Phán quyết trên, được một tòa trọng tài tại Pháp đưa ra hồi tháng 2, yêu cầu Malaysia chi trả số tiền trên để giải quyết tranh chấp liên quan tới một thỏa thuận về đất đai từ thời kỳ thuộc địa.
Năm 1878, một công ty của Anh ký thỏa thỏa thuận với vương quốc cổ Sulu để khai thác tài nguyên tại khu vực ngày nay thuộc bang Sabah của Malaysia. Sau khi giành độc lập, chính phủ Malaysia thừa hưởng thỏa thuận này và phải trả tiền hàng năm cho hậu duệ của vương quốc, những người là công dân Philippines.
Các tài sản của Malaysia trên toàn cầu - bao gồm tài sản của tập đoàn dầu khí Petronas - có thể bị ảnh hưởng nếu phán quyết được thi hành. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy vậy, kể từ năm 2013, Malaysia ngừng trả tiền với lập luận rằng không ai có thể đòi quyền lợi với Sabah, vốn là một phần lãnh thổ Malaysia.
Hôm 13/7, Kuala Lumpur cho biết Tòa Phúc thẩm Paris đã ra lệnh hoãn thi hành phán quyết do điều này có thể xâm phạm chủ quyền của Malaysia. Bộ trưởng Luật pháp Malaysia Junaidi Tuanku Jaafar cho biết nước này đang tìm cách vô hiệu hóa phán quyết.
Trong khi đó, đội ngũ luật sư của nguyên đơn cho rằng phán quyết vẫn có thể được thi hành bên ngoài lãnh thổ pháp theo Công ước New York, một văn bản của Liên Hợp Quốc về trọng tài quốc tế được khoảng 170 quốc gia công nhận.
Bà Elisabeth Mason, một luật sư bên nguyên đơn, cho biết mọi tài sản của chính phủ Malaysia tại các nước thành viên Công ước New York có thể bị sử dụng để thực thi phán quyết, trừ một số trường hợp đặc biệt như trụ sở cơ quan ngoại giao.
Bên nguyên đơn hồi tuần trước đã chiếm quyền kiểm soát hai chi nhánh có trụ sở tại Luxembourg của tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas trong nỗ lực thực thi phán quyết. Petronas gọi việc chiếm giữ là điều “không có cơ sở”, theo Reuters.