Nói đến lịch sử, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới các công trình nghiên cứu đồ sộ của những nhà sử học hay những cuốn sách giáo khoa dày đặc sự kiện, ngày tháng mà lớp trẻ đa phần sợ hãi khi phải ghi nhớ. Đương nhiên cũng không thể phủ nhận rằng, giữa xu thế “sợ sử”, vẫn có những tên tuổi, ấn phẩm khoác lên mình diện mạo trẻ trung, tươi mới.
Những năm gần đây, người trẻ kể sử đang tạo nên một “hot trend”. Độc giả hẳn còn nhớ tới cô gái 9X học ngành Y dược đam mê viết truyện lịch sử Mai Hoàng Yến hay anh chàng Phạm Vĩnh Lộc viết sử “rất teen”. Những câu chuyện họ viết thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội.
Cùng mang trong mình khát khao muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa dân tộc, Trần Tuyết Hàn (24 tuổi) cho ra mắt cuốn artbook Hành trình Đông A. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành.
Cuốn artbook Hành trình Đông A với 72 trang được thiết kế công phu, tỉ mỉ. Ảnh: H.T. |
Hành trình ngược dòng lịch sử của Đông A
Điểm thú vị trước hết của cuốn sách là ý tưởng người viết hóa thân vào nhân vật chính trong câu chuyện, lấy tên là Trần Đông A. Ngay mở đầu, tác giả giải thích theo lối chiết tự, rằng chữ “Trần” còn được gọi ẩn dụ là “Đông A”. Tên nhân vật chính trong truyện ra đời cũng vì lẽ đó.
Thời điểm bắt đầu diễn ra câu chuyện là khoảnh khắc giao thừa. Trong bầu không khí linh thiêng trước thềm năm mới, cô bé Đông A được ông nội gọi đến và cho biết mình là hậu duệ đời thứ 40 của Trần tộc. Sau đó, ông trao cho cô sợi dây chuyền - một bảo vật trân quý của dòng dõi Đông A.
Đây cũng là nút thắt tạo nên tình tiết lôi cuốn trong truyện. Ngày cả gia đình đi khai ấn đền Trần (Nam Định), bảo vật ấy thức tỉnh, tích tắc đồng hồ như lộn ngược, đưa cô trở về thời đại nhà Trần gần tám thế kỷ trước.
Oanh liệt và rực rỡ, đó là điều mà độc giả cảm nhận được khi đồng hành cùng nhân vật trên đường khám phá từng sự kiện thời chống quân Nguyên Mông. Thú vị hơn, các dấu mốc ấy diễn ra theo đúng trình tự của lịch sử dân tộc.
Phải là người đam mê sử học, tác giả Trần Tuyết Hàn mới có thể dụng công xây dựng nên một câu chuyện li kì, hấp dẫn nhưng vẫn không quên đảm bảo tính chính xác.
Giữa làn sóng nhấp nhô mờ ảo, một cô gái trẻ tháo mũ Bình Thiên đang đội trên đầu, trao cho một chàng trai trạc tuổi. Cô gái đó không ai khác chính là Lý Chiêu Hoàng, đang nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh, đánh dấu sự ra đời của triều đại này.
Đó là cách nhân vật Đông A đưa người đọc “nhập cuộc”. Lịch sử thời Trần cứ thế hiện lên, không nặng nề về ngày tháng hay số liệu, nhưng đan cài giữa yếu tố chân thực và huyền ảo, không thôi hấp dẫn người đọc.
Độc giả có dịp được đắm mình vào một thời đại từ khi khai sinh, từng trận chiến, đến thời hòa bình, an lạc. Những tên tuổi tiêu biểu (Trần Quốc Toản, Huyền Trân Công chúa, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ...) đều được nhắc đến qua lối kể đầy tình cờ, độc đáo.
Khi lịch sử được kết hợp giữa lời kể và hình ảnh
Hư mà thực, thực mà hư, cuốn sách đem đến cho người đọc nhiều tình tiết đáng nhớ, những nét văn hóa phong tục đặc trưng với những bức tranh minh họa sống động.
Tác giả Trần Tuyết Hàn (sinh năm 1996, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP.HCM năm 2019). Ảnh: NVCC. |
Điểm thú vị đó nằm ở việc tác giả vừa là người đam mê tìm hiểu cội nguồn dòng máu của mình, vừa có khả năng vẽ tranh, đúng như cô chia sẻ: “Ngày thơ ấu, mới biết cầm bút tôi thích vẽ, sau này học văn tôi lại thích viết”.
Cứ thế, từ nhân vật, hành động, đến không gian xảy ra sự kiện, đều được khắc họa bằng những nét vẽ có hồn.
Giữa luồng chảy cuồn cuộn của dòng thác lịch sử, cô bé Đông A luôn là tâm điểm chính trong chuyến chu du xuyên thời gian. Tác giả khéo léo vẽ hình ảnh đàn cá bơi lội, quẫy nước khi viết đến đoạn các trận đấu lớn. Cách thể hiện đó phần nào giúp che đi khung cảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh đất, giành quyền giữa giặc Nguyên Mông và quân dân Đại Việt.
Bằng cách đó, những họa tiết vui tươi khi Trần Tuyết Hàn viết về chiến thắng của nhà Trần cũng giúp người đọc cảm nhận được niềm hân hoan, tự hào.
Không chỉ đưa chúng ta trở về với những dấu mốc quan trọng, tác phẩm còn vẽ nên khung cảnh yên bình. Những bức họa như biết tạo âm thanh, lúc mênh mông như tiếng sóng nước, khi lại nhường chỗ cho giai điệu êm ả, ngọt ngào.
Hành trình Đông A là cuộc chu du với những xúc cảm đầy mới mẻ. Nhân vật quay trở lại thế giới hiện tại bằng cách nào cũng là chi tiết đắt giá, gây tò mò và để lại nhiều dư vị cho người đọc.
Biết ơn những gì tổ tiên đã trao gửi, đánh thức tình yêu sử ở giới trẻ là bài học chính mà cuốn sách mang lại. Tiếng lách cách khung cửi, rì rì se sợi, tiếng chày nhịp nhàng giã dó vẫn đâu đó thoảng qua trước mắt, bên tai, quanh hơi thở của cuộc sống hòa bình, ấm no đang lan tỏa trên đất nước Đại Việt.