Ông Ba Quốc - thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức. Ảnh tư liệu. |
Trong lịch sử quân sự Việt Nam, có những vị tướng tình báo đã trở thành huyền thoại bởi những đóng góp to lớn cho cuộc chiến, những điệp vụ âm thầm mà gay cấn trong suốt những cuộc chiến, và đặc biệt là những bí ẩn mà hầu như những người tình báo chỉ giữ cho riêng mình.
Chia sẻ trong buổi giao lưu về cuốn sách Ông tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng chiều ngày 17/6 tại Đường sách TP.HCM, nhà báo, tác giả Hoàng Hải Vân cho biết để có thể vén bức màn bí ẩn về cuộc đời vị tướng tình báo Ba Quốc vào 20 năm trước là chuyện không hề dễ dàng. Thậm chí, ông từng suýt phải cải chính vì những thông tin được công bố nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết mọi người.
Vị tướng tình báo không kể về mình
Theo nhà báo Hoàng Hải Vân, người từng tiếp xúc với những nhà tình báo lớn của Việt Nam như điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo… cho đến thời điểm loạt ký sự về ông Ba Quốc được đăng trên báo Thanh Niên năm 2004, tên của vị lão tướng này chưa hề xuất hiện trên sách báo và các phương tiện truyền thông, trong cũng như ngoài nước, dù ông đã có nhiều công lao lớn trong 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Nhà báo Hoàng Hải Vân kể về những kỷ niệm với nhà tình báo Ba Quốc. Ảnh: Thanh Trần. |
Trong hơn 20 năm hoạt động “trong lòng” địch, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo.
Ông cũng là một trong những vị tướng tình báo bí ẩn nhất, không chỉ với công chúng mà còn với cả lực lượng vũ trang và lãnh đạo đất nước. Rất ít người biết về những chiến công lẫy lừng của ông, trừ những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo cùng một số ít vị lãnh đạo cấp cao trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng và an ninh quốc gia.
Bản thân nhà báo Hoàng Hải Vân cũng chỉ biết đến cái tên Ba Quốc sau khi thực hiện loạt bài về điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Và phải đến khi có được sự “bảo lãnh” của người học trò thân thiết của ông là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhà báo mới có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời còn nhiều bí ẩn của vị tướng này.
“Những nhà tình báo có thể nói rất chính xác về những việc đã xảy ra, nhưng lại rất ít nói về bản thân. Cho nên muốn biết về họ rất khó, tôi phải tìm hiểu qua người khác”, nhà báo Hoàng Hải Vân kể lại.
Tuy vậy, đây cũng là điều khiến ông ngưỡng mộ nhân vật của mình. Ông nhận thấy ở người tình báo “hiền như bụt” ấy lòng yêu nước vô bờ bến và tài năng bẩm sinh. Qua những tài liệu được công bố, những câu chuyện kể, ta dần biết được nhà tình báo Ba Quốc đã thực hiện nhiều điệp vụ nguy hiểm phục vụ đắc lực cho kháng chiến, góp phần giảm thiểu xương máu cho chiến tranh. Ông đã cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát, cứu người đồng chí Nguyễn Văn Linh và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi cuộc truy bắt của cơ quan mật vụ chính quyền Sài Gòn…
“Nhưng ông Ba Quốc không báo với ai cả, ông không bao giờ kể công, ngay cả sau này khi ông Nguyễn Văn Linh đã làm Tổng bí thư Đảng. Nếu Nguyễn Văn Linh biết ai cứu mình thì ông Ba Quốc đã bị lộ rồi. Tôi phải truy ra thì ông Ba Quốc mới nói, việc này sau đó đã được khẳng định trong hồ sơ là sự thật”, nhà báo Hoàng Hải Vân nhớ lại.
Tác phẩm Ông tướng tình báo bí ẩn và điệp vụ siêu hạng. Ảnh: Thanh Trần. |
Sức hấp dẫn của những câu chuyện lịch sử
Với văn phong báo chí đầy kịch tích và cách dẫn chuyện tài tình khéo léo, Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng cho thấy khả năng lôi cuốn bạn đọc ngay từ những trang sách đầu tiên, thông qua từng câu chuyện tình báo hấp dẫn trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt.
Cũng trong khuôn khổ của "Tuần lễ sách của người làm báo" (17/6-22/6) tại Đường sách TP.HCM, nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ một góc nhìn về những người làm báo viết sách. Theo ông, trừ khi viết tiểu thuyết, người làm báo cần phải viết đúng sự thật.
Ông cũng cho rằng những câu chuyện lịch sử của Việt Nam không hề kén người đọc. “Sách lịch sử viết thành những câu chuyện bao giờ cũng hấp dẫn. Hấp dẫn nhất là dạng thực lục, tức là câu chuyện hàng ngày, tuy vậy, những câu chuyện thực lực trong lịch sử Việt Nam không được phổ cập, rất ít”, ông tâm sự.
Bên cạnh câu chuyện về những chiến công, những điệp vụ đầy gay cấn, nhà báo Hoàng Hải Vân còn khai thác những câu chuyện đời thường với tình cảm gia đình, vợ chồng, đồng đội, thầy trò… của nhà tình báo Ba Quốc.
Nói về câu chuyện của ông Ba Quốc cùng hai người vợ, nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết thêm: “Đó là một mối quan hệ rất nhạy cảm, nhưng trên thực tế tôi gặp gia đình lại rất hài hòa. Cả hai người vợ đều biết nhau và khi nghe những người con nói về nhau, tôi thấy được sự chân thành ở họ. Ngành tình báo rất độc đáo và không có gì giả dối trong đó”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.