Một người đàn ông mua cành đào cho ngày Tết ở chợ Đồng Xuân. Ảnh: G.Đ. |
Mùa xuân đang nắng ấm dịu dàng, vậy mà chỉ sau vài ngày, đột nhiên trời trở lạnh, khi thì gay gắt và khô hanh, khi thì ẩm ướt mưa phùn; tiết trời thực sự của Tết, mà nếu không có nó thì không có cái Tết đúng chất.
Gió thổi gợn nước hồ phản chiếu một bầu trời xám xịt; những chồi non hồng hào xuất hiện trên cành khô của những cây đa, nơi nép mình ngôi đền nào đó vừa được sơn lại. Trong phố, người đi lại hối hả, bị kích thích bởi cái lạnh và sự háo hức của ngày Tết đang đến rất gần; bởi dù trong hoàn cảnh nào, người ta cũng sửa soạn đón Tết với lòng phấn khởi như những năm trước.
Những gương mặt se sắt vì gió, nhưng vui tươi; những ai không phải tay xách nách mang thì so vai, co ro giấu đôi tay dưới “cái áo” (người xưa mặc áo dài thụng, khi kéo tay áo xuống có thể phủ kín mu bàn tay), còn những ông già thì giữ ấm tai trong một chiếc khăn che nửa mặt được quấn dưới cằm.
Trong những con phố sầm uất hơn, đặc biệt ta thấy những phụ nữ mua đồ dự phòng cho vài ngày chè chén bởi vào những ngày này sẽ không thể mua được bất cứ thứ gì: các bà già An Nam cuộn mình trong chiếc áo chần bông, đầu trùm khăn.
Các cô gái trẻ đỏm dáng không muốn đánh mất dáng người thanh mảnh, trong chiếc áo dài lụa mỏng thường mặc kèm với một chiếc áo vét hoặc măng tô kiểu châu Âu, mà phải thừa nhận là không đạt hiệu quả mĩ mãn cho lắm; các thiếu nữ đi theo mẹ, mang các gói đồ.
Cuốn sách Bắc Kỳ - Phong cảnh và Ấn tượng của tác giả Hilda Arnhold. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Các đám đông ở Viễn Đông bao giờ cũng tráng lệ, nhưng vào thời điểm Tết, ấn tượng ấy về chợ bình dân lên đến tột độ: ở các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là một dòng người thực sự và vào một số thời điểm trong ngày, đám đông ken đặc đến nỗi hầu như không chiếc xe điện nào có thể mở ở đó một con đường.
Tiếng chuông xe đạp lanh canh, tiếng la hét ầm ĩ của những anh cu li kéo xe át cả tiếng ồn; trong mỗi chiếc xe tay, ý thức về vai trò rất quan trọng của mình, một bà nội trợ ngồi chễm chệ, vây quanh nào là làn, thúng đựng gạo, buồng chuối và buồng cau, gà vịt bị buộc chân vừa quẫy đạp vừa kêu quàng quạc.
Bên trên khối chật ních và tối sẫm của đám đông, được cắm cao trên một khúc tre to, những chùm hoa giả khổng lồ đung đưa các sắc màu sặc sỡ, tạo nên một hiệu ứng lớn từ xa, mặc dù ở gần thì trông chúng có vẻ hơi bình thường.
Những sạp bày bán mứt đôi khi lấn ra đến giữa vỉa hè, mời mọc với một sự đa dạng khó cưỡng các loại mứt hoa quả: vỏ bưởi, phật thủ, quất, cà chua, khế, các lát đu đủ xanh hoặc vàng, dứa bổ tư, khoai lang, dưa, gừng, hạt sen, kẹo lạc... và còn có cả bánh cốm gói trong lá chuối tươi, buộc một sợi dây hồng; bánh đậu xanh dán nhãn chữ thọ, bánh khảo trắng muốt gói giấy màu...
Trong các cửa hiệu khác, người ta trưng bán các câu đối,viết trên lụa mỏng nhiều màu, những đôi hài nhung đính ngọc tuyệt đẹp theo kiểu Huế.
Trong các tiệm vải, thợ may ngồi xổm giữa một sạp hàng tơ lụa, vội vã làm cho xong những chiếc áo lễ dài. Suốt dọc vỉa hè, người bán lẻ bày ra những hàng hóa đủ loại và thực sự là phép màu khi tất cả những thứ đó không hề bị đám đông giẫm phải.
Trong sự hỗn độn, những người bán hàng rong đi lại như mắc cửi, quẩy những thúng cam, những buồng cau, và nhất là các kiện lớn bóng bì trắng đã được làm phồng và phơi khô, bắt chước và thường thay thế bong bóng cá trong các món ăn ngày Tết rất được những người sành ăn ưa thích; tôm to sấy khô xâu lại thành xiên, măng tre nứa và nấm khô, miến (sợi nhỏ và trong suốt), các sản vật được nhiều người tìm mua, có mặt khắp nơi.
Những tiệm bán đồ thờ cúng bị vây kín, bởi sự lễ bái giữ một vị trí rất quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán này: những que hương được bán theo thẻ, các bó tiền vàng, và những thầy kí vì phải đếm quá nhiều tiền âm phủ mà các ngón tay xỉn đi do bụi bạc.
Trên phố Hàng Mã (Tên thời Pháp thuộc là Rue du Cuivre (Hàng Đồng) vì đoạn phía tây con phố này bán đồ đồng) tất cả các mặt trước cửa hàng lấp lánh ánh vàng và bạc: hoa lá, đồ trang trí bàn thờ, mũ mão.
Còn đoạn phía đông gần chợ Đồng Xuân làm nghề hàng mã, giày dép, ngựa của các thần linh và biết bao nhiêu kì quan bằng giấy màu sặc sỡ, những thứ sẽ được đốt gửi cho các thần linh dưới dạng hương khói, khiến họ đẹp lòng và phù hộ độ trì cho, được tấp trên những kệ hàng, chất đống ngay trên mặt đất hoặc đung đưa ở rìa mái nhà; ngay cả tiệm khiêm tốn nhất cũng trở thành một cung điện lạ thường, mà trong bóng tối vẫn lấp lánh những kho báu đầy bí mật.
Cũng trên phố này, ngồi xổm bên vỉa hè là những bà già bán hoa đĩa: hoa huệ, hoa hồng, hoa bưởi vốn luôn đi kèm với đồ thờ cúng, ướp hương cho những bó sớ và cành vàng.
Và khi nhìn sang bên kia cái tiền cảnh những đồ trang kim đang nhảy múa này, ta sẽ thấy đầu phố nổi rõ hình bóng màu xám của Ô Quan Chưởng (Nguyên văn là Porte Jean Dupuis, tên gọi cửa ô này thời Pháp thuộc, mang tên một người); thế là trong vài khoảnh khắc, ta có ảo giác được trở về quá khứ, trong đám đông ngày lễ hội, không khác mấy so với những đám đông xưa kia.
[...]