Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu duệ vương quốc cổ quyết đòi gần 15 tỷ USD từ Malaysia

Các hậu duệ của vương quốc cổ Sulu đang tìm cách buộc Malaysia phải trả gần 15 tỷ USD tiền bồi thường, do nước này không thực hiện một hiệp định gần 150 năm tuổi.

Tranh chấp giữa Malaysia và Philippines về vùng lãnh thổ Sabah - vốn có nguồn gốc từ thời kỳ thuộc địa - lại đang bùng lên khi hậu duệ của vương quốc cổ Sulu tại miền Nam Philippines muốn giành lấy gần 15 tỷ USD tài sản của Malaysia.

Những người này đã đưa Kuala Lumpur ra một tòa trọng tài tại Pháp sau khi quốc gia Đông Nam Á đơn phương dừng trả tiền cho họ, theo quy định của một hiệp định đã kéo dài 144 năm.

Ban đầu, thông tin này không nhận được sự chú ý từ dư luận Malaysia - quốc gia coi Sabah là vấn đề lịch sử, thay vì mối lo hiện tại. Họ cũng không cử đại diện tham dự các phiên tòa trọng tài. Tuy vậy, khi tòa trọng tài ra phán quyết có lợi cho hậu duệ vương quốc Sulu hồi tháng 2, Kuala Lumpur không thể ngồi yên.

Nguồn gốc yêu sách

Theo một hiệp định được ký kết năm 1878, quốc vương Sulu đồng ý chuyển giao một phần đáng kể lãnh thổ Sabah (nay thuộc Malaysia) cho Công ty Bắc Borneo của Anh để nhận lại 5.000 peso mỗi năm, theo South China Morning Post.

Do hậu duệ chính thức cuối cùng của quốc vương Sulu đã mất năm 1936 mà không có người nối dõi, chính quyền thực dân Anh xác định 9 người có yêu sách với ngai vàng và tiếp tục trả tiền cho họ.

tranh chap sulu anh 1

Quốc vương Jamalul Kiram II, người lên ngôi năm 1894, là vị vua cuối cùng được công nhận của Sulu. Ảnh: KILTV.

Sau khi giành độc lập từ Anh, Malaysia thừa kế nghĩa vụ chi trả này. Qua chính phủ Philippines, họ trả cho các hậu duệ của vương quốc Sulu 5.300 ringgit (khoảng 1.200 USD theo thời giá hiện nay) mỗi năm.

Hai bên cũng có khác biệt về cách diễn giải hiệp định năm 1878. Phía Malaysia thừa hưởng cách giải thích của Anh cho rằng vương quốc Sulu đã chuyển giao toàn bộ chủ quyền khu vực trên cho họ. Trong khi đó, các hậu duệ của vương quốc coi đây chỉ là bản hợp đồng cho thuê.

Tổng chưởng lý Malaysia Idrus Harun mới đây cố gắng đặt ra nghi ngờ về danh tính của các hậu duệ nhằm vô hiệu hóa yêu sách của họ. Dù vậy, lập luận này bị các luật sư của bên nguyên đơn bác bỏ khi chỉ ra những người tiền nhiệm của ông Idrus đã biết đến và công nhận những người này trong nhiều năm.

Bên nguyên đơn muốn gì?

Năm 2013, sáu dân thường và 10 nhân viên an ninh Malaysia thiệt mạng khi ông Jamalul Kiram III, một trong số các hậu duệ, gửi một nhóm vũ trang tới tấn công Sabah. Sau vụ việc, ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ, quyết định đơn phương ngừng trả tiền cho các hậu duệ vương quốc Sulu. Theo ông Najib, cuộc tấn công khiến hiệp định mất đi giá trị.

“Các ngài phá vỡ hiệp định và xâm lược đất nước chúng tôi, giết 10 anh hùng của chúng tôi một cách máu lạnh, mà vẫn hy vọng chúng tôi trả tiền sao?”, ông Najib nói hồi tuần trước.

