Theo Cục Thống kê Quốc gia, khoảng 17,23 triệu đứa trẻ được sinh ra trong năm 2017, giảm 630,000 người so với năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với con số mà Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch Gia đình Quốc gia dự tính. Với chính sách mới cho phép mỗi gia đình 2 con, ủy ban này dự tính sẽ có 20 triệu trẻ em ra đời trong năm qua.
Các nhà nhân khẩu học cho rằng đây sẽ là vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài với kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Trong các bản báo cáo gần đây, các quỹ lương hưu tại các tỉnh đang bị thâm hụt ngày càng trầm trọng.
Các cặp vợ chồng ở các thành phố lớn ít có ham muốn sinh con. Ảnh: SCMP. |
Theo South China Morning Post, sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế thứ hai thế giới trong 4 thập kỷ qua dựa phần lớn vào nguồn lao động dồi dào. Hàng trăm triệu người dân rời quê hương và đến làm việc ở các nhà máy và công trường xây dựng. Chính sách “một con” nổi tiếng của Trung Quốc cũng giúp người dân không mất quá nhiều thời gian chăm sóc con cái. Qua đó thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, khi mà những người lao động sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước đang dần già đi, những đứa trẻ ở thời kỳ kế cận ngày càng cạn kiệt thì gánh nặng cho hệ thống hưu trí trở nên nặng nề. Thật không may, sự chuẩn bị của Trung Quốc để đối mặt với tương lai già hóa dân số là không đủ, thể hiện ở chỗ số lượng các cở sở chăm sóc người cao tuổi còn thấp và các chính sách kiểm soát số lượng trẻ sinh ra đã lỗi thời.
Mặt khác, độ tuổi trung bình của Trung Quốc năm 2017 rơi vào khoảng 37,4, con số khiến các nhà đầu tư bất động sản chùn bước bởi dân số già đi dẫn đến nhu cầu về nhà ở, giáo dục, giả trí đều giảm đi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng quốc gia này cần nhiều trẻ em ra đời hơn và chấm dứt chính sách một con vào cuối năm 2013, cho phép mỗi cặp vợ chồng có 2 con. Tuy nhiên, chính sách này tỏ ra không có hiệu quả khi đi kèm với sự phát triển kinh tế, các cặp đôi trẻ tuổi, đặc biệt là những người ở thành phố có ít ham muốn sinh con hơn.