Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình từ đỉnh cao xuống vực sâu của Đế chế La Mã

“Lịch sử quả thực chẳng hơn mấy bản ghi chép về các tội lỗi, điên rồ và bất hạnh của loài người", Edward Gibbon.

Năm 117, thời điểm kết thúc trị vì của hoàng đế Trajan vẫn được các nhà sử học coi là mốc Đế chế La Mã đạt tới quy mô rộng lớn nhất. Kể từ đó, Đế chế La Mã hài lòng giữ nguyên quy mô lãnh thổ đã có của mình, rồi dần dần phải làm quen với việc chống đỡ các cuộc tấn công từ bên ngoài tăng lên ngày càng nhiều theo sự suy yếu bên trong và các cuộc xung đột nội tại của Đế chế.

Kể từ năm 180, thời điểm bắt đầu trị vì của hoàng đế Commodus, giai đoạn Hòa bình La Mã (Pax Romana) coi như chấm dứt, quá trình suy yếu dần dần của Đế chế La Mã cũng bắt đầu, trước hết là việc phân chia Đế chế do năng lực quản lý kém đi, rồi tới cáo chung của Đế chế Tây La Mã vào năm 476 và kết thúc bằng sự sụp đổ của Constantinople, thành trì cuối cùng của Đế chế Byzantin (Đông La Mã) vào năm 1453.

Quá trình kéo dài ngót 1.300 năm này trên thực tế chiếm hầu hết thời gian tồn tại của Đế chế La Mã và Đế chế Byzantin, định chế thừa kế của La Mã. Cho nên có thể nói không sai rằng khi Edward Gibbon ngồi viết bộ sách đồ sộ Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã (The decline and fall of the Roman Empire), ông đã tổng hợp lại phần lớn lịch sử của đế chế kỳ vĩ với những di sản quan trọng còn để lại ảnh hưởng lớn lao cho tới tận ngày nay, nhất là với nền văn minh phương Tây.

Công trình đồ sộ của Edward Gibbon bao gồm 71 chương, được chia thành 6 quyển theo tiến trình thời gian. Trước Gibbon đã có rất nhiều sử gia cổ đại ghi chép lại những biến cố xảy ra trong các giai đoạn khác nhau trong tiến trình tồn tại của Đế chế La Mã cũng như Đế chế Byzantin, song Gibbon là người đầu tiên xâu chuỗi cả 13 thế kỷ đầy biến động này vào một công trình duy nhất, đem đến cho độc giả trải nghiệm độc nhất vô nhị được xuôi theo dòng chảy lịch sử một cách không gián đoạn.

Một thành tựu lớn nữa của Gibbon đã được nhất trí ghi nhận là công sức ông bỏ ra để đối sánh, tổng hợp các nguồn sử liệu cổ khác nhau, tìm hiểu những điểm khác biệt giữa chúng, cân nhắc mức độ khả tín của những nguồn này để chắt lọc dữ liệu, tổng hợp thông tin đưa vào tác phẩm của mình dưới hình thức một chỉnh thể nhất quán, dễ theo dõi. Bên cạnh đó, Gibbon cũng không quên thường xuyên viện dẫn các nguồn tư liệu ông đã tham khảo cùng ý kiến bình luận của cá nhân ông về mức độ khả tín của chúng, cũng như lý do ẩn sau khác biệt về sự khả tín đó.

De che Byzantin,  Edward Gibbon. anh 1

Bên cạnh tiến trình lịch sử của Đế chế La Mã từ thời điểm đang ở đỉnh cao cho tới ngày Constantinople thất thủ, Gibbon cũng dành phần khối lượng đáng kể công trình của mình để bàn đến những biến đổi quan trọng khác đã xảy ra song hành với tiến trình này, có thể trong biên giới của Đế chế hay ở vùng biên tiếp giáp và có tác động quan trọng đến nó.

Chẳng hạn, sự trỗi dậy của Hồi giáo, sự hình thành của thế giới Hồi giáo và các quốc gia thuộc tôn giáo này cũng như những xung đột, tương tác kéo dài giữa Hồi giáo và Ki tô giáo nói chung và Đế chế Byzantin, định chế kế thừa trực tiếp di sản của Đế chế La Mã, nói riêng cũng được đề cập khá chi tiết trong công trình đồ sộ của Gibbon.

Song còn đáng kể hơn nữa là lịch sử sơ kỳ và phát triển của Ki tô giáo, tôn giáo có thể nói là hình thành trong lòng Đế chế La Mã và lan rộng, phát triển mạnh mẽ trước hết trên lãnh thổ của Đế chế, nhờ không ít vào hệ thống giao thông thuận lợi được chính quyền La Mã thiết lập.