Dù vậy, các hậu duệ của vương quốc - chỉ còn bao gồm 8 người do ông Kiram đã qua đời - thuyết phục tòa trọng tài thành công rằng Malaysia đã sai khi ngừng trả tiền. Phán quyết được đưa ra hồi tháng 2 cho rằng Malaysia sẽ phải trả cho các hậu duệ 14,9 tỷ USD tiền bồi thường.

tranh chap sulu anh 2

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã quyết định ngừng trả tiền cho hậu duệ vương quốc cổ Sulu từ năm 2013. Ảnh: Bernama.

Theo công ước New York năm 1958, một phán quyết trọng tài được đưa ra ở một nước thành viên sẽ có quyền thi hành ở các nước khác cùng ký kết.

Tuy nhiên, Malaysia cho rằng phán quyết không chỉ mang tính thương mại, mà còn xâm phạm chủ quyền của quốc gia này. Với lập luận trên, Tòa Phúc thẩm Paris cũng đã ra lệnh hoãn thi hành phán quyết.

Trong khi đó, đội ngũ luật sư của nguyên đơn cho rằng phán quyết vẫn có thể được thi hành bên ngoài lãnh thổ Pháp (nơi phán quyết được đưa ra). Bên nguyên đơn cũng đã đề nghị thành công tòa án Luxembourg tịch thu hai chi nhánh của Petronas - tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia.

Các phe phái Malaysia đổ lỗi

Theo ông Najib Razak, chính quyền của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, người kế nhiệm ông năm 2018, đã sai lầm khi không tham dự hay can thiệp vào phiên tòa trọng tài, cũng như không cử đại diện tới để phản bác các yêu sách của các hậu duệ vương quốc Sulu.

Trong khi đó, các đối thủ chính trị của ông Najib chỉ ra chính quyết định đơn phương ngừng trả tiền của ông là nguyên nhân khiến Malaysia vướng vào rắc rối. Ông Rafizi Ramli, người của đảng đối lập, thậm chí huy động 100 thành viên trong đảng gửi đơn cáo buộc ông Najib lên cảnh sát nước này vì “cẩu thả” trong vụ việc.

“Tôi tin ông Najib phải chịu trách nhiệm vì sự thất bại và cẩu thả trên cương vị thủ tướng, dẫn tới các yêu sách của hậu duệ vương quốc Sulu - điều là gánh nặng cho mọi chính quyền liên bang sau ông ấy”, ông Rafizi nói.

tranh chap sulu anh 3

Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas cũng bị vướng vào tranh chấp, khi hai chi nhánh của họ tại Luxembourg đã bị tịch thu. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cam kết lập trường của Malaysia về Sabah sẽ không thay đổi và khẳng định chính phủ nước này sẽ bảo vệ tài sản của đất nước. Kuala Lumpur cũng đã thiết lập một nhóm công tác để đối phó với vụ việc.

Giáo sư James Chin, một nhà quan sát chính trị lâu năm, bày tỏ tin tưởng Malaysia sẽ giành chiến thắng về mặt pháp lý. Dù vậy, các cuộc chiến pháp lý sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của Kuala Lumpur.

“Vấn đề là Malaysia muốn dàn xếp, hay họ muốn ‘chiến đấu’ trong mọi vụ kiện mà (các hậu duệ của vương quốc Sulu) đòi chiếm tài sản”, ông nói.

Malaysia có nguy cơ mất 15 tỷ USD vào tay hậu duệ vương quốc cổ

Hậu duệ của Vương quốc Sulu đang tìm cách buộc Malaysia trao trả 14,9 tỷ USD như một phần của một phán quyết trọng tài, bất chấp lệnh hoãn thi hành, Reuters đưa tin hôm 16/7.

Philippines và Malaysia tranh cãi về 'món quà của quốc vương Brunei'

Các nhà ngoại giao Philippines và Malaysia đang tranh cãi về lãnh thổ Sabah, một trong 13 bang của Malaysia mà Manila nói là món quà được tặng cho Philippines trước đây.

Việt Hà

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm