Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu bỏ quê lên phố: Trường làng Trung Quốc chỉ còn 3 học sinh

Ngôi làng làm nông trên núi tại một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc kiệt quệ dần khi những người trẻ chuyển tới các thành phố và những người ở lại phải chật vật kiếm sống.

Tại làng Lộc Mã Xóa, sâu trong vùng núi của tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc, một người nông dân cần mẫn làm việc trên cánh đồng yên tĩnh, xới đất cho mùa vụ lúa mì của năm.

Vào thời điểm này nhiều năm trước, ông có thể đã nghe thấy tiếng bước chân chạy và tiếng cười khúc khích của những đứa trẻ chơi đuổi bắt. Nhưng bây giờ, trên đường không thấy bóng dáng một đứa trẻ nào.

Sự yên lặng bao trùm những cánh đồng và cả dãy nhà gần đó, như lời nhắc nhở ngôi làng thiếu sức trẻ. Gần như tất cả người dân đều từ 40 tuổi trở lên. Những người trẻ hơn đều đã chuyển đến thành phố tìm công việc lương cao hơn và mang những đứa con của họ đi cùng.

“Ngày trước, khi thời tiết bắt đầu ấm lên sau mùa đông, nhiều đứa trẻ sẽ chạy, nhảy, hò hét trên đường”, Feng Ping, hiệu trưởng trường tiểu học Lộc Mã Xóa cho biết.

"Nhưng bây giờ, kể cả vào kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè hay nghỉ đông, bạn cũng sẽ chẳng thấy đứa con nít nào ở đây”, ông Feng nói. “Trẻ con trong làng chuyển đến học ở các thành phố và không quay về”.

Nỗ lực giảm nghèo của chính phủ

Cam Túc là một trong những tỉnh nghèo nhất tại Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy GDP đầu người của tỉnh vào năm 2017 chỉ là 4.647 USD, bằng 1/4 con số 20.356 USD của Bắc Kinh và bằng 1/2 trung bình cả nước, 9.311 USD.

Theo South China Morning Post, công tác giảm nghèo tại các khu vực nông thôn như Cam Túc nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ.

Làng Lộc Mã Xóa, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
di dan tai Trung Quoc anh 1
di dan tai Trung Quoc anh 1
Làng Lộc Mã Xóa, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

Hồi tháng 3, chính phủ tuyên bố nỗ lực trong 5 năm qua đã giúp 68,5 triệu người thoát nghèo. Một trong những biện pháp giảm nghèo là khuyến khích người dân ở nông thôn chuyển tới thành thị. Năm 2014, chính phủ đưa ra kế hoạch đô thị hóa, chuyển 250 triệu người từ nông thôn tới các thành phố vào năm 2026.

Di dân đồng nghĩa với việc hàng triệu người trẻ rời bỏ những ngôi làng như Lộc Mã Xóa, để lại phía sau họ là bố, mẹ, ông, bà.

“Chẳng còn người lớn nào dưới 40 tuổi ở đây”, hiệu trưởng Feng nói.

Ngôi trường có duy nhất 3 học sinh

Trường tiểu học Lộc Mã Xóa chỉ có 3 học sinh 10 tuổi, Shi Zhengang, Chang Wenxuan và Du Yongsheng. Những cậu bé này đến từ các gia đình nghèo chật vật kiếm sống. Bố mẹ của các em chỉ có thể cho các em theo học tại trường làng thay vì những ngôi trường lớn hơn. Thành phố gần nhất với Lộc Mã Xóa là Định Tây cũng cách đó một tiếng rưỡi lái xe.

Hàng ngày, 3 cậu bé đi bộ hơn một giờ qua thung lũng để đi học, như cách các em đã làm trong suốt 4 năm qua.

“10 năm trước, trường có hơn 300 học sinh”, Hiệu trưởng Feng nói. Ông hiện điều hành ngôi trường với 2 giáo viên dạy toán và tiếng Trung.

“Chúng tôi từng có 6 cấp học, tương đương 6 lớp học riêng biệt. Nhưng giờ chỉ có duy nhất 1 lớp”.

Theo truyền thông nước này, trường tiểu học tại Lộc Mã Xóa là một trong 1.900 trường tại Cam Túc có ít hơn 10 học sinh. Đây là hậu quả trực tiếp từ sự di dân của những bố mẹ trẻ mang theo con của họ lên thành phố.

Học sinh tại các tỉnh miền núi như Cam Túc được tham gia các tiết học online.
di dan tai Trung Quoc anh 2
di dan tai Trung Quoc anh 2
Học sinh tại các tỉnh miền núi như Cam Túc được tham gia các tiết học online.

Bên cạnh tiết học chính của giáo viên trong làng, 3 đứa trẻ có tiết học trực tuyến mỗi ngày. Giáo viên dạy online các môn như nhạc, mỹ thuật và các tiết học này được phát trực tiếp cho nhiều trường vùng núi. Hiệu trưởng Feng cũng sử dụng nền tảng dạy học online được phát triển ở Cam Túc để dạy môn tiếng Anh, dù ông thừa nhận đây là công việc khó khăn với một người không thông thạo ngoại ngữ như ông.

Đối với ông Feng và 2 đồng nghiệp thiếu kiến thức về các môn nghệ thuật, việc dạy các môn này đã từng rất khó khăn. Nhưng với những khóa học trên mạng, học sinh có thể tiếp cận với nền giáo dục toàn diện hơn, tự tin nói chuyện bằng tiếng phổ thông khi chúng làm quen với việc tương tác với giáo viên trên mạng.

“Cả 3 học sinh đều chỉ quen nói tiếng địa phương bởi đó là thứ tiếng gia đình các em sử dụng”, ông Feng nói. Khả năng tự tin nói tiếng Trung phổ thông không chỉ giúp các em học tốt hơn mà đó còn là điều kiện cần để các em có cơ hội tốt tại các thành phố nếu có ý định rời làng.

Tuy nhiên, ông Feng lo lắng rằng một khi 3 cậu bé này tốt nghiệp, ngôi trường duy nhất tại Lộc Mã Xóa cũng sẽ phải đóng cửa. Cũng từng là một học sinh tại đây, ông bày tỏ nuối tiếc khi nói về viễn cảnh này.

di dan tai Trung Quoc anh 3
 Shi Zhengang, Chang Wenxuan và Du Yongsheng là ba học sinh duy nhất tại trường làng Lộc Mã Xóa.

“Tôi nghĩ mỗi làng nên có trường học riêng. Các trường là nơi kế thừa và đại diện cho văn hóa làng”, ông chia sẻ. “Học sinh đến trường cũng tức là các em đang nuôi dưỡng cảm giác thuộc về nguồn cội. Những đứa trẻ chuyển tới thành phố để đi học sẽ không có được những trải nghiệm ấy”.

Theo The Economist, từ năm 2000, chính phủ đã đóng cửa 75% số trường học tại nông thôn, tức hơn 300,000 trường.

Người già chật vật mưu sinh

Đối với Lộc Mã Xóa, số lượng trẻ em giảm cùng với nguy cơ phải đóng cửa ngôi trường duy nhất đặt ra một vấn đề nghiêm trọng hơn. Những người ở lại làng thường là người già, phần lớn không đủ sức khỏe để làm việc đồng áng. Những người trong độ tuổi 40-50 còn khả năng làm việc thì cần cù kiếm sống, nhưng những nỗ lực của họ khó vượt qua được thời tiết khắc nghiệt.

di dan tai Trung Quoc anh 4
Những cư dân của làng Lộc Mã Xóa hầu hết đều đã trên 40 tuổi.

Shi Laijun, cư dân trồng lúa mì tại làng Lộc Mã Xóa, chia sẻ ông gần như không kiếm được gì vào năm ngoái.

Ngay trước mùa thu hoạch, một cơn mưa đá bất chợt đổ xuống Lộc Mã Xóa. Chỉ trong vòng một ngày, cơn mưa gây thiệt hại cho cả mùa vụ, khiến ông không còn gì để bán lấy tiền sinh sống.

“Chúng tôi chẳng thu hoạch được gì”, ông Shi, 43 tuổi, kể lại. “Chẳng ai trong số nông dân chúng tôi thu hoạch được gì”.

