Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình tìm sự cứu rỗi của con cựu binh Mỹ trên đất Việt

"Con không biết chính xác bố đang nằm ở đâu, có thể là ở ngay đây hoặc gần đây", cô Margot Delogne khóc và chia sẻ rằng oán hận 50 năm qua đã tan biến khi gặp con người nơi đây.

Delogne và Reyes thắp nhang tại nơi cha thiệt mạng. Ảnh: NYT>

Bố của Carlson Delogne là lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, máy bay của ông bị bắn rơi vào năm 1966. Chính quyền Mỹ sau đó tuyên bố ông đã mất tích trong chiến tranh (MIA). Kể từ ngày nhận tin đến nay, Carlson Delogne luôn oán giận những người đã bắn hạ phi cơ.

Trong tháng 12, Carlson Delogne, 51 tuổi, cùng 5 người con khác của các cựu binh MIA quay trở lại Việt Nam nhằm tìm kiếm nơi mà bố của họ đã thiệt mạng hoặc mất tích. Lần này, họ đã có một quyết định quan trọng: đối mặt và trò chuyện với những người con của các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong kháng chiến.

"Tôi luôn tự hỏi, liệu việc gặp nhau này có làm vết thương cũ lại hở miệng hay không? Hay liệu có ai trong chúng tôi sẽ bùng phát sự giận dữ không. Tuy nhiên, chúng tôi không có oán hận nào với nhau. Mọi người chỉ chia sẻ nỗi buồn", giọng nghẹn ngào, Carlson Delogne tâm sự với New York Times.

Đối mặt

Cuộc gặp diễn ra tuần qua và là một phần trong hành trình tìm kiếm hy vọng và sự chuộc lỗi của Carlson Delogne. Đây cũng là một trong những cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa những người con của các binh sĩ chết trận ở hai bên chiến tuyến.

Ông Bùi Văn Nghi, Tổng thư ký Hội Việt - Mỹ, nói chuyến đi của đoàn cô Delogne là một phần thúc đẩy quan hệ song phương. Chiến tranh đã kết thúc 40 năm, Việt - Mỹ đang bước vào thập kỷ thứ 3 của quá trình bình thường hóa quan hệ. "Nếu chúng ta muốn phát triển mối quan hệ, chúng ta cần thấu hiểu lẫn nhau nhiều hơn", ông Nghi nói.

Sau 4 cuộc gặp nối tiếp trong tháng 12 giữa 6 người con của cựu binh Mỹ và hơn 20 người con của các liệt sĩ Việt Nam, bức tường thù hận giữa hai bên như đang vỡ ra từng viên gạch.

Tại TP HCM, cô Susan Mitchell-Mattera (51 tuổi, điều dưỡng tại nhà tế bần ở thành phố Carson, bang California), thổi một vài nốt nhạc bằng chiếc harmonica mà cha cô để lại. Ông James C. Mithchell, bố của Susan, tử trận ở đồng bằng Sông Cửu Long năm 1970.

Sau khi lắng nghe câu chuyện của Susan, cô Nguyễn Thị Hồng Diễm (47 tuổi, TP HCM) nói: "Chúng tôi có chung một nỗi đau". Bố và mẹ của Hồng Diễm đều là những chiến sĩ cách mạng và hy sinh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Vũ Ngọc Xiêm (66 tuổi) dường như ít sẵn sàng trải lòng hơn với những người Mỹ ở những phút đầu gặp gỡ. Ông nhìn chằm chằm vào họ, gương mặt như tỏ vẻ giận dữ. Khi hai bên chia sẻ nhiều hơn, ông Xiêm bắt đầu chịu mở lời kể về câu chuyện của ông.

"Khi tôi mới 14 tuổi, bom đạn của lính Mỹ khiến bố tôi thiệt mạng. 4 năm sau, họ lại đánh bom ở trường học của tôi sát hại phần lớn học sinh, chỉ còn 19 người sống sót", ông Xiêm kể. Ông nói, phần lớn quãng đời vừa qua của ông chỉ mang nặng ý định trả thù.

Tuy nhiên, khi đối diện với con cái của những người mà ông gọi là kẻ thù, Xiêm tỏ ra ngập ngừng hơn. "Các bạn phải hiểu rằng Việt Nam là đất nước yêu quý hòa bình. Trả thù cũng không thể giúp ích được gì. Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng làm nhiều điều hữu ích hơn cho nhân dân hai nước".

Tìm về nơi mất tích của bố

Đoàn người Mỹ cũng tìm về nơi mà cha của họ đã thiệt mạng, hoặc mất tích ở chiến trường.

Ronald R. Reyes, 47 tuổi, tìm đường đến căn cứ ở Khe Sanh, nơi bố của ông đã chết trong một trận chiến năm 1968. Trận Khe Sanh là một diễn biến quan trọng khiến người Mỹ tin rằng chiến tranh ở Việt Nam là một cuộc chiến phi nghĩa.

Tại một dòng sông yên ả gần tỉnh Quảng Ngãi, ông Mike Burkett, 49 tuổi, thăm lại nơi mà bố ông đã chết chìm năm 1971. Bên bờ sông, ông Mike đặt lại hình của chiếc xe Camaro năm 1968 mà bố ông từng lái, cùng một vài điếu xì gà. "Một trong những điều tôi hối tiếc nhất là tôi chưa bao giờ cùng hút thuốc và tâm sự với bố", Mike nói.

Cô Carlson Delogne đến giờ vẫn chưa biết chắc chắn người bố đã thiệt mạng như thế nào. Theo quân đội báo lại, chiến đấu cơ F-5C do ông điều khiển đã rơi ở một vùng ngoại thành Sài Gòn ngày 7/12/1966. Chị gái của Carlson Delogne cũng đã nhiều năm tìm kiếm manh mối nhưng không thành công.

Trước ngày đoàn người Mỹ đến Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi Carlson Delogne những điểm tọa độ gần làng Long Nguyen mà họ tin rằng đây có thể là nơi máy bay rơi. Ông Ronald đã nhập địa điểm đến Google Earth, sau đó bắt đầu hành trình tìm kiếm ở Việt Nam.

Đoàn dừng lại ở một khu rừng và đi sâu vào bên trong. Họ phát hiện một hố lớn, kích cỡ bằng giường ngủ. Ông Ronald nói rằng hố này có vẻ không phải tự nhiên hình thành.

Carlson Delogne bước xuống hố, quỳ gối và khóc. "Con không biết chính xác bố đang nằm ở đâu, có thể là ở ngay đây, hoặc ở gần đây. Nhưng con luôn cảm thấy rằng bố đang ở cạnh bên mỗi khi con đau buồn, hoặc khi con phải đối mặt với nỗ sợ hãi; cũng giống như cảm giác ngay lúc này", cô nói.

"Con đã thấy vẻ đẹp của nơi này cũng như người dân địa phương. Con đã thấy hậu quả của những trận bom. Con không hiểu vì sao một người giàu tình thương và sự tử tế lại bị đẩy vào tình thế chiến tranh với nơi này", Carlson Delogne nói. Sau đó, cô dùng tay không để đào một nắm đất, rồi chôn chiếc vòng tay mà bố cô để lại.

Quá trình chữa vết thương chiến tranh của Em bé Napalm

Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh "Em bé Napalm" đang chữa những vết bỏng trên cơ thể bằng phương pháp laser tại cơ sở ở Mỹ nhằm xoa dịu nỗi đau thể xác hàng chục năm qua.

Bill Clinton: 'Việt - Mỹ hãy nắm lấy tay nhau'

20 năm sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, ngày 2/7, cựu tổng thống Bill Clinton đã đến Hà Nội với thông điệp "hãy tiếp cận nhau bằng vòng tay mở rộng".

Minh Anh (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm