Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu bầu cử giữa kỳ, ai sẽ nối tiếp bộ trưởng Tư pháp rời Nhà Trắng?

Tổng thống Trump từ lâu đã thể hiện ý định thay đổi nhân sự sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions là người đầu tiên và có thể không phải là cái tên duy nhất.

Tổng thống Trump từ lâu đã cho rằng Nhà Trắng cần những nhân tố mới để đối phó với việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Do đó, sau Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, một số quan chức cùng phụ tá cấp cao khác cũng có thể ra đi ngay trong năm nay.

Theo CNN, ông Trump từng tranh cãi nảy lửa với Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen vào hồi tháng 5, cho rằng bà đã xử lý không tốt trong vấn đề biên giới. Tổng thống từng nói ông muốn thay thế bà Nielsen bằng Kris Kobach, một người thiên hữu chủ trương bài nhập cư.

Ông Kobach đã thất bại trong cuộc đua giành ghế Thống đốc bang Kansas tại cuộc bầu cử vừa qua và Tổng thống Trump cũng xác định việc bổ nhiệm Kobach thay bà Nielsen sẽ khó được thông qua ở Thượng viện. Cái tên khác có khả năng thế chỗ bà Nielsen là Tổng chưởng lý Florida Pam Bondi, một người bạn và đồng minh lâu năm của ông Trump.

Một vị trí khác cũng có khả năng ra đi là Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, người đang là tâm điểm của cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc xung đột lợi ích. Trong cuộc họp báo sau bầu cử, ông Trump cho biết sẽ “xem xét” các cáo buộc này và kết quả trong tuần tới.

Ong Trump sa thai quan chuc Nha Trang anh 1
Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen được cho là nhân vật tiếp theo rời Nhà Trắng vì những bất đồng với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Theo nhận định của các chuyên gia, ông Trump sẽ phải cẩn trọng trong việc đưa ra quyết định với tương lai của bà Nielsen và ông Zinke. Tổng thống muốn loại bỏ những người không thật sự hữu ích với ông, nhưng điều đó có thể khiến một số thành viên đảng Cộng hòa không hài lòng. Họ sẽ thể hiện sự phản đối ở Thượng viện bằng cách không thông qua những quyết định bổ nhiệm mới của ông Trump.

Khó khăn hơn 2 năm trước

Cũng trong cuộc họp ngày 8/11, ông Trump tuyên bố: “Tất cả mọi người đều muốn làm việc trong Nhà Trắng của tôi, đây là một Nhà Trắng hấp dẫn”. Tuy nhiên trong hai năm qua, tổng thống thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên cho nội các của ông.

Điều này được dự báo sẽ còn khó khăn hơn trong hai năm tới khi Hạ viện của đảng Dân chủ có thể tăng cường điều tra và giám sát chặt chẽ những người được ông Trump đề cử.

Bầu không khí bên trong Nhà Trắng trở nên khá căng thẳng khi trong đơn từ chức của mình, ông Jeff Sessions có nêu rõ ông làm việc này vì “yêu cầu” của tổng thống. Cho đến tận đêm 7/11, ông Sessions vẫn không hề biết người nào sẽ thay thế ông ở vị trí bộ trưởng Tư pháp.

Việc ông Trump bổ nhiệm Matt Whitaker, chánh văn phòng của ông Sessions, vào vị trí quyền Bộ trưởng Tư pháp là một lựa chọn hợp lý vì điều này không cần đến sự thông qua của Thượng viện. Tổng thống cũng đang cân nhắc bổ nhiệm dài hạn một nhân sự đã được Thượng viện thông qua vào vị trí này, có thể là Bộ trưởng Lao động Alexander Acosta.

Một vị trí quan trọng khác vẫn đang còn để trống là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, khi bà Nikki Haley sẽ rời nhiệm sở vào cuối năm nay. Theo các quan chức Nhà Trắng, người nhiều khả năng thay thế bà Haley là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert. Bà Nauert từng là người dẫn chương trình của kênh Fox News.

Ong Trump sa thai quan chuc Nha Trang anh 2
Nhiều chuyên gia cho rằng bà Nikki Haley từ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc để hướng tới việc ra tranh cử tổng thống vào năm 2024. Ảnh: AP

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về kinh nghiệm ngoại giao của bà Nauert và khả năng bà được Thượng viện phê chuẩn là không cao. Thậm chí trước đó bà Nauert cũng không phải là sự lựa chọn hàng đầu cho vị trí này, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đề cử Dina Powell, cựu Phó cố vấn An ninh Quốc gia nhưng bà này từ chối.

Ông Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định cho vị trí này vào cuối tuần.

Nhiều vị trí bị đặt dấu hỏi

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer được cho là sẽ thay thế Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, người năm nay đã bước sang tuổi 87. Tổng thống Trump từng nhận xét ông Ross đã “qua thời đỉnh cao”.

Những sự chú ý cũng đang đổ dồn vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, sau sự ra đi của bà Haley, nhiều chuyên gia nhận định ông Mattis là “người quan trọng cuối cùng ở lại” với nội các của ông Trump.

Ong Trump sa thai quan chuc Nha Trang anh 3
Mối quan hệ giữa ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đang bị đặt dấu hỏi. Cùng với bà Haley, ông Mattis là thành viên nội các được đánh giá cao bởi cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Ảnh: AFP

Ông Trump từng miêu tả tướng James Mattis “hơi giống một người Dân chủ” vào hồi tháng 10. Tổng thống sau đó đã khẳng định sự ủng hộ với ông Mattis nhưng vẫn có những hoài nghi về tương lai của người đứng đầu Lầu Năm Góc.

Một vị trí khác cũng bị đặt dấu hỏi là Chánh văn phòng Nhà Trắng, ai cũng nhớ đến câu nói: “Đây là công việc tệ nhất tôi từng có” của ông John Kelly được trích dẫn trong cuốn sách của nhà báo Bob Woodward. Trước cuộc bầu cử giữa kỳ, các chuyên gia cho rằng ông Kelly sẽ rời đi vào cuối năm.

Theo lời kể của các phụ tá Nhà Trắng, trong buổi theo dõi kết quả bầu cử vào đêm 7/11, ông Kelly ở vị trí cách xa so với tổng thống và cả hai không có cuộc trò chuyện nào.

Tuy nhiên, một quan chức cho biết, mối quan hệ của ông Kelly với tổng thống vẫn vậy từ trước đến giờ. Cũng theo lời người này, kể từ khi ông Kelly bắt đầu nhậm chức Chánh văn phòng Nhà Trắng, ai cũng có cảm giác ông ấy sắp nghỉ việc, và mọi người đã quen với điều đó.

Vừa xong bầu cử giữa kỳ, Trump đã sa thải bộ trưởng tư pháp

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ mới đây bị buộc từ chức theo yêu cầu của tổng thống Mỹ, động thái được coi là mở đầu cho việc tái định hình đội ngũ của ông Trump sau bầu cử giữa kỳ.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc bất ngờ từ chức

Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã bất ngờ nộp đơn từ chức và được Tổng thống Donald Trump chấp thuận.

Quốc Thăng

(theo Politico)

Bạn có thể quan tâm