Phan Thị Kim Phúc và tấm ảnh Em bé napalm cách đây 43 năm. Ảnh: CNN |
"Tôi luôn nhớ rõ ngày kinh hoàng mà chúng tôi chạy thoát khỏi cái chết", bà Kim Phúc, nhân vật chính trong tấm ảnh Em bé napalm, nói với CNN.
"Con đường đến hòa bình"
Thoạt đầu, Kim Phúc nói bà rất ghét tấm ảnh vì nó khiến bà xấu hổ. Bà đã trải qua một thời gian đối mặt với sự chú ý của dư luận vì là nhân vật chính trong bức hình. Đối với bà, khoảnh khắc đau đớn và gương mặt hoảng sợ khi chạy ra từ hiện trường nổ bom napalm là những ký ức thuộc về cá nhân.
Tuy nhiên, bà không chạy trốn những hiện thực trong bức ảnh. Sau một thời gian dài dấu tranh nội tâm, Kim Phúc nhận ra, nếu các phóng viên không kịp thời ghi lại nỗi đau của bà cũng như sự thực kinh hoàng của vụ đánh bom, thì tội ác này sẽ bị quên lãng theo dòng chảy lịch sử.
Từ đó, Kim Phúc bắt đầu suy nghĩ nhiều về những hiệu quả mà tấm ảnh có thể mang lại, hơn là những gì nó đã cướp đi của bà. Kim Phúc gọi đó là "con đường đến hòa bình".
Ngoài vai trò một người mẹ, bà còn là cố vấn, đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc. Mỗi năm, Kim Phúc di chuyển liên tục, đi đến nhiều nơi để kể về câu chuyện sống sót của bản thân, từ đó giúp mọi người hiểu rõ về bản chất tàn bạo của chiến tranh.
Ngoài hợp tác với Liên Hợp Quốc, Kim Phúc thành lập một quỹ từ thiện mang tên bà để giúp đỡ trẻ em tại những quốc gia đang xảy ra chiến sự. Bà dùng khoản tiền quyên góp để xây dựng bệnh viện, trường học và nhà cho trẻ mồ côi.
Kim Phúc nói bà sẽ gắn bó với công việc thiện nguyện này suốt cuộc đời. "Tôi thực sự biết ơn khi trở thành nhân vật trong bức ảnh (em bé napalm) và tôi có thể tận dụng nó để đóng góp cho hòa bình", Kim Phúc tâm sự.
Đối với Kim Phúc, "bé gái trong tấm ảnh không còn phải chạy trốn nữa. Cô ấy đang bay cao".
Kim Phúc trong một lần hội ngộ cùng ân nhân, phóng viên ảnh Nick Út. Ảnh: AP |
Hành trình tha thứ
43 năm đã trôi qua sau ngày lính Mỹ thả bom napalm xuống ngôi làng mà Kim Phúc sống cùng bố mẹ. Tuy nhiên, bà vẫn nhớ rõ những đau đớn cháy da thịt trong sức nóng của quả bom.
Sau khi được phóng viên ảnh Nick Út sơ cứu và đưa nhanh đến bệnh viện, Kim Phúc lưu lại bệnh viện để điều trị trong hơn một năm. Gia đình lo lắng con gái sẽ không qua khỏi. Tuy nhiên, bà kiên cường chịu đựng rất nhiều cuộc phẫu thuật và ghép da.
Cuối cùng, bà hoàn toàn bình phục về những tổn thương thể chất. Tuy nhiên, Kim Phúc không thể tìm lại sự thanh bình trong tâm hồn. Bà muốn biến mất, thậm chí từng ước rằng bà có thể chết đi. Khi đó, bà tin cái chết sẽ giúp bà không còn phải chịu đựng những tổn thương về tinh thần và thể chất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Kim Phúc cũng bắt đầu tìm hiểu về những kiến thức mới. Đến một ngày, bà nhận ra phải tiếp tục sống, bà muốn sinh con để có một gia đình nhỏ của riêng mình. "Từ lúc này, tôi bắt đầu học cách tha thứ", Kim Phúc nói.
Giờ đây, bức ảnh Em bé napalm từng là nỗi ám ảnh đã trở thành "một trong những phước lành của tôi". "Tôi cảm ơn cuộc sống vì đã không cướp đi tính mạng của mình. Cho dù chuyện gì đã xảy ra, tôi vẫn có cơ hội để sống tiếp, một cách khỏe mạnh, để giúp đỡ những người khác".