Nền đất tại TP.HCM bị sụt lún trung bình khoảng 2 cm mỗi năm, có nơi đến 6 cm. Trong gần 30 năm qua, TP.HCM đã bị thấp đi khoảng nửa mét. Lún đất dẫn đến đô thị 10 triệu dân đối mặt với ngập lụt thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đưa ra báo cáo chất lượng nguồn nước khai thác dưới đất ở thành phố hiện nay chưa đạt chỉ tiêu an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Tăng nguy cơ lún đất
Về mặt khoa học, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết lún đất diện rộng là một trong những yếu tố gây ngập ở TP.HCM.
“Lún đất diện rộng ở TP.HCM có thể lên đến 2,5 cm/năm, cao gấp 3-5 lần so với tốc độ nước biển dâng”, ông Hồ Long Phi nêu dữ liệu nghiên cứu.
Điểm ngập mới ở dưới chân cầu Thủ Thiêm 2 chiều 15/8. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam (DWRPIS), độ lún tích lũy từ 2005 đến 2017 của TP.HCM là 23 cm, nơi nhiều nhất lún 81 cm (phường An Lạc, quận Bình Tân); độ lún bình quân hàng năm là 2 cm, có nơi 6 cm. 10 địa phương lún nhiều nhất là quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và TP Thủ Đức (khu vực quận 2 và Thủ Đức cũ). Quận 12 và Bình Tân sụt lún nền lớn nhất.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này ở khu vực TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đưa ra kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan trên địa bàn đến năm 2025, nhằm hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất; đồng thời yêu cầu đơn vị cấp nước ngừng khai thác nước ngầm ở nơi đã có mạng cấp nước.
Theo thống kê của Sở TNMT, đến tháng 9/2022 sau hơn 4 năm thực hiện nhiều giải pháp, thành phố đã giảm khối lượng sử dụng nước dưới đất từ 716.581 m3/ngày xuống còn 264.581 m3/ngày, đạt tỷ lệ 73,3% so với kế hoạch.
Lượng nước ngầm ở TP.HCM chủ yếu gồm 4 nhóm đối tượng sử dụng. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất ở các hộ gia đình ước giảm 235.703 m3/ngày (đạt tỷ lệ 71,9% so với kế hoạch); các doanh nghiệp bên trong khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805 m3/ngày (đạt tỷ lệ 57,4%); các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 145.220 m3/ngày (đạt tỷ lệ 104,8 %) và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giảm 42.272 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 42,3 %).
Riêng đối với nhóm sử dụng nước dưới đất là hộ gia đình, Sở TNMT phối hợp UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Sawaco, Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đã khảo sát và lắp đặt đồng hồ nước sạch cho các hộ, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục thay vì nước giếng.
Ngoài ra, Sở TNMT chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt đối với những khu vực chưa đưa được nguồn nước mặt từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai về hệ thống xử lý nước sạch.
Sụt lún nền đất ở một bệnh viện tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nước dưới đất không đạt chuẩn để sử dụng
Trong buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 15/9, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết công tác giám sát chất lượng nước sinh hoạt được thành phố thực hiện định kỳ, lấy 2 mẫu/tháng tại mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức.
Chất lượng nước được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong Thông tư số 41/2018/TT-BYT, xét theo 2 tiêu chuẩn chính về hóa lý và vi sinh.
Theo báo cáo của bà Nga, trong năm 2021, HCDC đã kiểm tra 160 mẫu nước giếng khoan toàn thành phố. Tuy nhiên, 98% mẫu được lấy đều không đạt chỉ tiêu về độ pH và Clo dư (2 chỉ tiêu đánh giá cơ bản nhất của tiêu chuẩn hóa lý trong nước sinh hoạt). 15% mẫu không đạt về tiêu chuẩn vi sinh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, HCDC lấy 120 mẫu nước để giám sát thì hầu hết không đạt các chỉ tiêu trên.
“Nếu không đạt chuẩn về lượng Clo dư trong nước thì người sử dụng thường xuyên sẽ có nguy cơ bị các bệnh lây nhiễm, bệnh đường ruột”, bà Lê Hồng Nga nói thêm.
Do đó, HCDC khuyến cáo người dân thay đổi thói quen sử dụng nước máy thay vì nước dưới đất.
Thống kê ở ĐBSCL và TP.HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung có quy mô trên 10 m3/ngày phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Trong đó, TP.HCM có 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày. Ngoài ra, khoảng 990.000 giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.