Tiến trình Ki tô hóa Đế chế La Mã cũng là một phần không thể tách rời của lịch sử Đế chế, và từ thế kỷ thứ IV, khi Ki tô giáo trở thành thế lực nắm trọn thần quyền của Đế chế, thì lịch sử của Giáo hội Ki tô giáo cũng song hành với lịch sử, vận hội của Đế chế, định hình nên không chỉ lịch sử trung kỳ, mạt kỳ của Đế chế La Mã mà cả lịch sử châu Âu, để lại dấu ấn hết sức quan trọng trong tiến trình suy tàn, sụp đổ của Đế chế, nhất là do cuộc xung đột nội tại giữa các hệ phái Ki tô giáo, sự tranh chấp lâu dài và đẫm máu giữa Ki tô giáo và Hồi giáo....

Trong tác phẩm của mình, Gibbon không đặt trọng tâm vào ghi chép, hệ thống hóa lịch sử Đế chế La Mã, mà như đã nói ở trên, đây là việc ông bắt buộc phải làm để phục vụ cho mục đích chính: đi tìm lời giải và minh chứng cho sự suy tàn, sụp đổ của Đế chế La Mã. Cũng thật tình cờ và thú vị, chính việc Gibbon làm quá tốt công việc mang tính phụ trợ trong công trình của mình lại đem tới sức hấp dẫn bền vững, lâu dài cho nó, thậm chí vài trăm năm sau khi tác phẩm được viết xong.

Còn về phần nội dung chính yếu của tác phẩm, ngay từ đầu Gibbon đã chỉ ra bốn nguyên nhân chính theo ông đã khiến Roma sụp đổ sau khi đã trải qua những ngày tháng huy hoàng, là sự kính ngưỡng của cả thế giới văn minh phương Tây:

1-Những tác động bất lợi của thời gian và thiên nhiên

2-Những cuộc tấn công thù địch của các man tộc và người Ki tô giáo.

3-Việc sử dụng và lạm dụng vật chất

4-Xung đột nội bộ giữa những người La Mã

Từ góc nhìn của một học giả thời đại Khai sáng vào nửa sau thế kỷ XVIII, nhất lại là học giả Anh, Edward Gibbon không giấu giếm sự chỉ trích dành cho Giáo hội Công giáo, coi Ki tô giáo Trung Cổ là một tác nhân tiêu cực không những trong sự suy tàn của Đế chế La Mã, mà cả trong việc tạo nên đêm trường Trung Cổ đen tối, đậm tinh thần mê tín và thiếu lý trí, tiến bộ.

Đây cũng là phần lập luận đã trở nên lỗi thời của Gibbon trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu hiện đại, một hạn chế mang tính thời điểm khó tránh khỏi, nhất là khi Gibbon hoàn toàn phải dựa trên các tư liệu cổ và chưa có được lợi thế khai thác các nguồn tư liệu khảo cổ như hiện nay.

Bất chấp những hạn chế trong lập luận, kiến giải các tiến trình lịch sử của mình, Gibbon vẫn được đánh giá cao trong vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt trong cách khai thác, trình bày và hệ thống hóa sử liệu của mình.

Thêm nữa, đa phần kiến giải của ông vẫn khẳng định được sự đúng đắn của chúng qua các minh chứng, phân tích Gibbon đưa ra trong tác phẩm của mình. Không chỉ vậy, tác phẩm của Gibbon, ngay cả với độ dài và sự phức tạp thách thức mọi độc giả của nó, vẫn cuốn hút người đọc bởi văn phong sinh động, hấp dẫn của ông.

Bên cạnh là một sử gia, Gibbon còn là một ngòi bút đại tài trong việc khai thác sử dụng ngôn ngữ Anh đến mức đỉnh cao. Hiếm có tác giả viết bằng tiếng Anh nào lại tận dụng được triệt để đến thế sự sinh động của ngôn ngữ này trong kiến giải, mô tả, lập luận, phân tích các vấn đề phức tạp về lịch sử, xã hội, chính trị, tôn giáo.

Và đây đó trong tác phẩm của Gibbon, giữa các dòng chữ khách quan, trung tính, độc giả vẫn có thể bắt gặp những nhận xét tinh tế với chất hài hước, châm biếm tế nhị ngấm ngầm, chẳng hạn như: “Chừng nào loài người còn tiếp tục sẵn lòng dành sự tán thưởng cho những kẻ hủy diệt họ hơn là cho những ân nhân của họ, sự thèm khát vinh quang quân sự vẫn sẽ luôn là tật xấu của những nhân cách cao quý nhất".

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Cuộc cạnh tranh đã phá hủy đế chế La Mã

Trong "Uncommon Wrath", nhà sử học cổ đại nổi tiếng người Mỹ Josiah Osgood đặt mâu thuẫn giữa Cato và Caesar vào cuộc nội chiến La Mã, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nền cộng hòa.

Lý giải sự sụp đổ tàn khốc của đế chế La Mã

Không chỉ tái hiện một đế chế hùng mạnh, một nền văn minh vĩ đại, “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” còn nêu nguyên nhân, các sự kiện và lý giải sự sụp đổ của đế chế này.

https://vietnamnet.vn/roma-hanh-trinh-tu-dinh-cao-xuong-vuc-sau-2104547.html

Lê Đình Chi/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm