"Con là Trần Nhật Tuấn, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự phường An Lạc A, đại diện phường xin phép đưa các cô, các bác về với gia đình", anh Tuấn nói rồi cùng các đồng đội nâng nén nhang, cúi đầu xá 3 lần trước bàn thờ tại Nhà tang lễ TP.HCM.
Sau lời thưa gửi với người đã khuất, anh chỉ đạo 2 người lính dân quân đi vòng ra phía sau bàn thờ, nơi đặt 10 hũ tro cốt của những F0 tử vong có địa chỉ tại quận Bình Tân.
Họ cẩn thận nhấc lên 2 hộp tro cốt của 2 người dân phường An Lạc A rồi xếp hàng đi thẳng ra phía chiếc xe bán tải đang đỗ ở sân nhà tang lễ.
"Chuyển bao nhiêu hũ thì cần bấy nhiêu người. Chúng tôi ôm các cô các bác cho đến khi trao tận tay người nhà, không đặt xuống một mặt nền nào hết", vị lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự phường chia sẻ.
"Từ 50 đến 70"
Bộ tư lệnh TP.HCM bắt đầu thiết lập điểm tập kết tro cốt bệnh nhân Covid-19 tại Nhà tang lễ TP.HCM từ sáng 7/8. Họ kê hàng chục chiếc bàn tròn có dán tên từng quận huyện để xếp đặt tro cốt. Có những quận phải dùng tới 2 chiếc bàn vì số tro cốt chuyển về nhiều.
Khi số lượng bệnh nhân Covid-19 trở nặng gia tăng, xu hướng tử vong nhắm vào nhóm người cao tuổi đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Các dân quân tự vệ của phường thắp hương trước khi đưa tro cốt F0 về gia đình. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trong số cả trăm hũ tro cốt tập kết tại một gian phòng, người ta thấy hũ tro cốt chủ yếu rơi vào các thập niên 50, 60 và 70. Lác đác một số ca bệnh tử vong là những người trẻ.
Sau khi người thân mất, nhiều người đến tận Nhà tang lễ để hỏi thông tin.
"Chúng tôi coi tro cốt của đồng bào như của người thân trong gia đình mình. Hương khói được thắp thường xuyên để giữ cho nơi đây được ấm cúng".
Đại úy Sử Tấn Phi Long.
Đại úy Sử Tấn Phi Long, Chính trị viên Đại đội trinh sát đặc nhiệm, Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP.HCM, nhiều lần phải giải thích. Anh động viên họ không cần đến nhà tang lễ vì ban chỉ huy quân sự của các địa phương đã có quy trình vận chuyển tro cốt về trao tận tay thân nhân.
"Chúng tôi coi tro cốt của đồng bào như của người thân trong gia đình mình. Hương khói được thắp thường xuyên để giữ cho nơi đây được ấm cúng", đại úy Long chia sẻ.
Trong một nỗ lực để giúp đồng đội yên tâm chống dịch, những người lính trực tại nhà tang lễ cũng lần tìm các hũ tro của cha, mẹ đồng đội và chụp ảnh gửi về cho họ.
"Mẹ này, ba này, chị ruột này...", thiếu tá Trần Đình Lộc, cán bộ Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân, giơ ngón tay lần đếm các trường hợp đồng đội của mình có người thân mất vì Covid-19. Riêng ở Ban chỉ huy quân sự quận, 4 quân nhân đã bị dịch bệnh cướp mất người thân. Đến nay họ vẫn đang bám các chốt chống dịch, không thể về nhà.
Đón ba về trong đêm
Chị Hồng thò tay qua khe cửa nhà, loay hoay gỡ sợi dây phong tỏa bị buộc thắt nút tại một nan cửa. Thông thường, dây được chăng ở đầu hẻm của vùng phong tỏa. Nhưng với các "gia đình F0" như nhà chị, dây được chăng sát cửa nhà.
Sáng 8/8, người thân đã đến Nhà tang lễ TP 2 lần nhưng không nhận được tro cốt của ba chị. Ngay trong đêm, chị bất ngờ khi thấy di cốt của ông được các dân quân tự vệ đưa về tận nhà.
Hầu hết người thân của F0 tử vong vẫn đang ở trong những khu vực bị phong tỏa. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Ba em nằm trong viện mười mấy ngày, người ta nói ba bị nặng lắm nên em cũng chuẩn bị tinh thần trước", chị Hồng chia sẻ.
Ngày 5/8, ba của Hồng mất tại khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện 175. Một ngày sau, ông được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Tối 8/8, hũ tro cốt về đến tay người thân.
Thấy di cốt của người nhà không được tôn trọng thì họ cũng buồn lắm. Nên bọn em phải ráng.
Chỉ huy phó Trần Nhật Tuấn.
Suốt hành trình từ nhà tang lễ về đến gia đình, hũ tro cốt vẫn yên vị trên đôi bàn tay của chiến sĩ dân quân tự vệ. Chỉ huy phó Trần Nhật Tuấn lặp đi lặp lại câu nói: "Thấy di cốt của người nhà không được tôn trọng thì họ cũng buồn lắm. Nên tụi tôi phải ráng".
Anh Tuấn và người đồng nghiệp ôm hũ di cốt bước vào nhà. Họ lách qua một chiếc xích lô cũ kỹ, thứ đã gắn bó với người quá cố lúc sinh thời. Hai người nhích từng bước chậm rãi lên chiếc cầu thang hẹp dẫn thẳng lên lầu 3. Ở đó, bà quả phụ đã đứng chờ sẵn bên chiếc bàn thờ mới lập.
Anh Tuấn trao lại hũ tro cốt của bệnh nhân Covid-19 cho gia đình. Ảnh: Ngọc Tân. |
Sau khi thắp nén hương cho người đã khuất, anh Tuấn gửi lời chia buồn tới gia đình và chào tạm biệt. Chị Hồng nhặt sợi dây phong tỏa lên và chằng lại trước cửa nhà.
Trong hành trình vận chuyển hũ tro cốt còn lại, những người lính không bước vào nhà theo phong tục của gia đình. Người đàn ông gốc Hoa đón lấy hũ tro cốt từ cửa rồi hơ nhiều lần trên đống lửa vàng mã. Gia đình anh đã có 3 người mất vì Covid-19, đến nay mới nhận được tro cốt của người đầu tiên.
Sau khi ký vào tờ biên nhận tro cốt, đại diện gia đình lận một chiếc phong bì xuống dưới tờ giấy và gửi lại cho 3 người lính dân quân.
Anh Tuấn đẩy chiếc phong bì trở lại, giải thích cho gia đình rõ rằng đây là trách nhiệm của quân đội và chính quyền với người dân. Nó hoàn toàn miễn phí.
"Dân quân tự vệ được tuyển từ con em của địa phương, mình đưa tro cốt về cho người dân của phường cũng như là cho bà con hàng xóm của mình", anh Tuấn chia sẻ.
Một hẻm "vùng xanh" nằm đối diện khu phố có người mất vì Covid-19. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đêm xuống, họ rời khu phố có những con hẻm đa sắc màu. Bên này là cửa nhà tang gia chằng chịt dây phong tỏa, bên kia lại có một tấm biển ghi "Chốt bảo vệ vùng xanh".
Hai tháng kể từ khi quận Bình Tân trở thành nơi nóng bỏng nhất trên bản đồ Covid-19 của TP.HCM, lực lượng chống dịch của địa phương vẫn gắng gượng giành giật từng nóc nhà, góc phố. Có con hẻm cụt 5, 7 hộ dân cũng được khoanh lại thành một chốt vùng xanh.
"Thời gian đầu tan tác vì F0 khắp nơi, giờ ở đây hình thái đan xen giữa vùng xanh và vùng phong tỏa, chỗ nào an toàn là khoanh lại liền", anh Tuấn chia sẻ.