Chiếc taxi màu xanh lá cây dừng tại một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Nghi (Gò Vấp) rồi lao thẳng vào theo hướng chỉ tay vội vã của người bảo vệ dân phố. Tài xế cụp gương, nhấn ga luồn sâu vào trong cả trăm mét.
Đến một ngách hẹp không thể tiến thêm, cửa xe mở. Hai nhân viên y tế vác theo bình oxy chạy vào trong để tìm nhà bệnh nhân.
"Vô trong rồi lên lầu!", một nhân viên của tổ Covid-19 cộng đồng dẫn các nhân viên y tế bước vào căn nhà lụp xụp. Họ băng qua gian phòng tối, nơi có những thành viên khác của gia đình đang nằm và sợ hãi.
Leo lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, nhân viên y tế gặp bệnh nhân đang nằm giữa sàn nhà. Bác sĩ Tuyết tròng vào mặt anh ta chiếc mặt nạ oxy và bắt đầu tìm mạch nơi cổ tay.
SpO2 bao nhiêu rồi?
- 45%.
- Có đo được mạch không?
- Không thấy.
- Ép tim đi.
Bác sĩ Tuyết chỉ đạo một nam đồng nghiệp ép lồng ngực để hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân, trong khi chị gọi điện xin một chuyến xe cấp cứu chuyên dụng. Ca F0 này đã hôn mê và suy hô hấp nặng, không thể chuyển đi bằng taxi được nữa.
Có một khoảng thời gian dài, trong căn phòng chỉ còn tiếng thở dốc của vị bác sĩ đang ép lồng ngực cho bệnh nhân. Anh kiệt sức, một người khác lại vào thay thế. Họ gọi tên người bệnh và nài nỉ anh tỉnh lại.
"Lên tim rồi, lên tim rồi", bác sĩ Tuyết reo lên khi nhìn vào chiếc máy đo nhịp tim và huyết áp. Tại đầu ngón tay của bệnh nhân, máy đo nồng độ oxy nhích lên 65%.
Các nhân viên y tế chuyển sang phần việc khó khăn thứ hai. Họ kiếm một tấm chăn để bó quanh người bệnh và tìm cách khiêng cơ thể hơn 90 kg của anh ấy xuống chiếc cầu thang gỗ dốc đứng chỉ vừa một người đi.
Cách một vách buồng, vợ của bệnh nhân đang ngồi khóc. Chị rối trí đến mức không đáp lời khi nhân viên y tế gọi tìm người nhà. Căn nhà chật chội có 5 hộ sống chung, nhiều người đã xét nghiệm nhanh dương tính với nCoV. Họ sợ hãi, náu mình trong các căn buồng và im lặng khi nhân viên y tế yêu cầu giúp khiêng bệnh nhân xuống tầng dưới.
Nơi chiếc taxi dừng bánh, tài xế Hoàng Đức Lương ngồi chờ trước vô lăng. Khi thấy một chiếc xe cứu thương tiến vào hẻm, cậu biết tình trạng bệnh nhân đã nặng đến nỗi không thể vận chuyển được bằng taxi của mình...
Trong một tháng đầu tiên dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, Lương biết về Covid-19 chủ yếu qua những tổn thất mà nó gây ra cho cậu và các đồng nghiệp. 21/6 trở thành ngày mà cánh tài xế taxi ở Sài Gòn đều nhớ: Ngày tất cả taxi phải dừng hoạt động. Hàng nghìn chiếc xe được đưa về bãi và chừng ấy tài xế bắt đầu thất nghiệp.
"Hôm đó rất là buồn", nam tài xế nhớ lại. Cậu đánh chiếc Toyota Innova trả góp của mình về căn nhà trọ và bắt đầu nghĩ xem những ngày tới sẽ mưu sinh thế nào.
Khoảng một tháng sau, Lương và nhiều tài xế khác được hãng xe gọi đến tập trung tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Chiếc xe của cậu được lắp hai bình oxy y tế ở ghế cuối. Vách kính ngăn giữa ghế lái và khoang sau vốn có một lỗ hở để khách trả tiền xe, nay được bịt kín lại.
Người quản lý nói cậu sẽ đến trực ở các trạm y tế và phục vụ các bệnh nhân bị sốc phản vệ khi tiêm vaccine. Cậu nhận lời nhưng không biết rằng chiếc xe của mình sẽ chở miễn phí cho các F0 đi cấp cứu.
Ngày 28/7, Lương chở theo hai nhân viên y tế về Phòng khám đa khoa Nguyễn Thái Sơn (trực thuộc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp).
"Trên xe có 2 bác sĩ, chị Tuyết ở Bệnh viện Nhân dân 115 và người kia ở Bệnh viện Mắt TP.HCM. Họ hỏi tôi chưa chuẩn bị tư trang à? Lúc đó tôi mới biết chúng tôi là một đội, sẽ trực 24/24 ở phòng khám đó để chở bệnh nhân F0 đi cấp cứu", tài xế Lương kể.
Từ chỗ bị dịch bệnh cướp mất kế sinh nhai, Lương bước vào một trải nghiệm mới, nơi cậu chứng kiến dịch bệnh lấy đi cả sức khỏe và tính mạng của nhiều người khác. Khi chuông điện thoại reo lên, nam tài xế và các bác sĩ vội vã mặc đồ bảo hộ rồi lao đến ngõ hẻm có F0 trở nặng. Trên xe không gắn còi hụ nên hành trình cấp cứu của họ diễn ra lặng lẽ.
"Một hai hôm đầu cũng hơi sợ, nhưng thấy nhiều ca nguy kịch nếu mình không tới kịp thì họ khó qua khỏi", nam tài xế chia sẻ. Dù nhập cuộc một cách bị động, chàng trai trẻ quyết định gom hết nhiệt huyết của mình cho những chuyến xe đi cứu F0.
Chia sẻ với phóng viên Zing, đại diện hãng taxi Mai Linh cho biết hãng đã bàn giao 200 chiếc xe kèm tài xế cho Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM để phục vụ vận chuyển bệnh nhân F0. 40 chiếc trong số đó đã được lắp bình oxy, kit test nhanh và máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2).
"Taxi cấp cứu sẽ vận chuyển những bệnh nhân nhẹ, còn các đội xe cấp cứu chuyên dụng ở đây là đội 'chiến trường', chuyên đón bệnh nhân nặng và nguy kịch", bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, phác họa nhanh hệ thống cấp cứu F0 trên chiếc bảng trắng đặt bên trong Nhà thi đấu Phú Thọ.
Lãnh đạo trung tâm cho biết hiện nay hệ thống vận chuyển bệnh nhân dưới sự điều phối của 115 TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện.
Phía sau lưng ông, một trạm cứu thương dã chiến đã được thiết lập với 20 chiếc xe cấp cứu chuyên dụng và khoảng 40 nhân viên túc trực. Đây là trạm chính của lực lượng 115 TP.HCM. 4 trạm còn lại được đặt ở TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Bình Chánh.
Tiếng chuông báo động vang lên khắp phòng. Bác sĩ trưởng kíp Vương Dũng Kiệt bước ra khỏi buồng trực, cầm một mảnh giấy ghi thông tin về ca F0 đang hôn mê ở chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10).
Cùng lúc đó, tài xế Cương bật dậy khỏi chiếc ghế bố. Anh và 2 người khác mặc đồ bảo hộ trong lúc một nhân viên hậu cần bắt đầu đi phát cơm trưa.
Anh Cương là giảng viên đại học, kiêm giám đốc dự án cho một công ty nước ngoài. Khi thành phố bước vào "thời chiến", năng lực cống hiến của anh chỉ đơn giản là thuộc đường và biết lái xe hơi.
"Bác Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy, có gửi một cái công văn kêu gọi tình nguyện, trong đó có việc lái xe nên mình tham gia. Bạn khác có chuyên môn về văn phòng thì tham gia trực tổng đài, nhập liệu...", nam tài xế chia sẻ.
Một người đi cùng tên Duy cũng chỉ hơn tài xế Cương chút ít kiến thức khi anh là nhân viên giám định thương tích của một trung tâm y tế cấp quận. Trên chuyến xe đi cấp cứu F0 đang hôn mê, chỉ có điều dưỡng Thuận là "lính thiện chiến" thuộc biên chế của Trung tâm 115 TP.HCM.
Tài xế Cương ngồi đợi trên xe, trong lúc Thuận và Duy bước lên cầu thang của một khu nhà tập thể cũ kỹ nằm trong vùng phong tỏa. Họ đến một căn hộ chật chội với 6 thành viên đều đã xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
"Mọi người đã phát triệu chứng và đều vượt qua được, chỉ có ba em...", con gái của bệnh nhân nghẹn ngào nói.
Ở giữa sàn nhà, ông lão 71 tuổi đang hôn mê và co giật. Bệnh nhân sốt 40 độ và có bệnh nền huyết áp. Sau khi đo các chỉ số sinh tồn, điều dưỡng Thuận lập tức đặt mặt nạ oxy và truyền dịch cho bệnh nhân.
"Tụi em liên hệ rồi, các bệnh viện đều hết chỗ", điều dưỡng Thuận đáp lời khi người nhà sốt sắng hỏi bệnh nhân sẽ được chuyển đi đâu. Trên tay họ cầm một tờ giấy vở tập ghi kín tên bệnh viện và số điện thoại liên hệ.
Giọt nước nhỏ xuống từ chai dịch truyền gần như cùng một nhịp với những giọt mồ hôi túa ra từ kẽ găng tay của nam điều dưỡng. Anh chạy xuống xe cứu thương và vác thêm một bình oxy nữa lên cho bệnh nhân.
Bằng cách nào đó, khi một nhân viên cấp cứu giúp được bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, họ giành được một sự sống từ tay kẻ thù Covid-19.
Lần này, Thuận và các đồng nghiệp của mình đã làm được. Sau khi truyền xong một chai nước và 2 bình oxy, ông lão 71 tuổi hạ sốt và hồi tỉnh. Các chỉ số sinh tồn nhích dần lên. Những người con có thể đỡ cha ngồi dậy và mớm cho ông vài thìa sữa.
"Cũng muốn đưa chú vào bệnh viện lắm, mà còn có những ca nặng hơn đang chờ nên chúng tôi hướng dẫn người nhà tự chăm sóc", điều dưỡng Thuận vác chiếc bình oxy rỗng rời khỏi nhà bệnh nhân. Một tháng qua, anh giảm 5 kg.
Bước sang tháng thứ 3 đương đầu với dịch bệnh, những "người lính" cấp cứu F0 tại TP.HCM đã được bổ sung quân số, xốc lại đội hình. Tuy nhiên, năng lực tiếp nhận cấp cứu của các bệnh viện vẫn đang là vấn đề lớn.
"Lực lượng cấp cứu đã bị tổn thương, mệt mỏi và kiệt sức", bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh chia sẻ về tình trạng bệnh viện quá tải. Mỗi chuyến cấp cứu phải kéo dài đến 2-3 giờ, thậm chí có chuyến phải chờ đến 7-8 giờ mới đưa được bệnh nhân vào viện.
Lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 nhắc lại lời của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu không bệnh viện nào được từ chối nhận bệnh nhân.
"Anh Phong đã nói rồi, xe đến là bệnh viện phải nhận. Hết giường thì nằm ở đâu là bệnh viện phải sắp xếp. Tiếp nhận xong, cấp cứu xong rồi chuyển đi sau", bác sĩ Chánh nói và bày tỏ hy vọng tình cảnh quá tải nơi nhận bệnh sẽ được cải thiện.
Dĩ nhiên, quy trình mà ông Chánh vạch ra chỉ mang tính tương đối, đôi khi những chuyến taxi cấp cứu bệnh nhân nhẹ của tài xế Lương vẫn phải lao thẳng đến nhà những F0 nguy kịch. Đôi khi, một chuyến xe cấp cứu chuyên dụng vẫn phải lòng vòng 5-6 giờ mà chưa tìm được bệnh viện nào nhận bệnh nhân.
Với lòng trắc ẩn và đạo đức nghề nghiệp, các kíp cấp cứu không phân biệt họ đang ngồi trên taxi hay xe chuyên dụng. Họ nán lại hàng giờ ở nhà người bệnh, sử dụng đến bình oxy cuối cùng, truyền hết chai dịch cuối cùng.
Khi bệnh nhân hồi tỉnh và các chỉ số sinh tồn được nâng lên tương đối, các y bác sĩ dặn dò người nhà các bước chăm sóc bệnh nhân, trước khi tạm biệt gia đình người bệnh và lao đến với những ca nguy kịch khác.
Hơn 2 tháng qua, nhiều vị khách quen đã biến mất. Ông Long không còn những đêm đậu xe gần Bùi Viện, chờ các quán bar xuống nhạc và nam nữ thanh niên lướt khướt ra về. Khách cũng không còn gọi ông lúc 6h sáng để chở họ đi uống cà phê tại Du Miên, Country House...
"Thành phố sau 18h buồn lắm. Đường không còn một bóng người. Không còn kẹt xe, khói bụi, nhưng mình chạnh lòng", nam tài xế chia sẻ.
Bây giờ, ông Long chuyên chở những ca cấp cứu thông thường, những cụ già đi khám bệnh nền, bà bầu đi đẻ và những F0 khỏi bệnh trở về nhà.
Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, TP.HCM đã điều trị và chữa khỏi cho 43.751 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, chiếm trên 41% tổng số ca bệnh được ghi nhận. Trong bối cảnh không còn đủ xe cứu thương, việc đưa bệnh nhân xuất viện về nhà được giao cho các tài xế taxi.
"Ngày nào cũng có bệnh nhân xuất viện. Có ngày tôi chạy tới 14 chuyến đưa họ về nhà, mà mỗi chuyến đều ngồi ghép 3-4 người trên xe", tài xế Long phấn khởi nói.
Ông Long là một trong số vài trăm tài xế taxi được thành phố cho phép đưa đón người bệnh trong những ngày giãn cách xã hội. Mật độ của những chiếc xe này ít đến nỗi cả phường Thới An chỉ có duy nhất chiếc taxi của ông đang hoạt động. Ngoài việc phục vụ bệnh nhân, đôi khi ông còn giúp chủ tịch phường chở miễn phí nhu yếu phẩm vào các khu phong tỏa.
May mắn hơn tài xế Lương, công việc của ông Long được chứng kiến những niềm hạnh phúc quý giá trong "thời chiến".
- Đứa thứ mấy rồi?
- Dạ vợ chồng em đứa đầu ạ.
Hai vợ chồng ẵm theo đứa trẻ sơ sinh rời khỏi Bệnh viện Hùng Vương trên chuyến taxi của ông Long. Trải nghiệm đẹp đẽ về lần đầu làm cha khiến hai người đàn ông trò chuyện vui vẻ. Chỉ có nét mặt người mẹ là vẫn thoáng ngậm ngùi.
"Tội nghiệp, con sinh ra vào thời điểm này, không được mọi người chào đón, về nhà cũng chẳng có ai đến thăm", chị ôm đứa bé vào lòng và thủ thỉ với nó.
Câu nói như kéo mọi người quay trở lại thực tại. Nam tài xế cất lời an ủi: "Thôi. Thời buổi dịch bệnh thế này, cháu chào đời mẹ tròn con vuông là tốt rồi, đừng suy nghĩ xa xôi em ạ".
Bình luận