Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hầu hết doanh nghiệp tại TP.HCM đã có đơn hàng trở lại

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh hai ngành khó khăn nhất trong năm ngoái là dệt may và đồ gỗ hiện đã bắt đầu có đơn hàng trở lại.

Nhiều doanh nghiệp may mặc tại TP.HCM đã có đơn hàng trở lại. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chia sẻ bên lề buổi họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của Sở Công Thương TP.HCM quý I/2024 sáng 22/2, bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây - cho biết kể từ mùng 6 Tết đến nay, nhân viên tại doanh nghiệp đã phải tăng ca liên tục để sản xuất đơn hàng.

Doanh nghiệp cũng đang tuyển thêm 50 công nhân thời vụ để gia tăng sản xuất.

Có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cho cả năm

"Hiện tại, công ty chúng tôi đã có đơn hàng cho cả năm, thậm chí còn không đủ bán, chúng tôi dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay. Với lượng đơn hàng tăng, dự kiến năm 2024 doanh thu sẽ tăng 300-400%", bà Giàu chia sẻ.

Riêng trong quý I, bà cho biết doanh nghiệp chắc chắn đạt được 20% kế hoạch cả năm. Để đáp ứng lượng đơn hàng trên, doanh nghiệp cũng vừa mua lại một nhà máy của Đài Loan tại Việt Nam.

Trên thực tế, khảo sát nhanh các doanh nghiệp sau Tết Giáp Thìn 2024 của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng và chính thức hoạt động trở lại từ ngày 19/2 (tức mùng 10 Âm lịch).

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhìn nhận các tín hiệu chỉ số kinh tế tháng 1 và 2 đã có sự tăng trưởng.

Đặc biệt, hai ngành khó khăn nhất trong năm ngoái là dệt may và đồ gỗ hiện đã bắt đầu có đơn hàng trở lại. "Các doanh nghiệp này đã có đơn hàng cho tới tháng 6, có doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm", ông nhấn mạnh.

Sở Công Thương TP.HCM dự báo kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2024, dự kiến tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ từ 5% (công nghiệp) và 10% (thương mại) trở lên.

Cùng với đó, TP.HCM xác định hoạt động xuất khẩu là một trong 3 trụ cột trong năm nay. Hai trụ cột còn lại là tiêu dùng nội địa và đầu tư công.

"Đây là 3 trụ cột trong phát triển kinh tế giúp TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay. Do vậy, đòi hỏi Sở phải có những chương trình, cách xúc tiến, tiếp cận thị trường mới", ông Vũ nhận định.

TP.HCM sẽ tổ chức 11 hội chợ triển lãm trong năm nay

Dự kiến từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tổ chức khoảng 17 hoạt động, sự kiện xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có 11 hội chợ triển lãm.

Trong đó, đáng chú ý là diễn đàn, hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2024 được tổ chức từ ngày 8/5 đến ngày 11/5 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với số lượng 450 gian hàng.

Sự kiện nhằm giới thiệu các sản phẩm nông sản, cao su, nhựa, điện tử, cơ khí, thủy hải sản, đồ gỗ, thực phẩm, dệt may, giày da... nhằm tạo cơ hội và là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đoàn người mua quốc tế.

xuat nhap khau anh 1

TP.HCM sẽ tổ chức khoảng 17 hoạt động, sự kiện chính xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bà Giàu cũng thừa nhận nhờ diễn đàn này năm ngoái mà doanh nghiệp mới kết kết nối được với các siêu thị lớn như Mega Market, Tops Market, Aeon Mall, Central Group..., giúp nhà máy hoạt động hết năng suất.

"Trước đây chúng tôi không tiếp cận được với các chuỗi bán lẻ trong nước, 80% sản phẩm đều xuất khẩu. Tuy nhiên, sau sự kiện trên, tôi có dịp gặp gỡ được với các sếp của những doanh nghiệp quốc tế và siêu thị lớn tại Việt Nam", bà nói.

Cũng tại sự kiện, bà Tâm Anh - Chánh Văn phòng Hội Da Giày TP.HCM - cho biết hội có hơn 20 doanh nghiệp tham gia hội chợ năm ngoái và trên 90% số doanh nghiệp phản hồi tích cực.

"Chúng tôi mời được các đoàn doanh nghiệp từ Ấn Độ, Singapore, Đài Loan sang tham dự, một số doanh nghiệp trong hội đã có đơn hàng ngay tại hội chợ", bà nói thêm.

Trên thực tế, Hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023 có hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu tham gia với 250 gian hàng trưng bày các sản phẩm thuộc 7 ngành nghề xuất khẩu chủ lực.

Hội chợ năm ngoái thu hút hơn 9.200 lượt khách tham quan. Trong đó, khoảng 306 đoàn khách quốc tế đến từ Mỹ, Anh, Ấn Độ, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Nga, Myanmar, Mexico, Australia, Đài Loan đến tìm kiếm cơ hội hợp tác. Sau sự kiện, có hơn 500 lượt kết nối giao thương giữa các tập đoàn quốc tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Với việc tăng quy mô và có nhiều điểm mới, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM kỳ vọng hội chợ năm nay sẽ là điểm đến, là lựa chọn hàng đầu khi các nhà nhập khẩu, các tập đoàn lớn đến Việt Nam.

2 liên danh đầu tư muốn làm 2 dự án đô thị 14.000 tỷ đồng tại Đồng Nai

Có 2 liên danh đăng ký làm dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River và Khu đô thị du lịch Phong Phú Riverside. Đáng chú ý, 5/6 pháp nhân đều có liên quan đến Văn Phú Invest.

Metro Star của CT Group có nữ Chủ tịch 8x

Chủ đầu tư dự án Metro Star ở TP Thủ Đức, TP.HCM vừa bổ nhiệm bà Ngô Thị Kim Ngân (sinh năm 1986) làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.

Xây dựng Hòa Bình trúng thầu 5 dự án tổng vốn 72 triệu USD ở châu Phi

Xây dựng Hòa Bình vừa thông báo trúng thầu loạt dự án nhà ở xã hội tại Kenya (châu Phi) với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 72 triệu USD.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm