Chiều 12/9, vào giờ tan tầm, đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7) xảy ra ngập do triều cường. Một số phương tiện bị chết máy, người dân phải dắt xe lội bộ khi qua đoạn đường này.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho thấy mực nước tại các trạm ở TP.HCM đều cao hơn hôm qua. Trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) dự báo mức nước là 1,55 m. Tại trạm Nhà Bè (trên kênh Đồng Điền) mực nước cũng được dự báo ở mức 1,56 m.
Triều cường dâng cao khiến người dân gặp khó khăn khi di chuyển trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7). Ảnh: Tâm Linh. |
Theo dự báo, mực nước đỉnh triều trên các kênh rạch ở TP.HCM sẽ xuống nhanh trong những ngày tới. Thời gian xuất hiện đỉnh triều trong ngày từ 4h đến 6h và 16h đến 18h. Ngược lại, mực nước chân triều sẽ lên nhanh trong 3 ngày tới rồi sau đó xuống nhanh.
Ngoài đường Huỳnh Tấn Phát và Trần Xuân Soạn kể trên, người dân di chuyển qua các tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Lương Định Của (TP Thủ Đức), quốc lộ 50, Nguyễn Văn Hưởng, Xa Lộ Hà Nội,... cũng cần lưu ý có thể gặp ngập úng.
Trao đổi với Zing về tình trạng ngập mỗi khi triều cường, TS Nguyễn Văn Hồng, Phó phân Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng mực nước trên sông Sài Gòn gia tăng cùng với những trận mưa lớn ngày càng thường xuyên, trong khi hệ thống thoát nước và kiểm soát triều vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng khiến cho tình trạng ngập ở TP.HCM ngày càng trở nên trầm trọng.
Tuyến đường Trần Xuân Soạn ngập do triều cường trong chiều 12/9. Ảnh: Tâm Linh. |
Còn PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, phân tích TP.HCM có gần 60% diện tích là vùng đất thấp và có đến trên 70% diện tích đất đai TP.HCM nằm trong tầm ảnh hưởng dao động triều.
Theo thống kê, mức triều năm 2019 ở TP.HCM lập đỉnh kỷ lục là 1,77 m. Trạm Nhà Bè là 1,8 m. Từ đó đến nay, thành phố đã xuất hiện 73 lần đỉnh triều từ 1,6 m trở lên. Địa hình thấp trũng và việc phát triển đô thị mới trên các vùng thấp ở TP Thủ Đức, quận 7, Bình Tân, huyện Bình Chánh đã khiến tình trạng úng ngập sâu và thời gian ngập lâu hơn.
"Thành phố cần đảm bảo chống ngập trước mắt, vừa có biện pháp dài hạn để người dân được sống an toàn, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường", ông Quỳnh cho hay.