Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Len Aldis, người bạn lớn của các nạn nhân Da cam, qua đời

Cảnh sát London, Anh, xác định Len Aldis qua đời tại nhà riêng hôm cuối tuần khi tới kiểm tra căn hộ của ông.

Ông Len Aldis từng có nhiều năm hoạt động giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc Da cam Việt Nam. Ảnh: Eastlondonnews

Len Aldis, một trong những nhà hoạt động vì hoà bình và vì các nạn nhân Da cam Việt Nam nổi tiếng nhất, được cảnh sát phát hiện là đã từ trần tại nhà riêng hôm cuối tuần. Ông thọ 85 tuổi.

Theo East London News, cảnh sát đã đến nhà ông Aldis sau khi bạn bè nhiều ngày liên lạc ông qua điện thoại mà không nhận được câu trả lời.

Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1989, Len Aldis đã quyết tâm tham gia các hoạt động để giúp các nạn nhân chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân Da cam. Năm 1992, ông là người sáng lập và trở thành Thư ký Hiệp hội Hữu nghị Anh - Việt ở London.

Kể từ đó tới nay, ông đã có hơn 30 chuyến viếng thăm tới Việt Nam để mang các món quà cho các nạn nhân Da Cam cũng như là lên tiếng về vấn đề còn nhức nhối này của chiến tranh. Ông tiếp tục các chuyến đi này cho đến khi đã ngoài 80 tuổi.

Trong những năm từ 2005-2009, khi các nạn nhân Da cam Việt Nam kiện ra toà án Mỹ các công ty hoá chất từng tham gia cung cấp chất độc Da cam, ông Aldis là người thường xuyên kêu gọi mọi người ký thư ủng hộ và lên tiếng về vấn đề này. Ông là người đã trực tiếp gửi thư cho các thẩm phán cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle Obama để nhắc về các nạn nhân của chất độc Da cam.

Từ Mỹ, bà Susan Hammond, giám đốc của War Legacies Project, một tổ chức nhiều năm tham gia vào các chương trình giải quyết di chứng chiến tranh, nói “quá đau buồn khi nghe tin này. Ông ấy đã cống hiến quá nhiều cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc Da cam ở Việt Nam”.

“Len đã cống hiến không mệt mỏi để mọi người biết về hậu quả của chất độc Da cam”, bà Hammond nói. “Ông thật sự là người đã tạo ra thay đổi cho vô số những người khác”.

Nạn nhân da cam Việt Nam qua ống kính Mỹ

Thời điểm lính Mỹ rải thuốc diệt cỏ có chứa chất độc màu da cam dioxin xuống Việt Nam đã trôi qua chừng nửa thế kỷ tuy nhiên hậu quả của nó vẫn kéo dài đến tận ngày nay, cướp đi cơ hội làm người bình thường của hơn 150.000 đứa trẻ.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm