Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình săn ngà voi ma mút tại Siberia

Do những con voi ma mút cuối cùng chết cách đây 3.700 – 10.000 năm nên xác voi nằm sâu dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Thợ săn phải tìm ra dấu vết nơi nó yên nghỉ.

Siberia là vùng đất rộng lớn thuộc chủ quyền Nga nằm ở khu vực Bắc Á. Nó chiếm 77% lãnh thổ Liên bang Nga nhưng chỉ có 40 triệu người sinh sống, tương đương 28% dân số. Khí hậu khắc nghiệt khiến mật độ dân cư ở khu vực này rất thưa thớt. 

Tuy nhiên, Siberia từng là nơi sinh sống lý tưởng của loài voi ma mút khổng lồ. Người ta thường xuyên tìm thấy xác loài động vật này gần như nguyên vẹn bên dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Chúng giúp các nhà khoa học nghiên cứu về loài động vật đã tuyệt chủng và cung cấp cho con người khối lượng ngà voi khổng lồ.

Nhóm nghiên cứu và làm phim của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic) đã theo chân người đàn ông Nga tên là Karl Gorokhov trong hành trình săn ngà voi ma mút trên hòn đảo hoang phía đông Siberia. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng sự đơn độc là những trở ngại lớn nhất trong những chuyến săn ngà voi.

Thợ săn ngà voi ma mút dựa phần lớn vào khả năng quan sát và sự may mắn trong mỗi chuyến đi săn. Do những cá thể voi ma mút cuối cùng chết cách đây 3.700 – 10.000 năm nên xác voi nằm sâu dưới mặt đất mới không bị thời tiết khắc nghiệt hủy hoại. Các thợ săn phải tìm ra dấu vết cho thấy nơi một con voi yên nghỉ.

Thông thường, ngà voi ma mút nằm sâu dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Để tiếp cận vị trí chiếc ngà, Gorokhov phải đào bới liên tục trong cả một ngày. Những chiếc ngà voi ma mút dài khoảng 3,5 m và to như những cành cây. Chúng thường quặp vào trong và nặng khoảng 70 kg. Những cặp ngà nằm sâu dưới đất thường được bảo quản gần như nguyên vẹn.

Gorokhov kể, khi còn nhỏ, ông thường thấy những chiếc ngà voi ma mút mục nát ở ven sông. Chúng quá quen thuộc với người dân ở đây nhưng không ai biết được giá trị của nó. Nhà nước đóng cửa các hầm mỏ và nhà máy thời Xô Viết khiến người dân không tìm ra kế sinh nhai, kéo theo dân số khu vực giảm mạnh trong 5 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, không ai nhận thấy tiềm năng của ngà voi ma mút với kinh tế khu vực. Khi cả thế giới hưởng ứng lệnh cấm buôn bán ngà voi, các thị trường hàng đầu thế giới như Trung Quốc phải tìm nguồn cung mới. Từ một thứ gần như vô giá trị, ngà voi ma mút bất ngờ trở thành món hàng được săn tìm, góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương.


Bên cạnh đó, hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng tan, phát lộ nhiều xác voi ma mút nằm dưới lớp băng vĩnh cửu. Nó giúp việc tìm kiếm ngà voi trở nên dễ dàng hơn. Những nghĩa địa voi ma mút mới lộ ra có thể đáp ứng nhu cầu ngà voi của các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản.

Theo các số liệu, Trung Quốc tiêu thụ tới 90% lượng ngà voi ma mút ở Siberia, tương đương 60 tấn/năm. Nó góp phần làm giảm sự phụ thuộc của quốc gia đông dân nhất thế giới vào ngà voi châu Phi, vốn đang đẩy loài voi ngày nay tới sát mép vực tuyệt chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại, tận thu ngà có thể làm mất những dữ liệu quan trọng về chế độ ăn uống của voi ma mút, điều kiện khí hậu và môi trường thời cổ đại. Trong khi đó, những kẻ săn trộm vẫn lộng hành ở châu Phi, đe dọa trực tiếp sự tồn tại của loài voi ngày nay.

Các thợ thủ công mỹ nghệ chế tác ngà voi và biến nó trở thành đồ trang trí đắt giá. Ngà voi thành phẩm thường được giới nhà giàu Trung Quốc lùng mua. Ảnh: National Geographic.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm