Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những đôi mắt sưng và mái đầu trọc

Cường độ làm việc gấp 2, 3 lần bình thường khiến các y bác sĩ nhanh kiệt sức. Nhiều bác sĩ nam cạo tóc để không phải lo chuyện gội đầu và an toàn hơn khi mặc đồ bảo hộ.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 1

Chuyến xe đưa nhóm bệnh nhân Covid-19 đến Bệnh viện dã chiến số 6 (TP Thủ Đức) phải dừng lại khá lâu ở ngoài cửa. Có tiếng nhốn nháo bên trong.

Trong bộ đồ bảo hộ cấp 4, bác sĩ Cường thấy nước ngập đến bắp chân. Phao bơm ở tầng hầm bị trục trặc khiến nước trào lên từ bể. Anh và các đồng nghiệp lội bì bõm, tìm cách ngắt máy bơm rồi chờ nước rút để đón bệnh nhân.

Những bộ scrubs ướt đẫm

Đã qua hơn 10 ngày ở đây, bác sĩ Trương Nhựt Cường vẫn nhớ ngày đầu tiên Bệnh viện dã chiến số 6 mở cửa. Đội của anh đã làm việc liên tục 14 tiếng để đón gần 1.500 bệnh nhân.

"Sáng hôm ấy chúng tôi kê xong giường. 3h chiều bắt đầu nhận bệnh nhân. Đến 5h sáng hôm sau mới xong", bác sĩ Cường nhớ lại. Lúc cởi đồ bảo hộ ra, bộ quần áo scrubs bên trong ướt đẫm.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 2

Bệnh nhân F0 ở bệnh viện dã chiến. Ảnh: Ngọc Tân.

Cách nơi làm việc của bác sĩ Cường vài dãy nhà, bác sĩ Đỗ Kim Quế cũng đang điều hành Bệnh viện dã chiến số 8 với nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, còn người bệnh thì có quá nhiều nhu cầu.

"Ngày đầu tiên bệnh rất lộn xộn. Họ lo lắng, có nhiều người la hét đến nỗi tôi sợ họ sẽ nhảy lầu. Dần dần tâm lý bệnh nhân mới ổn định" bác sĩ Đỗ Kim Quế chia sẻ với Zing.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết có những lúc bệnh nhân đến đông, ùn ùn 500 người. Bác sĩ cũng phải đi phát đồ ăn cho kịp giờ. Thấy bệnh nhân đói, bác sĩ đã nhường phần cơm của mình cho họ.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 3

Trang phục hàng ngày của các bác sĩ là những bộ scrubs màu xanh với cổ rộng, tay áo ngắn làm bằng chất vải thấm mồ hôi. Ảnh: Duy Hiệu.

Sau khi thu dung hàng nghìn ca bệnh không triệu chứng, bệnh viện dã chiến lập từ những tòa chung cư cũ đối mặt với 2 khó khăn: Sự phàn nàn của bệnh nhân vì cơ sở hạ tầng trục trặc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng, phải chuyển viện để cấp cứu.

Đang nhận bệnh nhân tại tầng hầm thì nước từ bể ngầm bất ngờ trào lên do phao bơm tự ngắt bị hỏng. Nước ngập đến bắp chân. Các nhân viên y tế lội nước bì bõm.

Do các chung cư được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến đã bị bỏ hoang suốt 5 năm, các vấn đề về trục trặc về hạ tầng kỹ thuật phát sinh như lẽ tất yếu.

"Tôi đã để nghị Sở Xây dựng phải đảm bảo vấn đề điện nước. Phải ngăn ngừa nguy cơ chập điện, cháy nổ, gây bất an cho bệnh nhân", bác sĩ Quế chia sẻ.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 4

Lực lượng dân quân đội mưa chuyển đồ cho bệnh nhân F0. Ảnh: Ngọc Tân.

Cách xa khu điều trị, tại những dãy phòng ở tầng trệt của các bệnh viện, thiếu tá Mai Văn Vũ đứng trước hàng ngũ các dân quân tự vệ đã mệt rã rời sau một ngày phục vụ bệnh nhân. Gió nổi từng cơn và sấm ầm ầm trên đầu.

"Tôi biết các đồng chí đều rất mệt, nhưng trời sắp mưa, mà hàng hóa của bà con đang để ngoài trời, mình cố gắng chuyển nốt hàng vào nhà rồi nghỉ", lời của vị chỉ huy vừa là động viên, vừa là mệnh lệnh.

Ít phút sau, mưa đến nhanh hơn dự kiến. Cả tốp lính dầm mưa đến ướt sũng quần áo mới chuyển xong núi đồ đạc.

"Bệnh viện đã hẹn bà con khung giờ chuyển đồ cho bệnh nhân vào ban ngày, nhưng đến tối họ chuyển đến đông quá nên dân quân tự vệ vẫn phải nhận", thiếu tá Vũ nói.

Khi được hỏi, các chiến sĩ dân quân tự vệ cho biết đã có ngày họ phát cơm trưa cho bệnh nhân vào lúc 2h chiều. Dù cố gắng đến mấy, những sự cố chậm cơm, thiếu nước vẫn xảy ra ở nơi mà hơn 100 con người phục vụ cho vài nghìn ca bệnh.

Đi qua từng phòng bệnh, họ đã nghe đến quen tai cả những lời phàn nàn, trách móc lẫn chia sẻ, cảm thông từ bệnh nhân.

"Chúng tôi đi chưa biết ngày về"

Khi màn đêm buông xuống, Thanh Nhã nằm nghe những tiếng cót két mỗi khi người bạn cùng phòng trở mình. Ca F0 gần nhất chỉ nằm cách cô 0,5 m. Từ chỗ sắp xếp cho 4 bệnh nhân ở một căn hộ, đến nay mật độ đã tăng lên 10 người.

10 bệnh nhân là 10 chiếc ghế bố (còn gọi là giường gấp). Nhã kể những ngày đầu nằm chưa quen, sáng thức dậy đau ê ẩm. Nhưng cô hiểu rằng với 4.000 ca bệnh tăng thêm mỗi ngày, thành phố không thể lo được nhiều hơn.

Ngay cả những y bác sĩ đang chăm sóc cô cũng chỉ có chiếc ghế bố để ngả lưng sau một ngày làm việc. Họ cũng ăn những suất cơm giống bệnh nhân.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 5

Các điều dưỡng trực tại mỗi tầng của chung cư để theo dõi các trường hợp F0 trở nặng. Ảnh: Ngọc Tân.

Bọng mắt của chị Nguyên thâm quầng, chia thành 2 ngấn vì bị hằn vết gọng khẩu trang. Hai vành tai sưng đỏ, ngứa và loét vì bị quai khẩu trang siết chặt. Đó là chưa kể vết hăm ở cổ vì viền đồ bảo hộ cọ vào. Nữ điều dưỡng kể rằng 2 đồng nghiệp cùng phòng cũng bị như vậy.

Tại các bệnh viện dã chiến điều trị F0 không triệu chứng, lực lượng điều dưỡng như chị Nguyên vất vả hơn bác sĩ. Họ phải túc trực ở các tầng nhà để cấp phát thuốc và canh phòng trường hợp F0 chuyển biến nặng.

Với những F0 không triệu chứng, có người tỉnh táo bình thường nhưng nồng độ oxy trong máu (SpO2) lại rất thấp. Đó là dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp, phải liên hệ ngay bệnh viện tuyến trên để chuyển bệnh nhân đi ngay.

"Có bệnh nhân nhận phòng đúng 4 tiếng sau là suy hô hấp, phải chuyển đi ngay. Bệnh nhân sốt, ho, viêm phổi nhẹ hoặc trung bình thì vẫn ở đây được, nhưng nặng hơn thì phải chuyển tuyến", bác sĩ Cường chia sẻ.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 6

Bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh và các đồng nghiệp nam tại Bệnh viện dã chiến số 2 rủ nhau cắt trọc mái tóc để thuận tiện trong tác nghiệp. Ảnh: Ngọc Tân.

Cường độ làm việc gấp 2, 3 lần bình thường khiến các y bác sĩ nhanh kiệt sức. Nhiều bác sĩ nam đã tự cạo trọc đầu để không phải lo chuyện gội đầu, chải chuốt và an toàn hơn khi mặc đồ bảo hộ.

"Tôi gọi đội của tôi là đội quân chờ tóc dài. Vì chúng tôi đi chưa biết ngày về, tóc dài khi nào không quan trọng nên cứ cắt ngắn đi để lo cho công việc", bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh (Bệnh viện dã chiến số 2) chia sẻ.

Chạy đua với cơn suy hô hấp

"Hôm trước chúng tôi không có máy thở, anh em phải bóp bóng bằng tay để cấp cứu bệnh nhân. Có máy thở thì bệnh nhân mới không tử vong vì suy hô hấp", bác sĩ Quế nhớ lại những ngày đầu nhận việc tại Bệnh viện dã chiến số 8 (bệnh viện thuộc tầng 2 trong 4 tầng điều trị Covid-19).

Ông cho biết trong số hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện, khoảng 10-20% bệnh nhân chuyển biến nặng. Nhiều ca bệnh suy hô hấp, phải đặt nội khí quản trong lúc chờ chuyển đi bệnh viện tuyến trên. Tình hình trở nên cam go khi bệnh viện đó cũng đang quá tải.

"Có bác sĩ trực kíp buổi sáng, đến 13h chuẩn bị hết ca thì phải đưa bệnh nhân nặng chuyển viện. Đến nơi, bệnh viện báo chưa có giường. Bác sĩ ấy đã chờ đến 1h sáng hôm sau mới được về, không ăn trưa, không ăn tối", ông Quế day dứt nhớ lại.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 7

Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên. Ảnh: Ngọc Tân.

Trong một góc cổ kính nhất của Bệnh viện 175, nơi những hàng cây cổ thụ rợp bóng lên những dãy nhà thấp mang kiến trúc của thế kỷ trước, bác sĩ Bùi Đức Thành và các đồng nghiệp đang cấp cứu cho 20 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên.

"Đó là một ngày khủng hoảng với cá nhân tôi", bác sĩ Thành nhớ lại. Chiều 19/7, ông và các đồng nghiệp vừa mở cửa Trung tâm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện 175 thì nhận gần 100 cuộc điện thoại xin chuyển bệnh nhân đến.

Bác sĩ Thành là lính mũ nồi xanh, đã trải qua một năm gian khổ tại Nam Sudan mà đến nay phải thốt lên như vậy. Nếu nhiệm vụ của các bệnh viện cấp 1 và 2 là thu dung và sàng lọc F0, chuyển ca bệnh nặng lên tuyến trên thì nhiệm vụ của các bệnh viện cấp 3 và 4 là tiếp đón bệnh nhân nặng và thực hiện hồi sức cấp cứu kịp thời.

Trong ngày 19/7, 22 bệnh nhân Covid-19 trở nặng được chuyển đến Bệnh viện 175. Đa số họ cần phải thở oxy. Một ca sốc nhiễm khuẩn phải lọc máu liên tục. Điều may mắn là 2 chiếc máy ECMO vẫn chưa cần dùng đến.

dieu tri F0 tai TP.HCM anh 8
Các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng tại TP.HCM đã ghi nhận tín hiệu quá tải. Tuy nhiên, lượng F0 được phát hiện thêm mỗi ngày vẫn lên đến hàng nghìn người. Ảnh: Ngọc Tân.

Trước tình thế các bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19 chỉ đáp ứng được 100-200 giường cho bệnh nhân nặng, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với công suất 1.000 giường.

Ngày 14/7, bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) đến nhận nhiệm vụ tại đây. Giống như bác sĩ Thành, bác sĩ Linh cũng nhận vô số cuộc điện thoại xin chuyển bệnh nhân nặng từ tuyến dưới. Do lượng bệnh nhân tăng lên rất nhanh nên vẫn còn một số thiếu thốn, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.

Từ những bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến cuối, mỗi ngày lại có vài ca nguy kịch, có bệnh nền không qua khỏi. Các bác sĩ hồi sức cấp cứu phải quen với hình ảnh thi thể được bọc kín trong lớp nylon để chuyển đi hỏa táng.

Trong tổng số 58.200 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM từ ngày 27/5 đến nay, 561 trường hợp đã không qua khỏi. Giữa những thông tin tiêu cực về số ca tử vong, TP.HCM nhận thông tin tích cực khi số ca khỏi bệnh xuất viện có ngày lên tới hơn 2.000 bệnh nhân. Tổng số ca điều trị khỏi đến nay đã đạt 12.371 người.

Phòng khám 'tiền phương' sàng lọc F0 ở Bệnh viện quân y 175

Nhân viên y tế tại Bệnh viện quân y 175 có 2 tình huống giáp mặt F0: Khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện hoặc phục vụ người dân đến lấy mẫu test nhanh.

Chủ tịch TP.HCM: Từ 26/7, người dân không ra đường sau 18h

"Tình hình phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ không thực hiện nghiêm giãn cách từ một bộ phận người dân và kiểm soát của cơ quan chức năng", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Ngọc Tân

Bình luận

Bạn có thể quan tâm