Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hawaii của Trung Quốc' trở thành ác mộng nghỉ dưỡng

Lệnh phong tỏa chống dịch bất ngờ ở thành phố du lịch Tam Á, tỉnh Hải Nam đã biến nơi được mệnh danh là “Hawaii của Trung Quốc” trở thành cơn ác mộng cho các du khách bị mắc kẹt.

Khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè năm 2021, nữ doanh nhân Trung Quốc Yang Jing đã chọn hòn đảo nhiệt đới Hải Nam ở miền Nam vì thành tích chống dịch Covid-19 gần như hoàn hảo. Trong năm 2021, nơi đây chỉ ghi nhận 2 ca dương tính có triệu chứng với Covid-19.

Nhưng hiện nay, đảo Hải Nam bất ngờ ghi nhận lượng lớn ca mắc Covid-19, khiến thành phố Tam Á phải phong tỏa và hàng chục nghìn du khách như bà Yang mắc kẹt trên đảo.

ac mong nghi duong anh 1

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm ở Tam Á vào ngày 6/8. Ảnh: VCG.

Bất chợt phong tỏa

Tam Á, điểm hút khách du lịch chủ yếu của Hải Nam, ban bố lệnh phong tỏa vào ngày 6/8 và giới hạn các mắt xích vận tải để cố ngăn dịch lây lan, dù khoảng 80.000 du khách vẫn đang tận hưởng bãi biển nơi đây trong mùa cao điểm. Nhiều người trong số đó hiện phải ở yên trong khách sạn cho tới ngày 13/8, nếu không phải lâu hơn.

Bà Yang, cùng chồng và con, hiện ở khách sạn 4 sao và phải tự trả tiền túi thuê phòng. Cả gia đình đang phải ăn mì gói mỗi ngày để tránh mất thêm tiền vào thực phẩm.

"Đây là kỳ nghỉ lễ tồi tệ nhất trong đời tôi”, Yang, người trong độ tuổi 40 và sống ở tỉnh Giang Tây ở miền Nam Trung Quốc, kể với Reuters hôm 7/8.

Thành phố Tam Á ghi nhận 689 ca mắc có triệu chứng và 282 ca không triệu chứng trong các ngày 1-7/8. Các thành phố khác của tỉnh Hải Nam, bao gồm Lâm Cao, Đam Châu, Đông Phương, Lăng Thủy… đều ghi nhận hơn một chục ca nhiễm trong cùng thời gian.

Hôm 6/8, thành phố Tam Á đã dừng bán vé tàu hỏa theo chiều rời khỏi đây, đài CCTV dẫn lời công ty vận hành tàu hỏa quốc gia. Hơn 80% chuyến bay ra vào Tam Á đã bị hủy, theo nhà cung cấp dữ liệu Variflight.

Hải Nam đã đóng cửa không đón du khách quốc tế trong 2,5 năm qua vì Trung Quốc ngừng cấp thị thực du lịch và thực thi quy định cách ly nghiêm ngặt để chống dịch.

ac mong nghi duong anh 2

Một con phố vắng ở Tam Á vào ngày 6/8. Ảnh: VCG.

Cùng ngày 6/8, chính quyền Tam Á tuyên bố du khách bị hủy chuyến bay có thể đặt phòng khách sạn với giá ưu đãi 50%.

Nhưng một ngày sau, hàng chục du khách phàn nàn trên WeChat về việc khách sạn nơi họ ở không tuân thủ quy định trên và họ vẫn phải trả mức giá gốc. Hai du khách bị mắc kẹt xác nhận với Reuters rằng họ rơi vào tình huống như vậy.

“Chúng tôi đang tìm cách khiếu nại và bảo vệ quyền lợi, nhưng tới nay chưa cơ quan nào đã liên hệ hay để ý tới chúng tôi”, một nữ du khách họ Zhou tới từ Giang Tô nói.

Sẽ không quay lại

Một du khách nước ngoài sống ở Trung Quốc và đang có kỳ trăng mật ở Tam Á chỉ ra các vấn đề khác mà những khách du lịch mắc kẹt tại đây phải đối mặt, như tình trạng tăng mạnh trong phí vận chuyển đồ ăn, phí phục vụ đồ ăn khách sạn và giá vé máy bay rời khỏi Hải Nam.

Nguồn cung thực phẩm ở khách sạn nơi du khách này đang ở cũng chỉ còn ở mức thấp, ông nói.

“Tôi chỉ hy vọng lần này sẽ không biến thành một Thượng Hải nữa”, du khách này nói, nhắc lại đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 2 tháng tại thành phố Thượng Hải.

ac mong nghi duong anh 3

Du khách tới Tam Á, Hải Nam vào ngày 26/11/2020. Ảnh: Reuters.

Du khách nội địa đã duy trì sự sống cho nền du lịch Hải Nam trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch, nhưng đợt phong tỏa bất ngờ này có nguy cơ khiến các khách du lịch quay lưng mãi mãi với hòn đảo.

“Nói chung là chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại”, bà Zhou, người đi nghỉ mát với 6 thành viên trong gia đình, nói.

Nhà chức trách Tam Á đã nói các du khách bị mắc kẹt có thể rời hòn đảo bắt đầu từ ngày 13/8 nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần liên tiếp.

Tuy nhiên, Yang nói thời gian chờ kết quả xét nghiệm hiện rất lâu, khiến bà phải xét nghiệm nhiều lần trong một ngày.

“Chúng tôi không biết phải tìm tới ai”, bà Yang nói.

Micah Hostetter - nhà tư vấn kinh doanh tại Thượng Hải - cũng có tâm lý tương tự.

“Mọi thứ thật tồi tệ. Chúng tôi không biết mình sẽ phải ở lại trong bao lâu, nhưng tôi hy vọng là không quá lâu”, Hostetter, người dự kiến ​​rời Tam Á vào ngày 7/8 sau một tuần nghỉ lễ, chia sẻ với Reuters. Cô cho biết mình đã phải trải qua hơn 2 tháng phong tỏa tại Thượng Hải hồi đầu năm.

Trung Quốc phong tỏa thành phố du lịch ở đảo Hải Nam

Giới chức Tam Á ở miền Nam Trung Quốc ban bố lệnh phong tỏa vào ngày 6/8, giữa lúc 80.000 khách du lịch đang tận hưởng mùa hè tại thành phố nghỉ dưỡng ven biển này.

Thành phố giữa sa mạc của Trung Quốc phong tỏa

Trong khi cuộc sống tại Bắc Kinh và Thượng Hải dần trở lại bình thường, thành phố Erenhot thuộc khu tự trị Nội Mông yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà trừ khi có việc cấp bách.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm