Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Hành trình vượt qua giới hạn bản thân của 3 nhà vô địch Đông Nam Á

Để có được thành công như hôm nay, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh nhỏ bé, kình ngư Hồng Lợi không chân hay nữ cầu thủ Hải Yến mê bóng đá đều phải bước qua nhiều giới hạn.

2019 là một năm rực rỡ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 trên đất Philippines. Việt Nam giành tổng cộng 286 bộ huy chương, trong đó có 98 HCV, bỏ xa Thái Lan tới 6 chiếc, lần thứ hai trong lịch sử vượt đối thủ trên bảng tổng sắp huy chương.

Trong số đó, những môn thể thao Olympic đều cho thấy sự bứt phá ngoạn mục của Việt Nam. Đội điền kinh nước ta giành tổng cộng 16 HCV, đứng nhất toàn đoàn với cú đúp quan trọng của VĐV Nguyễn Thị Oanh trong ngày thi đấu cuối cùng. Ở bộ môn bóng đá, tuyển nữ Việt Nam xuất sắc bảo vệ ngôi vương bằng bàn thắng ở phút 90+2 của Phạm Hải Yến trong trận chung kết cân não với “kỳ phùng địch thủ” Thái Lan. Các cô gái vàng đã tỏa sáng một cách rực rỡ, khép lại kỳ SEA Games thành công cho đoàn thể thao nước nhà.

Tuy nhiên, không như những kỳ đại hội trước, năm 2019, nước chủ nhà không tổ chức Para Games. Đây là một thiệt thòi lớn đối với các VĐV khuyết tật nói chung và kình ngư Nguyễn Hồng Lợi nói riêng. Năm 2017, tại Đại hội Thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc, anh xuất sắc đoạt 3 HCV ở các nội dung 100 m, 200 m và 400 m. Không có cơ hội thể hiện mình tại Para Games 30, Lợi đặt mục tiêu gặt huy chương vào năm 2021, khi đại hội thể thao được tổ chức trên sân nhà Việt Nam.

VĐV Nguyễn Thị Oanh, Phạm Hải Yến, Nguyễn Hồng Lợi sinh ra và lớn lên ở những vùng quê khác nhau, theo đuổi môn thể thao khác nhau, nhưng có 2 điểm chung đặc biệt. Họ đều là những nhà vô địch và trải qua không ít thử thách từ thuở bé để có được thành công như hôm nay.

Với giới thể thao, điền kinh luôn là một trong những bộ môn khắc nghiệt nhất, đòi hỏi ý chí thi đấu quật cường và lợi thế chiều cao, đôi chân dài sải bước. Đó là lý do ít người nghĩ rằng một VĐV điền kinh từng giành huy chương tại đại hội thể thao châu Á, chủ nhân của 5 tấm HCV và thành tích kỷ lục ở nội dung vượt chướng ngại vật 3.000 m SEA Games lại là cô gái sở hữu chiều cao chỉ vỏn vẹn 1,5 m và nặng 45 kg. “Cô bé hạt tiêu” ấy là Nguyễn Thị Oanh - người con gái sinh ra trong một gia đình thuần nông tại miền quê nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang.

Oanh kể về tuổi thơ, khi cô bắt đầu dành trọn niềm đam mê với thể thao: “Ngày bé, tôi hay được mọi người gọi bằng biệt danh ‘bé hạt tiêu’ vì vóc dáng khiêm tốn. Thể hình nhỏ bé quả thực là là một hạn chế lớn đối với VĐV nên nhiều lúc tôi có chút tự ti. Nhưng tôi luôn cố gắng tập luyện, bù lại những điểm yếu bản thân để ngày một hoàn thiện hơn”.

Sau này khi tham gia đường đua, “bé hạt tiêu” ngày nào đã giành được vô số giải thưởng cả trong lẫn ngoài nước, khiến nhiều bạn bè và đối thủ kính nể, gọi cô là “người không phổi”. Oanh thấy vui vì những biệt danh đó rất thân thiện, thể hiện tình cảm quý mến của mọi người, đồng thời tạo thêm động lực để cô cố gắng hơn nữa trên hành trình cống hiến cho thể thao nước nhà.

Không ít người quan niệm rằng thể thao luôn đòi hỏi lợi thế về hình thể, chiều cao, nhưng với Oanh, sự tự tin mới là chìa khóa chinh phục những đỉnh cao và tấm HCV danh giá. Tự tin khẳng định bản thân và bước vào cuộc đua với vóc dáng khiêm tốn mà không sợ bất kỳ đối thủ nào vượt trội hơn về hình thể, Nguyễn Thị Oanh đã bước qua mọi giới hạn với tinh thần không chùn bước như thế.

“Thể thao giúp tôi nhận ra, chỉ cần sự tự tin, quyết tâm cao độ, thể hình nhỏ bé không phải là vật cản khiến bạn từ bỏ giấc mơ và vươn tới đỉnh cao. Tôi cảm thấy vui mừng khi có những điều dường như là không tưởng, nhưng cuối cùng mình vẫn có thể làm được. Đó là lý do tôi luôn khát khao chinh phục những cột mốc cao hơn, phá vỡ giới hạn của bản thân. Thêm một điều nữa khiến tôi hạnh phúc là những cố gắng, thành tích mình đạt được đã góp phần truyền cảm hứng, giúp mọi người có lối sống và suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn”, cô khẳng định.

Milo anh 1

Chào đời với một hình hài không lành lặn, Nguyễn Hồng Lợi không có cả 2 chân và bị cụt tay phải. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ tự ti về cơ thể mình, mà trái lại còn cảm thấy tự hào và không ngừng quyết tâm theo đuổi đam mê bơi lội để trở thành VĐV cấp quốc gia.

“Lúc nhỏ, mọi người trong xóm hay gọi tôi là ‘thằng cụt’ vì tôi sinh ra đã khác biệt với mọi người. Lớn lên, tôi được nhiều người biết đến nhờ báo đài và gọi bằng cái tên ‘kình ngư không chân’. Dù với biệt danh nào, tôi cũng không hề thấy tiêu cực hay buồn bã, mà cảm thấy vui vì những biệt danh thân thương đó”, Hồng Lợi nhớ lại.

Lợi chia sẻ từ nhỏ anh đã thích nghịch nước, thường vui chơi với bạn bè trên con sông gần nhà. Với hình thể không lành lặn chỉ có một tay, anh gặp vô vàn khó khăn, bị mỏi tay, cơ thể đau rã rời vì phải học bơi lệch sang một bên. Nhưng với tất cả sự quyết tâm và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, anh đã không bỏ cuộc, nản chí để được thỏa mãn đam mê, phá bỏ giới hạn bản thân.

Trái ngọt tới khi Lợi được HLV Nguyễn Phương Khanh dìu dắt đến với sự nghiệp thi đấu thể thao. Năm 2009, “kình ngư không chân” bắt đầu tham dự Para Games và giành được HCĐ. Kể từ đó, anh liên tiếp giành huy chương tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

“Thể thao mang lại cho tôi rất nhiều điều như nâng cao sức khoẻ, tự tin hơn trong cuộc sống, kết nối tôi với nhiều người. Với tôi, thể thao là cuộc sống, là đam mê. Thể thao không của riêng ai. Ai cũng có thể đến với thể thao để nâng cao sức khỏe và sự tự tin, như chính tôi đã làm được”, anh nói.

Sau những nỗ lực vượt khó và thành công của hiện tại, Lợi trở thành tấm gương truyền cảm hứng sống tới rất nhiều người trong xã hội. Anh quan niệm không gì là không thể. Dù là ai, xuất phát điểm như thế nào hay gặp phải thiếu sót gì, mỗi người đều có thể vượt qua giới hạn của bản thân bằng sự cố gắng và quyết tâm không ngơi nghỉ.

Cũng như Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Hồng Lợi, Hải Yến không sở hữu một hình thể lý tưởng để theo đuổi thể thao. Khi mới sinh ra, cô chỉ nặng 2,8 kg và từng rất tự ti với ngoại hình thấp bé nhẹ cân, da nhăn nheo, hay đau ốm.

Yến nhớ lại: “Mọi người ở lớp thường gọi tôi với biệt danh là ‘cánh én nhỏ’. Biệt danh này mang ý nghĩa dù nhỏ bé, cánh én vẫn mang niềm vui lớn như gọi mùa xuân về. Điều đó giúp tôi luôn cố gắng phấn đấu làm tốt mọi việc”.