Để kiếm sống, ông Shi, trụ cột gia đình, bắt đầu làm nhiều công việc lao động chân tay để nuôi gia đình gồm vợ, con và người cha, 81 tuổi, bị bệnh viêm dạ dày mãn tính.

Gia đình 4 người sống trong một căn nhà gạch với bức tường bê tông được trang trí bằng những bức vẽ của cậu bé Shi Zhengang, một trong 3 học sinh duy nhất tại trường làng. Chăn gối được chồng trên chiếc bàn gần tường. Vào buổi tối, cả nhà 4 người cùng nằm trên chiếc giường bằng gạch truyền thống ở góc phòng. Chiếc giường cũng là bàn ăn cho họ trong những bữa cơm.

Phía bên kia ngôi nhà là nơi người vợ nấu ăn bằng bếp củi. Khoai và bánh mì là đồ ăn chủ yếu trong mỗi bữa, đi kèm với rau xào. Thịt là thứ đồ xa xỉ chỉ xuất hiện trên bàn ăn vào dịp đặc biệt.

di dan tai Trung Quoc anh 5
Hiệu trưởng Feng Ping (bên trái) và ông Xiao Changlin, 71 tuổi.

Đối với ông Xiao Changlin, 71 tuổi, nông nghiệp là lựa chọn duy nhất. Các con của ông đã chuyển tới làm việc tại thành phố Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc. Ông Xiao ở lại với người vợ ốm yếu. Trong 18 ngày liên tiếp năm ngoái, chuyến đi đưa vợ tới khám tại thị trấn kế bên khiến ông phải đối mặt với chi phí khám chữa mà ông không có khả năng chi trả.

Giấc mơ bay vào vũ trụ

Mặc dù hiệu trưởng Feng lo lắng về việc thiếu trẻ con trong vùng, ông thừa nhận rằng những đứa trẻ rời ngôi làng để tới thành phố có nhiều cơ hội cho tương lai tươi sáng hơn.

“Từ trước đến nay, những học sinh chăm chỉ trên lớp và đỗ đại học thì có cuộc sống tương đối tốt”, ông Feng cho hay. “Học hành vẫn là điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ xuất thân từ làng”.

Với mẹ của cậu bé Chang, Gao Jinxia, làm nghề canh tác khoai tây, tất cả những gì chị mong mỏi là đứa con trai của chị sẽ có cuộc sống tốt hơn khi hoàn thành việc học.

“Tôi hy vọng nó sẽ làm việc ở thành phố khi lớn lên, và rời khỏi vùng quê này”, chị nở nụ cười khi nghĩ đến tương lai của con.

di dan tai Trung Quoc anh 6
Cậu học sinh Chang Wenxuan và mẹ.

3 cậu học sinh của thầy Feng có thể có xuất thân khiêm tốn, nhưng các em biết rõ rằng những điều tốt đẹp hơn, to lớn hơn đang nằm ở ngoài ngôi làng trên núi.

Khi được hỏi về ước mơ, Chang, cậu học sinh nhỏ con nhất với nụ cười lanh lợi, nhanh chóng trả lời: “Em muốn bay vào không gian và khám phá vũ trụ!”

Cậu bé nói thêm rằng muốn chuyển đến thành phố Thượng Hải nhộn nhịp để theo đuổi ước mơ. Năm ngoái, Chang từng tới thăm Thượng Hải trên chuyến đi do Hujiang Edtech tài trợ, có cơ hội trải nghiệm tàu cao tốc và mục sở thị Tháp truyền hình Minh châu Phương Đông, biểu tượng của thành phố.

“Em muốn làm việc chăm chỉ và trở nên giàu có”, cậu bé nói. “Chỉ có như vậy thì em mới mua được nhà rộng cho bố mẹ và em”.

Bên trong ngôi làng 'ế vợ' ở Trung Quốc
00:00
/
Video sẽ chạy sau3
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Bên trong ngôi làng 'ế vợ' ở Trung Quốc Nằm ở phía đông Trung Quốc, làng Laoya (Lão Áp) ở tỉnh An Huy được xem là "làng ế vợ" khi có tới hơn 100 đàn ông độc thân trên tổng dân số 1.600 người.
Bài liên quan

Ngọc Hà

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm