Khi được hỏi "có hack trong đội, các bạn có kick (loại bỏ thành viên) không?", các thành viên của nhóm VN-CS:GO, cộng đồng các game thủ "Counter-Strike:Global Offensive" (CS:GO) của Việt Nam với gần 90.000 thành viên, đã đưa ra nhiều phản hồi bất ngờ.
Một số người bình luận rằng "không kick nhưng sẽ tố cáo sau khi thắng", một số người khác cũng không nỡ kick vì "tiếc một trận thắng". Cá biệt, nhiều người cũng chia sẻ từng tạo phiếu kick nhưng thất bại và sau đó chính họ lại là những người bị "đá".
Những tựa game đối kháng trực tiếp/sinh tồn ở góc nhìn thứ nhất có lẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn gian lận. Các game thủ CS:GO, PUBG, Apex Legends, Đột Kích... xem những tên hacker như ác mộng khi đối đầu, nhưng là "lợi thế" khi cùng phe mình.
Apex Legend xuất hiện công cụ hack game chỉ sau 2 tuần ra mắt. Ảnh: Engadget. |
Trung bình mỗi tháng, hàng chục đến hàng trăm ngàn tài khoản steam bị khóa vì vi phạm. Chỉ tính riêng CS:GO, Valve thông báo đã cấm hơn 600.000 tài khoản vi phạm vào cuối năm ngoái khi tựa game này bắt đầu cho phép chơi miễn phí.
Cá biệt trong một giải đấu CS:GO, từng có trường hợp một game thủ chuyên nghiệp người Ấn bị phát hiện hack game trong giải đấu, với phần mềm hack được đặt tên "word.exe". Người này cố tình đổi tên file để phần mềm này trông giống ứng dụng soạn văn bản nổi tiếng của Microsoft.
Valve, nhà phát hành tựa game "Counter-Strike:Global Offensive", từng treo thưởng cho các hacker tạo ra bản hack cho đến đặt bẫy họ bằng những lời mời tuyển dụng giả... Nhưng vấn nạn vẫn còn đó và những bản cập nhật mới luôn bị các phần mềm hack đuổi kịp.
Valve cho biết đây là cuộc chiến "quan trọng và đặc biệt giá trị". Năm ngoái, họ đã mua hơn 1.700 chiếc CPU chỉ để phát hiện những người chơi gian lận. Kể từ sau những nỗ lực của mình, Valve đã kiểm soát được tình hình, nhưng vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn nạn này.
Forsaken, game thủ người Ấn từng bị phát hiện dùng hack trong một giải đấu chuyên nghiệp. Ảnh: Liquipedia. |
Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... việc phát triển các phần mềm hack game là phạm pháp nhưng vẫn rất "ăn nên làm ra" trong suốt thời gian qua. Dư luận có lẽ không còn lạ với câu chuyện về những hacker thành công nhờ bán phần mềm hack, hay những vụ bắt giữ những người phát triển phần mềm.
Tuy nhiên, cũng như nhiều tựa game khác, phần mềm nhận diện các đối tượng hack của CS:GO còn hoạt động tương đối kém hiệu quả. Cách duy nhất để loại bỏ những hacker ra khỏi trận đấu là tạo phiếu kick. Nhưng việc này chỉ có thể được thực hiện bởi những người cùng đội với hacker và nếu thành công thì họ sẽ thi đấu thiếu người đến hết trận.
Đối với các tuyển thủ chuyên nghiệp hay streamer, sử dụng hack/cheat có thể khiến họ mất cả sự nghiệp. Một số tuyển thủ CS:GO, Fornite hay GTA V... đã bị tước quyền thi đấu, khóa kênh và bị cộng đồng tẩy chay. Những vết nhơ như thế này sẽ theo họ suốt phần còn lại của sự nghiệp.
Nhưng đối với những người chơi ẩn danh, có lẽ chỉ việc kick khỏi trận và khóa tài khoản mới có thể giúp hạn chế nạn hack vì nó làm giảm trải nghiệm của những người chơi gian lận.