyên bố sẽ không có thêm hành động nào đối với yêu cầu của Mỹ, vì Hội đồng Bảo an không có đồng thuận, theo Guardian.
Đặc phái viên của Mỹ ở Liên Hợp Quốc, Kelly Craft, phản ứng giận dữ: “Để tôi nói thật, thật rõ, chính quyền Trump không sợ có ít nước ủng hộ trong vấn đề này. Tôi chỉ tiếc là các ủy viên khác trong Hội đồng Bảo an đã đi sai hướng và giờ đây đang đứng cùng những kẻ khủng bố”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 20/8, đứng cạnh bà Kelly Craft. Ảnh: Reuters. |
Mỹ cho rằng họ có quyền can thiệp vào thỏa thuận hạt nhân dù đã tuyên bố rút, lập luận rằng thỏa thuận ban đầu có ghi Mỹ là một “bên tham gia”, và chỉ cần một bên tham gia để tái áp đặt trừng phạt. Vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước tuyên bố khởi động quá trình 30 ngày nhằm tái áp đặt trừng phạt, dẫn đến tranh cãi ngay giữa phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, lệnh cấm vận vũ khí truyền thống sẽ được dỡ bỏ sau 5 năm, tức giữa tháng 10 tới. Mỹ đang quyết liệt phản đối việc này, dù chưa rõ liệu các nước như Nga hay Trung Quốc có sẵn sàng bán vũ khí cho Iran hay không và liệu Iran có đủ tiền để mua thêm vũ khí hay không.
Liên minh châu Âu (EU) đang cố duy trì thỏa thuận hạt nhân, với hy vọng sẽ hồi phục hoàn toàn thỏa thuận nếu ông Trump không tái đắc cử, theo Guardian.
Theo thứ tự chữ cái tiếng Anh, Niger và Nga sẽ là hai nước chủ tịch HĐBA tháng 9 và 10. Khó có khả năng hai nước này có lập trường khác so với Indonesia, vì vậy Mỹ khó có thể đưa vấn đề Iran quay trở lại nghị trình trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 tới.