Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Hành trình khát vọng Viettel: 35 năm chinh phục những đỉnh núi cao hơn

Nhìn lại 35 năm, Viettel trải qua hành trình được đánh dấu mốc bởi những việc tưởng chừng không thể vượt qua.

Nhìn lại 35 năm, Viettel trải qua một hành trình được đánh dấu mốc bởi những việc khó tưởng chừng không thể vượt qua. Thay đổi khi đang ở đỉnh cao luôn là quyết định khó, nhưng ở Viettel, chủ động đón đầu thách thức và khát vọng làm tốt hơn đã trở thành truyền thống.

Ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, cách đây 2 năm đã có hàng trăm người đăng ký sử dụng Viettel Money chỉ trong vòng vài ngày sau khi dịch vụ được giới thiệu trên địa bàn huyện. Đây là điều gần như không tưởng ở một huyện miền núi, có mật độ dân cư thưa, mức độ sử dụng Internet thấp và người dân chưa từng tiếp cận các dịch vụ mới như tài chính số, ví điện tử.

Anh Nam, chủ của một trong các cửa hàng tạp hoá đầu tiên chấp nhận thanh toán qua dịch vụ Viettel Money, cho biết phần lớn người đến đăng ký là nông dân, nội trợ, người lớn tuổi hay người dùng điện thoại không có kết nối Internet. Họ chủ yếu muốn dùng dịch vụ để chuyển, nạp, rút tiền mà không cần đến ngân hàng.

"Cả huyện rất rộng, chủ yếu là đồi núi, nhưng chỉ có một chi nhánh ngân hàng ở trung tâm khiến bà con rất vất vả khi di chuyển. Tôi tin Viettel Money thật sự có thể mang đến cuộc sống tiện lợi hơn cho bà con bởi trên địa bàn có rất nhiều điểm hỗ trợ giao dịch như cửa hàng của chúng tôi", anh Nam nói.

Dịch vụ của Viettel dễ phổ cập đến mọi người vì không bắt buộc người dùng liên kết với tài khoản ngân hàng và cũng không cần Internet để thực hiện các giao dịch, chỉ cần có sóng điện thoại.

2 năm sau, những “khu chợ 4.0” với biển và banner màu đỏ, vận hành dựa trên dịch vụ tài chính số do Viettel cung cấp, có thể được bắt gặp ở mọi miền đất nước, từ miền núi đến hải đảo. Tương tự như vậy, tới bất kỳ nơi nào Viettel phủ sóng cũng là các nền tảng như TV360, My Viettel, Viettel Post. Sóng viễn thông, nền tảng cho nhiều dịch vụ số và việc liên lạc hàng ngày, cũng được Viettel làm chủ về công nghệ và “xuất khẩu” đến 10 quốc gia ở 3 châu lục.

Nhìn vào những dấu mốc tiên phong về công nghệ cao, hạ tầng số, viễn thông của Viettel, ít ai nghĩ rằng 35 năm trước, đây chỉ là công ty xây dựng các công trình cột cao, kéo cáp. “Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, bài học mà các thế hệ Viettel để lại đó là không được ngủ quên trên chiến thắng. Khi thuận lợi, khi thành công, cần đầu tư cho tương lai, liên tục đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập tập đoàn.

Viettel anh 1

Vào năm 1989, Công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco) - tiền thân của Viettel - được thành lập từ 4 nhà máy của Binh chủng Thông tin liên lạc. Những người lính vốn chỉ quen với công việc chuyên môn kỹ thuật, chưa từng lo cơm áo gạo tiền nay phải gánh cùng lúc cả nhiệm vụ tự chủ tiền lương và tự lực sản xuất thiết bị. Để có thể “nuôi thân”, Sigelco làm kéo cáp, dựng cột - công việc gần với chuyên môn nhất.

Nhưng Sigelco chỉ nhận được những công trình phức tạp về địa hình, khó khăn về kỹ thuật, thiếu thốn về tài chính mà không công ty nào nhận. Không một lời kêu ca hay chê việc, Sigelco thực hiện tất cả hợp đồng đến tay.

Dần dần, kinh nghiệm tích lũy qua những công trình “khó nhằn” nhất đã giúp Sigelco trở thành công ty số một trong lĩnh vực xây lắp viễn thông. Các dự án cột cao trọng điểm quốc gia đều do Sigelco xây dựng, đó là tháp truyền hình cao nhất Việt Nam, tuyến viba số đầu tiên dài nhất Việt Nam, đặt nền móng cho việc chuyển đổi từ công nghệ analog sang công nghệ số.

Viettel anh 2

Trong quá trình vươn lên số một của lĩnh vực xây lắp viễn thông, Sigelco nhen nhóm giấc mơ tự xây dựng mạng viễn thông riêng. Trước khi cơ hội đến, Viettel (tên sau đó của Sigelco) mạnh dạn nhận thực hiện xây dựng đường trục cáp quang quân sự đầu tiên của quân đội: Đường trục 1A từ 2 sợi cáp nhàn rỗi trên đường dây 500 KV Bắc - Nam.

Những người lính thực hiện điều đó trong bối cảnh không có kinh nghiệm hay chuyên gia nước ngoài nào tham gia tư vấn. Tự chủ hoàn toàn là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo yếu tố an ninh cho một công trình phục vụ quốc phòng.

Cái khó ở đây là một trục cáp quang cần đến 4 sợi, gồm một sợi thu, một sợi phát và 2 sợi dự phòng (thu và phát). Nhưng Viettel chỉ có 2 sợi, do đó phải dùng một sợi để vừa thu vừa phát, sợi còn lại làm dự phòng. Trong khi đó, quãng đường Bắc - Nam dài hơn 2.300 km, gấp 23 lần quãng đường dài nhất mà công nghệ thu phát trên một sợi quang từng được triển khai trên thế giới khi đó.

Viettel anh 3

2 năm sau, kỳ tích được xác lập. Từ công ty vô danh, chưa từng làm dự án công nghệ lớn nào, Viettel đã có một dự án nổi tiếng thế giới nhờ tinh thần sẵn sàng làm việc mới, việc khó để đem lại lợi ích cho đất nước. Kỳ tích đầu tiên đã chứng minh tinh thần của Viettel từ ngày khởi nghiệp: Không bao giờ dừng lại trên hành trình tìm kiếm nhiệm vụ mới.

“Dự án đường trục cáp quang 1A tạo nên một thế hệ người Viettel có tinh thần tự lực. Tất cả việc Viettel làm chưa bao giờ thiếu tinh thần tự lực”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel và là một trong những nhân sự chủ chốt về kỹ thuật trong dự án 1A, kể lại.

Viettel anh 4

Với tinh thần ấy, Viettel tiếp tục tạo nên bước ngoặt của viễn thông Việt Nam với dịch vụ VoIP 178 ra đời năm 2000, trở thành ứng dụng OTT đầu tiên ở Việt Nam. Triển khai VoIP 178 không dễ, thậm chí rất khó khi ở thế phụ thuộc hạ tầng. Nhưng chính vị trí bị dồn ép ấy lại khiến Viettel quyết tâm có một mạng viễn thông riêng và triển khai thành công VoIP 178, xác lập tiêu chuẩn mới về viễn thông, đưa giá dịch vụ điện thoại đường dài về giá rẻ chưa từng có, chỉ bằng 25% so với trước đó.

“Làm sao để Việt Nam có thể đưa những công nghệ, những dịch vụ mới nhất về viễn thông trên thế giới về Việt Nam vì chúng ta thua kém quá xa. Làm sao để mở cửa được thị trường? Thì Viettel chính là đội quân tiên phong làm vậy”, ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nhận xét.

VoIP 178 đem lại cho Viettel số vốn khoảng 10 triệu USD, tạo đòn bẩy để lãnh đạo Viettel nghĩ xa hơn: Bước chân vào thị trường dịch vụ di động, khi đó là sân chơi của số ít doanh nghiệp. Có một câu chuyện giản đơn nhưng có thể nói rõ ràng nhất thành tựu của cuộc cách mạng di động mà Viettel đã tạo nên. Đó là chia sẻ của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, lúc đó đang làm đặc phái viên của Thủ tướng: “Tôi đi qua An Giang, thấy một thằng bé chăn trâu cầm điện thoại gọi di động. Thế là nó thay cái bức ảnh chú bé thổi sáo rồi đấy. Tôi mừng cho ông”.

Cuộc sống của cậu bé chăn trâu cũng như hàng chục triệu người dân Việt Nam đã thay đổi nhờ mạng di động Viettel. Di động ở Việt Nam là sân chơi của số ít doanh nghiệp khi đó là do đòi hỏi rất lớn về vốn và hạ tầng. Số vốn Viettel có trong tay khi đó chỉ đủ cho 150 trạm thu phát, phủ sóng 3 thành phố.

Với cách làm sáng tạo, tận dụng bối cảnh của thị trường thiết bị 2G trên thế giới, Viettel tìm ra chiến lược mua trả chậm để có đủ 5.000 trạm thu phát, phủ sóng tràn ngập lãnh thổ. Viettel cũng triển khai ý tưởng thiết kế mạng viễn thông chưa từng có ở Việt Nam, “chia ô” bản đồ lãnh thổ để đặt trạm, mỗi khu vực sử dụng một kiểu thiết kế trạm.

Ngày 15/10/2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động với đầu số 098. Trong vòng 2 năm, Viettel có trong tay 5.000 trạm phát sóng, lớn hơn tổng số trạm công ty khác đã triển khai trong 10 năm trước đó.

Từ chỗ là công ty đi sau, phải tìm cách làm khác đi để bắt kịp các công ty viễn thông lớn trong nước khi bắt đầu kinh doanh, đến thế hệ di động mới 5G Viettel đã giữ vị trí người tiên phong. Vào năm 2019, Viettel thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. Cuộc gọi thực hiện trên mạng lưới thật, thay vì trên thiết bị demo hay trong phòng lab, đã gây tiếng vang lớn với cộng đồng trong và ngoài nước, trở thành niềm tự hào của Viettel.

Viettel anh 5

Trước đây, với công nghệ 2G, 3G, 4G, Việt Nam đều triển khai muộn hơn so với thế giới từ 8 đến 12 năm. Nhưng với 5G, công nghệ mới nhất và có thể trở thành nhân tố nền tảng cho xã hội số, Việt Nam lại song hành cùng thế giới. Thậm chí, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm thành công 5G sớm nhất.

Đến nay, dịch vụ 5G Viettel đã được triển khai thử nghiệm khoảng 500 trạm tại 63 tỉnh, thành phố và sẵn sàng triển khai diện rộng trong năm 2024 với “băng tần vàng” - băng tần tối ưu cho 5G mà Viettel đã đấu giá thành công vào tháng 3. Tại nước ngoài, đến hết năm 2023, Viettel đã có 4 công ty thị trường thử nghiệm thành công 5G là Mytel, Metfone, Bitel và Telemor.

Viettel anh 6

Ngay từ năm 2006, giữa lúc thị trường trong nước với 90 triệu dân vẫn còn nhiều dư địa, Viettel lại tự chọn việc khó chưa từng có tiền lệ: Đầu tư ra nước ngoài. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Sân nhà còn chưa vững, kinh doanh còn đang gánh khoản nợ trả chậm dựng mạng lưới, nhân sự mới tập làm kinh doanh… sao đi ra thị trường nước ngoài với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý?

“Tầm nhìn của Viettel là phải nằm trong top 10 nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới. Nếu không đầu tư ra nước ngoài, chỉ với thị trường Việt Nam, không thể đạt được điều đó”,Trung tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, người đứng sau các quyết định đầu tiên của Viettel về đầu tư nước ngoài, khẳng định.

Vươn tầm thế giới là giấc mơ không chỉ của Viettel, nhưng trong lĩnh vực viễn thông, Viettel chính là người tiên phong hiện thực hóa mơ ước ấy.

Viettel anh 7

Từ láng giềng Campuchia, Lào rồi bước sang Haiti, Mozambique, Timor Leste, Brundi, Tazania, Peru và gần nhất là Myamar. Viettel lần lượt bước chân vào các quốc gia châu Á, châu Mỹ La tinh đến châu Phi cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ trên thị trường viễn thông thế giới.

Viettel đã gặp rất nhiều khó khăn, từ giấy phép, nhân sự, sự khác biệt về văn hoá… đến các biến động chính trị và bài toán giá cước khi các nước đầu tư (trừ Peru) đều là nước nghèo.

Tại Haiti, ngay trước ngày ký hợp đồng liên doanh, đất nước này trải qua trận động đất chưa từng có trong suốt lịch sử nhân loại, khiến hàng trăm nghìn người chết và hơn 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Trong khi các nhà mạng khác rút lui khỏi đống đổ nát, Viettel vẫn tiếp tục đầu tư, thực hiện lời hứa “công nghệ từ trái tim” để cùng khôi phục quốc gia này. Chính tinh thần, kỷ luật, ý chí quyết tâm của người lính đã khiến Viettel không lùi bước.