Milo anh 4

Không lựa chọn những môn thể thao mềm mại hay nữ tính, cô gái sinh năm 1994 lại đam mê đá bóng - bộ môn thường được biết đến với tên gọi môn “thể thao vua” dành cho phái mạnh, đòi hỏi thể lực, sức đối kháng và bản lĩnh chiến đấu. Dù ở quê có đội bóng nữ, Yến vẫn không được mọi người xung quanh ủng hộ cho sở thích đặc biệt này.

“Phần lớn cha mẹ đều không thích con gái mặc quần đùi áo cộc chạy phơi nắng ngoài sân bãi. Nhưng khi chứng kiến tôi đam mê và giành trọn nhiệt huyết cho bóng đá, bố mẹ đã đồng ý để tôi có cơ hội tiếp tục chơi bộ môn này. Càng lớn, càng tiếp xúc và giao lưu cùng các chị tại câu lạc bộ bóng đá nữ hay VĐV cùng ra nước ngoài thi đấu, tôi càng tin rằng không có giới hạn về giới tính trong thể thao”, Yến khẳng định.

Sau những ngày tháng sống trọn với đam mê, Hải Yến đã được tận hưởng những thành công mà môn thể thao vua mang lại. Cô cùng đội tuyển nữ Việt Nam liên tiếp giành các chức vô địch Đông Nam Á năm 2019, giành 2 HCV tại các kỳ SEA Games 29 và 30.

“Cánh én nhỏ” ngày nào đã bay thật cao, thật xa khi trực tiếp là tác giả của bàn thắng ở phút bù giờ trong trận chung kết SEA Games 2019 trước đội tuyển Thái Lan. Với cú đánh đầu đầy dũng mãnh và quyết đoán từ tình huống đá phạt góc, Hải Yến đưa đội bóng áo đỏ bước lên bục cao nhất, khẳng định ngôi vương thống trị trong khu vực.

Thành công trong sự nghiệp cầu thủ, Hải Yến đã chứng minh tài năng và sức bền bỉ của mình khi xóa tan định kiến “con gái không hợp đá bóng”. Đối với cô, thể thao không phân biệt giới tính, chỉ cần mỗi người nuôi dưỡng trong mình sự khao khát, quyết tâm và bền bỉ để theo đuổi đam mê.

Thi đấu ở các môn thể thao khác nhau, phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng cả 3 VĐV Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Hồng Lợi và Phạm Hải Yến đều gặt hái nhiều vinh quang trong lĩnh vực họ đam mê, giành chiến thắng trong cuộc sống và phá bỏ những rào cản, vượt qua giới hạn bản thân. Thể thao đã khơi dậy trong họ những giá trị của sự tự tin, quyết tâm và bền bỉ để trở thành nhà vô địch và chiến thắng chính mình.

3 VĐV kể trên không chỉ khơi gợi cảm hứng sống nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, mà còn là những vị “đại sứ” truyền tình yêu thể thao bất tận, để các bạn nhỏ có thêm động lực theo đuổi đam mê. Dù bạn là ai, xuất phát điểm ra sao, ở hoàn cảnh thế nào, chỉ cần nuôi dưỡng sự tự tin, quyết tâm và bền bỉ với thể thao, bạn luôn là nhà vô địch như tinh thần Milo muốn trao gửi tới trẻ em Việt Nam.

Với niềm tin "Thể thao luôn tìm thấy nhà vô địch trong con", Nestlé Milo mong muốn truyền cảm hứng tập luyện thể thao đến mọi người. Thể thao không quan trọng bạn là ai hay đến từ đâu, vóc dáng của bạn thế nào, xuất phát điểm của bạn ra sao, thể thao chỉ cần biết bạn học được những gì - đó là những giá trị đáng quý từ thể thao như tự tin - quyết tâm - bền bỉ. Với thể thao, ai cũng là nhà vô địch.

Để có cơ hội nhận bộ quà năng động từ Milo, độc giả tham gia cuộc thi “Thể thao tìm thấy gì trong con?” tại đây.

Giang Nhật Minh

Đồ họa: Yến Lệ

Bạn có thể quan tâm