Nhà báo James Foley (đội mũ trắng) bị bắt cóc lần đầu tiên tại Libya vào năm 2011. Ảnh: AFP |
James Foley từng là giáo viên nhưng anh đã quyết định chuyển sang nghề báo vào giữa những năm 2000. Năm 2008, ở tuổi 35, Foley tốt nghiệp trường báo chí Medill thuộc Đại học Northwestern và trở thành một phóng viên chiến trường. Nơi đầu tiên nhà báo Mỹ này đặt chân tới là Iraq.
"Đó là công việc của những nhà báo như tôi. Tôi đến đó để mô tả về những đau thương do cuộc chiến gây ra và kể những câu chuyện chưa từng được kể", Foley nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2012.
Tôi bị cuốn vào sự kịch tính của xung đột và tôi tìm cách khám phá những câu chuyện chưa từng biết đến. Đó là những chuyện bạo lực cực đoan, nhưng tôi muốn tìm hiểu những con người ở đây thực sự là ai. Tôi cho đây là điều thực sự hấp dẫn.
Năm 2011, Foley quyết định đến Libya để đưa tin về cuộc nổi dậy chống lại Đại tá Gaddafi. Biên tập viên của Global Post, tờ báo mà anh làm việc, đã khuyên anh không nên đi bởi nơi này rất nguy hiểm. Nhưng Foley đã nói với biên tập viên rằng: "Tôi muốn tận mắt chứng kiến hơn là dựa vào những tin đồn trên Facebook về Mùa xuân Ả Rập".
Ngày 5/4/2011, nhà báo Mỹ cùng với 3 phóng viên khác là Anton Hammerl, Clare Morgana Gillis và Manu Brabo, bị bắt cóc khi đang tác nghiệp tại khu vực gần thành phố Brega (Libya) bởi lực lượng trung thành với Đại tá Gaddafi.
Foley cho biết, khi đó, những người lính xả súng vào nhóm của anh. Hammerl, người bị thương nặng trong vụ tấn công và chết sau đó, bị bỏ lại phía sau trong khi lực lượng ủng hộ Đại tá Gaddafi đưa anh và hai người còn lại tới một ngôi nhà tại thành phố Brega.
18 ngày đầu tiên, không ai biết Foley còn sống hay đã chết. Sau đó, một ngày trước lễ phục sinh, những kẻ bắt cóc cho phép anh gọi điện về nhà.
Sau nhiều ngày đàm phán, hôm 18/5, lực lượng ủng hộ Đại tá Gaddafi trả tự do cho Foley tại biên giới với Tunisia. Nhà báo Mỹ cho biết, trong suốt 6 tuần bị bắt cóc, lực lượng này liên tục thẩm vấn, chuyển địa điểm giam giữ cũng như cáo buộc anh nhập cảnh và tác nghiệp bất hợp pháp tại đất nước của họ.
Bức hình cuối cùng về nhà báo James Foley tại Aleppo, Syria, tháng 11/2012. Phiến quân nhà nước Hồi giáo đã bắt Foley làm con tin khi anh đưa tin cho trang Global Post. Kể từ đó, Foley bặt vô âm tín cho tới khi phiến quân nhà nước Hồi giáo tại Iraq công bố đoạn video trên Youtube hôm 19/8. Ảnh: AFP |
Tháng 11/2012, Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc Foley cùng phiên dịch của anh tại vùng tây bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, họ thả phiên dịch viên và yêu cầu khoản tiền chuộc trị giá 132 triệu USD để trả con tin.
Theo thông tin Nhà Trắng mới công bố, hàng chục thành viên của lực lượng biệt kích Delta và Đội 6 biệt kích hải quân SEAL đã thực hiện chiến dịch tìm kiếm, giải cứu phóng viên James Foley hồi đầu tháng 7 nhưng bất thành bởi họ tới sai địa chỉ và không tìm thấy nơi giam giữ con tin.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng hải quân John Kirby, thừa nhận: “Thật đáng buồn khi nhiệm vụ giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ thất bại”.
Trước đó, gia đình nhà báo Foley và tòa soạn báo Global Post, nơi anh làm việc, nhận nhiều thư điện tử của những kẻ bắt cóc. Chúng đòi tiền chuộc hoặc đưa ra yêu sách chính trị. Trong bức thư cuối cùng gửi một tuần trước, những kẻ bắt cóc đe dọa rằng chúng sẽ sát hại anh.
Hôm 19/8, các tay súng IS tung đoạn clip với tiêu đề “Thông điệp gửi nước Mỹ” lên trang Youtube. Nội dung clip là cảnh hành quyết nhà báo James Foley cùng lời đe dọa tấn công người Mỹ bất cứ lúc nào và bất kể ở đâu.
Trong đoạn video, Foley đã nói những lời cuối cùng trước khi bị hành quyết. Anh cáo buộc chính phủ Mỹ mới là những người kết án tử đối với anh.