Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hát sắc bùa ngày Tết

Hát sắc bùa thường diễn ra vào mùa xuân, đặc biệt là các dịp lễ tết. Đội sắc bùa vừa đi ngang con đường nhỏ, không khí đã rộn rã với tiếng sinh tiền leng keng.

Chuyen xua xu Quang anh 1

Hát Sắc bùa đã được khôi phục tại một số địa phương ở Quảng Nam. Ảnh: Q.N.

Mỗi khi Tết đến, xuân về, hình ảnh đội sắc bùa với khăn đóng áo dài, đem theo trống cơm, sinh tiền, phách tre, phía trước có một người xách lồng đèn bằng giấy, hình tam giác, thắp bằng dầu phụng, dưới có bốn tua đủ màu sắc, đi chúc Tết khắp làng trên xóm dưới trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân ở làng Chấn Sơn: "Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi ăn chè/ Sắc bùa là sắc bùa hòe/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi!".

Không chỉ làng Đại Sơn, hồi trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hát sắc bùa còn là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian khá phổ biến ở nhiều làng xã ở Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, nhất là tại Giảng Hòa, Cổ Tháp, Thanh Châu, Bảo An, Đại Bình...

Có làng chỉ có một đội, nhưng cũng có làng có đến... hai đội hát sắc bùa. Mỗi đội ít cũng năm người, có khi lên đến mười thành viên. Trong đó, làng Chấn Sơn, nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc là một trong những địa phương có truyền thống lâu đời về hát sắc bùa.

Hát sắc bùa thịnh hành vì nó có "đất sống", được người dân yêu thích. Cho nên Tết đến, người ta cứ háo hức trông chờ đội đi hát. Người lớn trông một thì đám con nít trông mười. Bấy giờ, tiếng trống cơm, tiếng sinh tiền, tiếng phách tre hòa lẫn tiếng hát của cả đội sắc bùa... có sức lôi cuốn diệu kỳ, trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian phổ biến không chỉ ở trong làng mà còn ở ngoài làng, ngoài tổng.

Không vui sao được, khi có những bài hát kháng chiến, có sức động viên, cỗ vũ, nhưng cũng có sự lôi cuốn mạnh mẽ nhờ nhịp điệu sôi nổi, hào hứng phù hợp với không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới.

Chuyen xua xu Quang anh 2

Cuốn sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt. Ảnh: Q.A.

"Ngoại hóa ngoại hóa/ Thứ gì xa lạ/ Vải ú hồng mao/ Vải phin hồng đào/ Những hàng xa xỉ/ Xà bông lược Mỹ/ Phấn sáp nước hoa/ Kẹp tóc sáng lòa/ Xì gà thuốc điếu/ Thứ gì không thiếu/ Bán hết khắp nơi/ Xanh đỏ rợp trời/ Cũng đồ vải địch/ Trong lúc ham thích/ Chẳng biết rèn mình/ Vì đã vô tình/ Làm giàu cho giặc..."

Nhưng, đó chỉ là bài trong chín năm chống Pháp. Riêng những bài hát xưa nhiều lắm. Nào là bài hát chúc Tết nghề làm ruộng, nghề dệt, nghề mộc, nghề rèn, nghề buôn... Trong đó, nhiều bài hát hay đến mức dù đã hơn năm mươi năm nhưng có người vẫn còn nhớ được một số đoạn, như bài chúc Tết người trồng thuốc lá:

"Ngày xưa hái một nhắm bông hoa/ Tháng chín vãi ra/ Hột còn lút nhút/ Tháng mười hết lụt/ Thuốc đã mọc lên/ Kêu trai đắp nền/ Nhổ ra mà cấy/ Thuốc xanh dẫy dẫy/ Thuốc xanh dầy dầy/ Ông trở đất này/ Kêu trai trồng thuốc/ Kẻ thời cuốc đất/ Người lại đất cày/ Kẻ thời no may/ Người thời no rủi..."

Đến hẹn lại lên, năm nào đội sắc bùa cũng tập trung khoảng 20 tháng Chạp để luyện tập, ôn bài cũ, học bài mới. Điều đáng tiếc là từ năm 1954, do ảnh hưởng của chiến tranh, đội sắc bùa ở Chấn Sơn phải giải tán. Những người nằm trong đội hát sắc bùa mỗi người mỗi nơi.

Sau ngày giải phóng, do cuộc sống khó khăn, không ai nghĩ đến chuyện lập lại đội hát sắc bùa. Hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc này từng bước mai một dần.

Và, đã mấy chục năm qua, mỗi khi Tết đến, Xuân về những người cao niên lại nhớ đến hát sắc bùa xưa. Không khí sôi động trên các ngả đường làng, nơi đội sắc bùa đi qua như hiển hiện trong tâm trí họ: "Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi ăn chè/ Sắc bùa là sắc bùa hòe/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi!". Nó trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Phạm Hữu Đăng Đạt/ NXB Kim Đồng

SÁCH HAY