Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Hành trình vươn tầm thành 'đầu tàu' ngành cơ khí của Thaco Industries

Ngành cơ khí Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và hợp tác xuất khẩu. Song, hiện thực hóa mục tiêu này không phải điều đơn giản.

Nganh co khi Viet anh 1

Xu hướng của các nước châu Âu, châu Mỹ hiện nay là dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đồng thời hướng thị trường sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ từ các nước phát triển sang khu vực ASEAN. Kết hợp lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tiêu biểu là hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), cơ hội đang rộng mở với doanh nghiệp nhờ được giảm thuế khi xuất khẩu sang thị trường lớn.

Tuy nhiên, để phát triển ngành cơ khí phù hợp tiềm năng hiện tại, trong đó có hợp tác xuất khẩu, doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khăn.

Những rào cản hạn chế tiềm năng của ngành

Theo một số chuyên gia và doanh nghiệp cơ khí, có 3 nguyên nhân chính khiến phần lớn doanh nghiệp cơ khí Việt gặp khó trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu tiên, hầu hết doanh nghiệp cơ khí trong nước có quy mô nhỏ, còn nhiều hạn chế trong khả năng sản xuất những sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao, thí nghiệm vật liệu, phát triển bản vẽ thiết kế... Chất lượng sản phẩm cũng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu, tiêu biểu có thể kể đến: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, IATF 16949; các tiêu chuẩn về nguyên vật liệu RoHS, Reach... Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh nếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tiếp đến, nguồn nhân lực cơ khí nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao còn hạn chế. Lực lượng nghiên cứu, thiết kế có năng lực và trình độ chưa đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Nguyên vật liệu cho ngành hiện nay chủ yếu là sắt, thép và các loại hợp kim màu. Việc các doanh nghiệp trong nước chưa thể chủ động sản xuất, hầu hết phải nhập khẩu cũng là một “cái khó”.

Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp cơ khí Việt cần nỗ lực và chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm gia tăng sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, ngành cơ khí nói chung của Việt Nam cũng rất cần các chính sách mang tính “bà đỡ” của Nhà nước.

Từ vai trò “đầu tàu” của Thaco

Thaco được xem là hình mẫu tiêu biểu cho câu chuyện “Việt Nam phát triển ngành cơ khí như thế nào?”. Hơn 20 năm kể từ khi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Thaco đã vươn tầm trở thành “đầu tàu” về cơ khí chế tạo, hội nhập khu vực và thế giới. Sự hiện diện của những sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu tập đoàn tại thị trường quốc tế từng bước khẳng định năng lực, sức sáng tạo và khả năng cạnh tranh của nền cơ khí Việt.

Thaco đã góp phần “thay da đổi thịt” Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Tập đoàn khởi công xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy xe tải và xe buýt (2003); mở rộng dây chuyền sản xuất linh kiện, phụ tùng (2007); đầu tư xây dựng tổ hợp cơ khí và cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô có công suất 300.000 sản phẩm/năm (2009).

Từ năm 2009, Thaco đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô: Nhà máy ghế ôtô; linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp, composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, xe tải, xe buýt; linh kiện nhựa; thân vỏ ôtô... với mục đích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản phẩm.

Năm 2012, tập đoàn phát triển ngành nghề đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông khu công nghiệp và đô thị, Nhà máy Cơ khí chế tạo bắt đầu sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng: Kết cấu thép, khung nhà xưởng tiền chế, các xưởng dịch vụ sửa chữa ôtô, lan can cầu... Song song đó là đưa cảng Chu Lai đi vào hoạt động, Nhà máy Cơ khí chế tạo đã tham gia sản xuất các sản phẩm, thiết bị phục vụ xếp dỡ, nâng hạ trong logistics và cảng.

Giai đoạn từ năm 2015 đến 2017 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn với việc đầu tư mở rộng khu công nghiệp cơ khí ôtô, xây mới và nâng cấp toàn bộ tổ hợp cơ khí, các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng theo hướng tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quản trị. Tất cả đã góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ôtô lên hơn 40% để đạt tiêu chí hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào khu vực ASEAN và giảm giá thành.

Từ mục tiêu ban đầu là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ôtô, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Thaco, qua quá trình đầu tư phát triển, công suất và chất lượng của các nhà máy đã được nâng cao, tạo ra sản phẩm đạt giá trị gia tăng lớn. Thaco Industries đã phát triển thành tập đoàn cơ khí và công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn, cung ứng các nhóm sản phẩm chính gồm: Linh kiện phụ tùng ôtô; Sơ mi rơ moóc và linh kiện Sơ mi rơ moóc; Thiết bị chuyên dụng; Gia công cơ khí chế tạo; Kết cấu thép và hệ thống MEP; Vật tư, linh kiện sử dụng trong công nghiệp và dân dụng.

Với năng lực sản xuất vượt trội, Thaco Industries đã tiếp cận nhiều thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng, cung ứng sản phẩm kinh doanh ngoài như: Linh kiện ôtô, xe máy cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước (Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio); nhóm sản phẩm gia công cơ khí chế tạo cho các đối tác tại miền Trung; các sản phẩm linh kiện phụ tùng và cơ khí chế tạo đã xuất khẩu sang 15 quốc gia trên thế giới.

Với mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, năm 2022, Thaco công bố thành lập Thaco Industries, với mô hình sản xuất tập trung chuyên ngành quy mô lớn và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị; đồng thời khánh thành trung tâm cơ khí với các dây chuyền công nghệ hiện đại và mức độ tự động hóa cao. Đến nay, Thaco Industries đang sở hữu trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), tổ hợp cơ khí, 20 nhà máy sản xuất thiết bị chuyên dụng cùng linh kiện phụ tùng với tổng diện tích 320 ha và tổng vốn đầu tư 850 triệu USD.

Đến giải pháp cho doanh nghiệp cơ khí Việt

Đầu tư lớn về công nghệ, chú trọng hoạt động R&D và đẩy mạnh liên doanh, liên kết các doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo chất lượng cao, Thaco Industries đã thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Australia. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng xuất khẩu đa dạng sản phẩm đến nhiều thị trường có yêu cầu cao về hệ thống quản lý chất lượng.

Thông qua các hình thức liên kết, liên doanh và tự sản xuất, Thaco Industries thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) - gia công và chế tạo - lắp đặt - chuyển giao vận hành và bảo trì. Trên cơ sở đó, tập đoàn triển khai mô hình “all in one”, cung cấp cho khách hàng giải pháp đồng bộ và trọn gói về R&D, dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị, sản phẩm phục vụ đa dạng lĩnh vực: Ôtô, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, dân dụng, thương mại - dịch vụ...

Nganh co khi Viet anh 11

Thaco Industries thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Australia.

Đây là thế mạnh giúp Thaco Industries khẳng định được năng lực trong việc đáp ứng yêu cầu về sự đa dạng công nghệ và tính trọn gói, khép kín trong chuỗi dịch vụ. Bởi lẽ, khả năng công nghệ của hầu hết doanh nghiệp cơ khí tại Việt Nam hiện nay chỉ có thể đáp ứng một hoặc vài công đoạn trong chuỗi cung ứng. Thay vì đặt gia công chi tiết rời như trước, hiện nay, hầu hết khách hàng đều yêu cầu sản phẩm hoàn thiện, giúp tiết kiệm chi phí logistics và tối ưu về thời gian.

“Tập đoàn liên tục mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, chuyển giao công nghệ mới. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng, thúc đẩy nền công nghiệp phát triển bền vững theo chiều sâu. Chưa hết, nhằm khẳng định và phát huy vai trò tạo dựng giá trị nền tảng, Thaco Industries cũng cung cấp những platform (nền tảng) vững chắc về công nghệ, cơ sở vật chất và nhân sự để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo”, đại diện Thaco Industries cho biết thêm.

Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí Việt không phải câu chuyện ngắn hạn và cần sự đổi mới từ nhiều yếu tố. Song, sự hỗ trợ từ những “đầu tàu” như Thaco Industries có thể xem như xuất phát điểm giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc nỗ lực để chuyển mình mạnh mẽ hơn. Khi đó, tập đoàn cũng dễ dàng trở về đúng vai trò “đầu tàu”, tập trung xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm và quay lại liên kết các doanh nghiệp khác để cùng tiến lên.

Nganh co khi Viet anh 12

Đắc Tú

Ảnh: Việt Linh

Bạn có thể quan tâm