Đào tạo và vận hành các mô hình AI là một nỗ lực tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, sự hào hứng với công cụ mới này có thể đang che giấu một vấn đề rất nghiêm trọng. Cuộc đua xây dựng các công cụ tìm kiếm hiệu suất cao, được hỗ trợ bởi AI sẽ đòi hỏi nâng cấp tương tự về sức mạnh tính toán.
Điều này cũng đồng nghĩa sự gia tăng lớn về lượng năng lượng cần thiết để vận hành những cỗ máy và lượng carbon mà nó thải ra.
Báo cáo phát triển bền vững mới nhất của Microsoft là một nghiên cứu điển hình về câu hỏi hóc búa mà các công ty công nghệ lớn phải đối mặt: Cam kết về khí hậu, nhưng lại gây ô nhiễm nhiều hơn khi chuyển chuyển trọng tâm sang AI.
Mục tiêu xa vời
Năm 2020, Microsoft đặt mục tiêu sẽ đạt mức âm carbon vào cuối thập kỷ này. Cụ thể, hãng cam kết cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải nhà kính và sau đó thu giữ lượng khí thải carbon dioxide lớn hơn mức họ sẽ tạo ra.
Sự phát triển của AI đi kèm với mức phát thải carbon tăng khủng khiếp. Ảnh: MIT Technology Review. |
Đó là một cam kết táo bạo vào thời điểm đó, trong bối các công nghệ thu giữ carbon hầu như chưa tồn tại. Cam kết này cũng đồng nghĩa Microsoft sẽ phải thúc đẩy việc triển khai nhiều năng lượng tái tạo hơn vào lưới điện nơi công ty hoạt động.
Trong bài đăng trên blog, công ty cho biết "đã chi trả cho 15 nhà cung cấp thuộc 26 dự án trên khắp thế giới để loại bỏ 1,3 triệu tấn carbon".
Tuy nhiên, tham vọng quá lớn của Microsoft về việc dẫn đầu xu thế tích hợp AI đang khiến cam kết đó trở nên xa vời.
Khi đi sâu vào phân tích dữ liệu trong báo cáo phát triển bền vững của Microsoft, The Verge cho rằng mọi chuyện đã đi sai hướng.
Cụ thể, trong năm tài chính vừa qua, gã khổng lồ phần mềm đã thải ra 15,357 triệu tấn carbon dioxide, con số tương đương với tình trạng ô nhiễm carbon hàng năm ở cả nước Haiti hoặc Brunei.
Không chỉ Microsoft, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và Samsung Electronics - nhà sản xuất chip bộ nhớ hàng đầu thế giới - cũng đang chật vật với mục tiêu giảm khí thải carbon.
Tại cuộc họp thường niên, chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết sự chậm chạp của Đài Loan trong việc phát triển năng lượng tái tạo đang cản trở công ty đạt được các mục tiêu về môi trường.
“Các cơ sở của chúng tôi ở Mỹ và Trung Quốc (đại lục) đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng xanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa sử dụng nhiều năng lượng xanh ở Đài Loan. Thực tế là Đài Loan không có đủ năng lượng xanh cho chúng tôi", ông Liu nói.
Mục tiêu giảm khí thải carbon đang là thứ xa vời trong giới công nghệ. Ảnh: MIT Sloan Management Review. |
Trong khi đó, Samsung cho biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia gặp nhiều thách thức nhất trên thế giới về năng lượng tái tạo, đồng thời trích dẫn quan điểm tương tự từ các thành viên RE100 - sáng kiến năng lượng tái tạo dành cho các tập đoàn trên toàn cầu.
Theo Nikkei Asia, nguồn năng lượng tái tạo hạn chế có thể khiến chip sản xuất ở châu Á kém thân thiện với môi trường hơn so với chip sản xuất ở Mỹ và châu Âu - điều khiến các khách hàng ngày càng lo ngại.
Thách thức nghiêm trọng về môi trường
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các trung tâm dữ liệu hiện chiếm khoảng 1% lượng khí thải nhà kính của thế giới. Cuộc đua tích hợp AI gần như sẽ làm tăng nhu cầu về điện toán đám mây, dù trước đó các công cụ tìm kiếm đã hứa sẽ giảm đóng góp vào tình trạng ấm lên toàn cầu.
Nền tảng cho ChatGPT hay Bard đều dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có nhiệm vụ phân tích cú pháp và xử lý tính toán các liên kết trong khối lượng dữ liệu khổng lồ. Đó cũng là lý do tại sao những chatbot thường có xu hướng được phát triển bởi các công ty có nguồn lực lớn.
"Khâu huấn luyện cho những mô hình này cần một lượng điện năng khổng lồ để xử lý tính toán. Hiện tại, chỉ có các công ty thuộc nhóm Big Tech mới có thể đủ nguồn lực làm điều đó”, Carlos Gomez-Rodriguez, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Coruna, Tây Ban Nha giải thích.
Cả OpenAI và Google đều không tiết lộ chi phí cụ thể để vận hành các sản phẩm AI. Mặc dù vậy, theo ước tính qua phân tích từ bên thứ ba của các nhà nghiên cứu, việc huấn luyện cho mô hình GPT-3, công nghệ đứng sau ChatGPT tiêu thụ khoảng 1.287 MWh và dẫn đến lượng khí thải tương đương hơn 550 tấn CO2.
Để so sánh, con số khí thải này tương đương với một người đi 550 chuyến khứ hồi giữa New York và San Francisco.
Khi các bộ dữ liệu và mô hình trở nên phức tạp hơn, năng lượng cần thiết để đào tạo và chạy các mô hình AI cũng trở nên khổng lồ.
Sự tương phản giữa lượng khí thải carbon khi đào tạo mô hình AI và tuổi thọ trung bình của con người. Ảnh: S&P Global. |
Sự gia tăng sử dụng năng lượng này ảnh hưởng trực tiếp đến phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo các nhà nghiên cứu của OpenAI , kể từ năm 2012, lượng sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo các mô hình AI tiên tiến đã tăng gấp đôi sau mỗi 3,4 tháng.
Đến năm 2040, dự kiến lượng khí thải từ toàn ngành công nghệ sẽ đạt 14% lượng khí thải toàn cầu , với phần lớn lượng khí thải đó đến từ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trung tâm dữ liệu và mạng truyền thông.
Bên cạnh dấu chân carbon, xử lý chất thải điện tử cũng là vấn đề nan giải. Chất thải điện tử chứa các hóa chất độc hại, bao gồm chì, thủy ngân và cadmium, có thể làm ô nhiễm đất và nguồn nước, đồng thời gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.
Đến năm 2050, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) dự đoán tổng lượng rác thải điện tử tạo ra sẽ vượt quá 120 triệu tấn.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.