Cùng với chiến lược hợp lý và sự chân thành mong muốn mang công nghệ đến giải quyết bài toán của nước bạn, Viettel đã liên tiếp tạo nên kỳ tích ở các quốc gia đến đầu tư. Đến nay, các thương hiệu quốc tế của Viettel đã giữ vị trí số một ở 7/10 thị trường và tiếp tục với ước mơ xây dựng cuộc sống số ở những vùng đất này.

Luôn tìm hướng đi mới, cách làm mới và đặt mục tiêu cao, Viettel trong 35 năm qua đã đạt lũy kế tổng doanh thu hợp nhất trên 2,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 540 nghìn tỷ đồng. Viettel luôn là doanh nghiệp hàng đầu trong đóng góp cho ngân sách nhà nước, lũy kế đến nay đạt hơn 433 nghìn tỷ đồng, được đánh giá là một trong những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả nhất.

"Ở giai đoạn phát triển hiện nay, Viettel đặt ra nhiệm vụ tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, phổ cập công nghệ và dịch vụ số tại Việt Nam cũng như các quốc gia mà tập đoàn đầu tư, trở thành hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng nói.

Nhiệm vụ này thể hiện không chỉ qua câu chuyện người dân ở một huyện miền núi thanh toán hóa đơn bằng Viettel Money, mà còn qua các giải pháp trung tâm điều hành thông minh có mặt ở 35 tỉnh thành, trợ lý ảo AI trong hệ thống toà án, nền tảng học tập, khám chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển… Một cuộc sống số đã hình thành rõ nét ở quốc gia có GDP (PPP) đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Viettel anh 8

Trong khi đó, những thiết bị 5G “Made in Vietnam” - sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất - cũng đi ra khỏi biên giới, phân phối tại các quốc gia xa xôi. Đầu năm 2024, Viettel khiến thế giới bất ngờ khi công bố bảng mạch và chip 5G tại triển lãm công nghệ di động lớn nhất thế giới (MWC). Đến nay, Viettel là nhà mạng duy nhất trên thế giới sản xuất được thiết bị viễn thông, và Việt Nam trở thành một trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G.

Cũng không ít người biết rằng, Viettel khởi sự nghiên cứu thiết bị thông tin quân sự từ năm 2017 để hiện tại đã có hơn 60 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo mô hình tác chiến hiện đại nhất trên thế giới.

Đang là công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, nhiều người thắc mắc phải chăng vì “thừa tiền” mà Viettel bước chân vào lĩnh vực rất khó như công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao? Quả thực, có nguồn lực tài chính là điều kiện cần, nhưng thực tế, khát vọng làm chủ công nghệ, sản xuất công nghiệp - xương sống của nền kinh tế tự cường - là nỗi niềm của Viettel từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Viettel anh 9

“Tại Viettel, khát vọng không bao giờ dừng lại. Chúng tôi mạnh dạn tuyên bố Viettel sẽ là một tập đoàn công nghệ vươn ra toàn cầu, song hành cùng thế giới để đưa các công nghệ mới lan tỏa đến mọi ngõ ngách, mọi người dân đều không có khoảng cách về công nghệ. Viettel trân trọng những gì đang được hưởng ngày hôm nay, đồng thời cũng phải nhận lấy trách nhiệm vun trồng, chăm bón, tiếp tục gieo mầm cho Viettel ngày mai”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho biết.

Với mạng lưới cáp quang khắp thế giới có chiều dài 9 vòng trái đất, 70.000 trạm viễn thông, hệ thống trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam và những tiền đề quan trọng về nhân sự, kinh nghiệm, nền tảng công nghệ được đặt nền móng từ các giai đoạn trước, Viettel tự tin trong vai trò tiên phong và chủ lực xây dựng nền tảng số quốc gia. Tất cả thành quả hiện tại đến từ tầm nhìn xa và khát vọng không ngừng nghỉ trong hơn 3 thập kỷ.

“Từ một doanh nghiệp rất nhỏ, với khát vọng, niềm tin, tinh thần dám nhận những việc không tưởng, Viettel trở thành một tập đoàn lớn, mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ vào ngân sách nhà nước. Đây là câu chuyện gây cảm hứng cho rất nhiều người, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ số để nhận cho mình một sứ mệnh quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người gắn bó với Viettel từ những ngày đầu tiên, nói.

Lan Minh

Bạn có thể quan tâm