Những chia sẻ về việc đọc sách của giới trẻ, để họ tự chọn sách được bà Lâm Minh Trang, nguyên Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Gò Vấp, TP.HCM) đưa ra tại tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào".
Chương trình do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Thành đoàn TP.HCM tổ chức mới đây.
Được sự đồng ý của Hội Xuất bản và bà Lâm Minh Trang, Zing đăng tải ý kiến của bà về vấn đề này.
Bươn chải, mưu sinh, người lớn đành tạm bằng lòng với mức độ “tụi nhỏ chịu đọc sách” và thôi không ao ước “đọc sách như mình”. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Tâm hồn, nhân cách hình thành một phần nhờ sách
“Huy chương nào cũng có mặt trái” - câu thành ngữ này đến với gia đình tôi khá muộn và đến trong suy nghĩ “tỉnh ngộ” của nhiều người lớn trong nhà thông qua việc đọc sách.
Gia đình tôi tuy không giàu có, từ ông bà, đến bố mẹ và các con, đều có chung đam mê đọc chữ. Ngoài báo chí, sách truyện nhiều thể loại luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong nhà, ngay cả trong giai đoạn bao cấp nhiều khó khăn.
Những quyển sách in trên loại giấy bản chất lượng rất kém ngày ấy cũng là thứ “xa xí phẩm” không dễ có. Không hiểu bằng cách nào nhiều loại báo và tác phẩm văn học từ Nga, Ba Lan, đến cả Mỹ, Nhật, thậm chí Đức, đều đặn xuất hiện trong nhà.
Không chỉ đọc, những vấn đề, nội dung liên quan ngành nghề của các con trên sách báo, những câu chuyện dính đến công việc các con đang làm, đều được bố mẹ tôi (lúc nào đọc báo, sách trên tay cũng có cây bút chì hai đầu xanh đỏ) khuyên vào đó và nhắc: “Các con đã xem chưa? Thấy sao? Có phạm/có làm giống vậy không?”.
Những nội dung đó còn được đem vào cả bàn cơm, bàn cỗ đám giỗ để bàn luận. Họ hàng của gia đình, khi có dịp ghé ăn cơm, ra về đã “đồn thổi”: “Nhà đó y như một ban biên tập báo”.
Thói quen đọc sách báo từ ông bà, bố mẹ được nâng lên thêm một mức ở “đời F1” là anh chị em chúng tôi. Đó là để giữ và có nhiều đầu sách cho nhà hơn.
Với số sách “khiêm tốn” có được, đám lau nhau chúng tôi “khi người ta trẻ” đã thành lập một “Lâm gia thư viện” cho gia đình, có sổ phân loại sách, cho mượn, thu hồi và có cả con dấu (được một người bạn khéo tay làm giúp) đóng vào sách (theo quy định trang 1, trang 17 hẳn hòi) để không thất lạc.
Sách đi cùng gia đình từ khi chúng tôi còn rất bé. Đến nay, anh chị em đã bước vào tuổi hưu trí, cảm nhận một điều rằng tâm hồn, nhân cách và thái độ sống của từng người trong gia đình, ngoài giáo dục của ông bà, cha mẹ, phần lớn đã nhận được từ sách.
Chúng tôi nhận những thiện lương và tử tế, cho dẫu nhiều quyển sách đã mang đến những diện mạo thực của cuộc đời, con người không mấy trong sáng.
Đọc sách, thích sách, cảm sách là vậy nhưng đến khi lập gia đình và có con, anh chị em chúng tôi phát hiện ra khoảng cách giữa “thế hệ lai F1” - là chúng tôi - với đám nhỏ “đời F2” về vấn đề sách vở ngỡ như không thể bắc cầu.
Chúng tôi cho là mình khá thoải mái khi giới thiệu với các cháu những bộ truyện tranh ngày bé mình ham mê như Lucky Luke, Xì Trum, Vượn Đốm, Những cuộc phiêu lưu của cậu bé Tintin…
Song, nhìn vẻ đón nhận không lấy gì làm mặn mà cho lắm của lũ trẻ so với cách mà chúng hăm hở lùng mua Doremon, Thám tử Conan, Harry Porter…, chúng tôi thấy mình bị sốc.
Tra vấn, vặn vẹo cái lẽ “vì sao?”, người lớn đều lắc đầu khi nhận về câu trả lời, mà nay đám trẻ gọi là “theo trend”: “Vì đó là Doremon, Conan, Harry Porter…”.
Khi các cháu lớn thêm một chút, hướng chúng đến những quyển Tâm hồn cao thượng, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Hạt giống tâm hồn…, tất thảy người lớn đều ngớ ra khi nghe chúng hỏi: “Truyện đó có nhiều tranh, ít chữ không?”.
Lâu dần, bận bươn chải, mưu sinh, người lớn đành tạm bằng lòng với mức độ “tụi nhỏ chịu đọc sách”, và thôi không ao ước “đọc sách như mình”.
Thực lòng là rất bi quan với “loại văn hóa đọc chỉ thích truyện tranh” của lớp trẻ bây giờ. Bi quan khi thấy học sinh, bạn bè mình và con cháu của họ giờ ít quan tâm sách, ít thích đọc sách. Chúng chỉ thích… quẹt iPhone, iPad, thích cười và mơ màng với cái màn hình tinh thể lỏng, mặc ngoài kia xã hội xoay vần.
Người trẻ đã chứng minh được một điều “Sách nào cũng quý, cũng bổ". Ảnh: Việt Linh. |
Hãy hướng trẻ đọc sách, khơi gợi niềm đam mê
"Cái ta thấy, nhiều khi không phải sự thực" là điều ngộ ra khi chúng tôi tham dự những buổi học ngoài trời, các buổi họp phụ huynh. Nhìn các cháu mình tự tin, dõng dạc mà vẫn thân ái trong vai trò leader phân công các bạn “làm việc nhóm”.
Nghe thầy cô giáo chủ nhiệm khen ngợi các cháu ngang nhưng không tàng, giỏi nhưng không kiêu, thẳng thắn nhưng không thô thiển, dũng cảm nhưng không hung bạo khi bênh vực lẽ phải, bênh vực bạn bè và “đối chọi” với thầy cô trong các việc mà chúng nghĩ mình không sai, người lớn tự dưng giật mình và hỏi “vì sao?”.
Nhiều phiên “chất vấn” sau đó dĩ nhiên được mở ra. Người lớn ngớ người khi nghe các cháu tranh nhau phân tích “điều hay lẽ phải” ấy của chúng có được là nhờ các bộ truyện tranh, truyện hình, cả truyện ngôn tình.
Từ những thất bại trong định hướng đọc sách cho trẻ của gia đình mình, tôi mong quý phụ huynh hãy hướng các cháu đến chuyện đọc sách, gợi niềm ham mê, mong muốn tìm đến sách cho trẻ.
Bà Lâm Minh Trang
Người trẻ đã chứng minh được một điều xưa hơn Trái Đất: “Sách nào cũng quý, cũng bổ. Không bổ dọc, cũng bổ ngang, chứ không bổ ngửa”.
Người lớn cũng được “lớn lên cùng sách” theo trẻ, khi vì “không cam tâm” chấp nhận những lý lẽ nghe có vẻ ba trợn của lũ nhỏ, mà phải tìm đến những bộ truyện chúng đã đọc, giữ gìn cẩn thận (thậm chí hăm he: Không được bán ve chai, chúng con đi du học về sẽ đọc tiếp).
Nhận ra trong những bộ truyện ngỡ là ngớ ngẩn đó (theo người lớn) lại chứa đựng những gì mà tụi nhỏ cần: Một đời sống hồn nhiên, thẳng thắn. Yêu nói yêu, ghét bảo ghét.
Không để bị bắt nạt và không thích thói bắt nạt. Không ỷ đông hiếp yếu. Không ỷ thế vênh mặt, thương yêu bạn bè “vô đối” nhưng không thích bè phái. Tôn trọng thầy cô nhưng không ngoan ngoãn cam chịu.
Bằng đó thứ phát hiện để thấy rằng chỉ cần trẻ chịu tìm đến sách, ta có thể an tâm với nhân cách của chúng. Nhân cách đó sẽ lớn lên có thể không nhanh như ta mong, nhưng lại thuận theo cái lẽ tự nhiên mà trẻ muốn.
Nhân cách đó không chỉ là đạo đức (như người lớn vẫn chú trọng), mà còn là vô vàn kỹ năng có thể giúp trẻ bước ra cuộc đời chông gai - không phải không thất bại - mà là biết bước đi ngay ngắn ngay cả khi thất bại.
Vì lẽ đó, từ những thất bại trong định hướng đọc sách cho trẻ của gia đình, tôi mong quý phụ huynh hãy hướng các cháu đến chuyện đọc sách, gợi niềm ham mê, mong muốn tìm đến sách cho trẻ.
Những bước “hướng gợi” đó chắc chắn sẽ cho chúng ta một người trẻ “lớn lên cùng sách”, thay vì ấn ngay vào tay các cháu quyển sách và “truyền lệnh”: “Hãy đọc đi!”.
Kết quả chỉ đưa về một đứa trẻ “đờ đẫn, ngáp dài” bên những trang sách, trong khi mắt thì dán vào một cách thèm thuồng cái màn hình Iphone của đứa bạn kế bên!