Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình trở thành quý tộc của chàng nông dân mồ côi

Năm 16 tuổi, ông mất cha lẫn mẹ, được gửi về nhà bác và thuê đất để làm ruộng từ sáng đến tối. Ông chỉ có buổi tối là thời gian của riêng mình.

Trong tác phẩm Những người Nhật tiêu biểu của (1) Uchimura Kanzo, có câu chuyện của Ninomiya Sontoku (2). Ninomiya Sontoku chỉ là một nông dân thuần túy, không học vấn lẫn tài sản. Năm 16 tuổi, ông mất cha lẫn mẹ, được gửi về nhà bác và thuê đất để làm ruộng từ sáng đến tối. Ông chỉ có buổi tối là thời gian của riêng mình.

Sontoku rất hiếu học nên thường chong đèn học đến khuya nhưng bị bác mắng là tốn dầu nên không được học. Dù vậy, Sontoku vẫn cần mẫn làm việc ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt, và tranh thủ học trong những khoảng thời gian nghỉ giải lao hay đi kiếm củi trong rừng.

Khi trưởng thành, nhờ nỗ lực và tiết kiệm không ngừng, ông mua lại nhà và ruộng của cha mẹ, bắt đầu làm nông thực thụ. Nghe tiếng ông, các địa chủ tìm đến để giao việc và ông dần chấn hưng làng quê nghèo. Danh tiếng của ông ngày càng tăng cao, những năm cuối đời ông được chính quyền Mạc Phủ Tokugawa giao cho nhiệm vụ quản lý các công trình trị thủy và phục hưng.

Triet ly anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: IStock.

Khi cùng các daimyo (3) chư hầu xếp hàng vào chầu trong cung, cung cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của Ninomiya Sontoku đều đúng mực, tuyệt vời đến mức người ta cứ ngỡ ông được sinh ra trong một gia đình cao quý.

Câu chuyện này chứng tỏ một nông dân bình thường, chưa từng học đến phép tắc lễ nghĩa, chỉ biết vác cuốc xẻng làm việc ngoài đồng từ sáng đến tối, đã cần mẫn mài giũa tâm hồn ra sao. Bằng cách làm việc hết mình, con người không chỉ có được cái ăn hằng ngày mà còn có thể làm đẹp tâm hồn mình.

Tôi cho rằng việc “xây dựng tâm hồn con người” thông qua làm việc là điều cực kỳ quan trọng đối với người Nhật hiện nay. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, giá trị quan đối với lao động được xác lập, đó là “cung cấp thời gian, nhận thù lao” nhưng nếu nói cách khác, thì lao động chỉ là phương tiện để kiếm tiền.

Tuy nhiên, lao động vốn không phải đơn thuần là để kiếm thù lao. Đặc biệt, nếu vào thời nghèo khó, làm việc, làm việc chăm chỉ liên quan đến kiềm chế những ham muốn cá nhân như muốn nghỉ ngơi, muốn biếng lười, muốn chơi bời. Và kết quả của việc đó là giúp rèn giũa tâm hồn con người.

Nhưng khi đời sống trở nên sung túc như hiện nay, người ta không cần làm việc để có lương thực sinh sống nữa, và cũng không cần chăm chỉ, cần cù nữa. Làm chút đỉnh cũng có cái ăn rồi. Vì vậy, nếu không thích bị ràng buộc thì làm nghề tự do, không đi làm cho công ty cũng ổn.

Nói một cách cực đoan, vì có thể ăn bám bố mẹ nên xuất hiện nhiều người trẻ tốt nghiệp trung học phổ thông xong, không học đại học, không tìm việc. Nhiều người trẻ hơn 20 tuổi vẫn ăn bám gia đình. Trong tình trạng đó, xảy ra nhiều trường hợp lầm đường lạc lối vào con đường phạm tội. Tôi cho rằng đó là vì họ không được mài giũa tâm hồn thông qua lao động.

(1) Uchimura Kanzo (1861–1930): Nhà truyền giáo và cũng là nhà văn. Tác giả của tác phẩm Những người Nhật tiêu biểu (代表的 日本人 − Daihyo teki Nihonjin), giới thiệu về cuộc đời của các nhân vật gồm Saigo Takamori, Uesugi Yozan, Ninomiya Sontoku, Nakae Toju, Nichiren.

(2) Ninomiya Sontoku (1787–1856): Nhà tư tưởng, nhà chính sách nông nghiệp thời Edo hậu kỳ.

(3) Daimyo là những lãnh chúa phong kiến từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 19 ở Nhật Bản thần phục Tướng quân (Mạc chúa).

Inamori Kazuo/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY