Cha tôi nhập ngũ tháng 4/1966, lúc đó tôi lên bốn tuổi. Tôi không nhớ được nhiều lắm. Chỉ nhớ em Thủy mới được 2 tháng tuổi, còn rất nhỏ. Tất cả câu chuyện về cha đều được mẹ tôi kể lại.
Ngày ông lên đường, cả họ hàng, làng xóm tiễn chân ra tận xe. Tôi nép mình vào chân bà nội nhìn theo. Cha ôm từng đứa rồi vẫy tay từ biệt.
Tôi không biết chiến tranh ác liệt như thế nào nhưng tôi từng phải đội mũ rơm đến trường. Biết căn hầm chữ A, biết cả những đoàn tân binh vào Nam chiến đấu.
Nơi cha tôi đặt chân đến là vùng đất Quảng Trị khói lửa. Đơn vị của cha tôi: B1, Trung đoàn E 27, Sư đoàn 390. Trải qua những ngày hành quân. Trung đoàn đóng quân tại đồi 333, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Lá thư đầu tiên cha tôi gửi cho mẹ tôi được viết bằng mực màu xanh, giấy pơ luya màu hồng, mẹ tôi cất bên mình bao năm qua như báu vật (khi mẹ tôi qua đời, lá thư của cha cũng đi theo mẹ về thế giới bên kia). Nhưng tôi rất nhớ bức thư ngắn mà mẹ đã đọc thuộc lòng. Mỗi lần dỗ dành hai chị em, mẹ lại mang ra đọc. Bức thư có đoạn viết:
“Thư gửi em!
Hôm nay là ngày 30 tháng chạp, tại đồi Phu Lo, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, viết thư cho em.
Chúc mẹ, em và hai con mạnh khỏe, ăn Tết thật vui vẻ ạ!
Tết này nhà mình gói nhiều bánh chưng không? Em nhớ giữ sức khoẻ nhé, đừng tham việc quá kẻo ốm đấy...
Em thương nhớ!
Thư anh viết cho em bằng mực xanh lá cây, giấy pơ luya hồng, anh rất sợ khi đến tay em thì mực sẽ nhòe mất. Ở nơi xa này anh luôn nhớ mẹ, nhớ em và hai con. Hai cô con gái nhà mình có ngoan không? Thủy biết làm gì rồi. Lan đã biết trông em chưa? Anh nhớ các con quá. Anh chỉ mong đánh thắng giặc nhanh được trở về nhà với em và các con.
Chiến tranh có thể kéo dài, nhưng anh vẫn hy vọng ngày trở về. Em cố gắng chăm sóc mẹ và hai con giúp anh. Hết giặc anh sẽ về..."
Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin ở Quảng Trị. Nguồn: Vietnamnet. |
Đó là bức thư đầu tiên cũng là cuối cùng của cha tôi gửi cho mẹ tôi. Tháng 10/1968, gia đình tôi nhận được tin cha tôi đã hy sinh. Trong Bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ:
Liệt sĩ Nguyễn Văn Hành
Binh nhất Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyên quán: Xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái
Đã hy sinh trong Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ngày 20/8/1968
Đau đớn nhất là hai người phụ nữ: Bà nội tôi và mẹ.
Tôi òa khóc theo mẹ. Những người mẹ, những người vợ khi tiễn chồng, con đi ra chiến trận luôn hy vọng người thân yêu tránh được hòn tên mũi đạn và bình an trở về quê hương. Nhưng cha tôi đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất miền Trung anh hùng.
Tiếp đó, năm 1968, 1969 mẹ tôi liên tiếp nhận được tin cậu Hùng và cậu Tuấn hy sinh. Năm 1972, bác Ngùng hy sinh. Bốn lần, những người thân của mẹ lần lượt ra đi mãi mãi. Có nỗi đau nào hơn thế.
Tôi thương mẹ, thương bà nội và bà ngoại của tôi và biết bao nhiêu bà mẹ, người vợ chịu đựng nỗi đau mất mát trong chiến tranh tàn khốc - cuộc chiến mà đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Khi thống nhất nước nhà, sau thời gian tìm kiếm, đến năm 2009, mẹ tôi cùng các con đi tìm mộ của cha tôi. Lúc đó, chúng tôi mới biết cha hy sinh tại chốt 191, đồi 333, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Chú Dục (bạn chiến đấu của cha tôi) kể rằng ngày hôm đó quân ta và quân Mỹ ngụy xảy ra một cuộc chiến ác liệt. Quân ta ở phía bên kia quả đồi, Mỹ cho trực thăng quần thảo, bộ binh tràn lên nhằm uy hiếp quân ta. Bộ đội cùng du kích địa phương, chiến đấu ngoan cường. Cha tôi đã hy sinh, yên nghỉ tại mảnh đất này.
Mẹ tôi lặng người trên đỉnh đồi 333, men theo dòng suối La huyền thoại xanh trong. Có lẽ trong lòng người bao nhiêu cung bậc cảm xúc đan xen. Bao nhớ thương dồn nén lại khiến mẹ tôi nức nở. Mộ của cha không thấy đâu. Tôi nhờ cả Ban chỉ huy Quân sự huyện Cam Lộ, nhưng vô vọng.
Kỷ vật còn lại của cha tôi là chiếc áo khoác mà mà chú Kiểm tôi vẫn giữ cho đến bây giờ. Riêng chiếc đồng đeo tay của cha tôi được lưu giữ tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhưng đã thất lạc do di chuyển.
Trở lại quê nhà mà lòng tôi rối bời, trăn trở.
Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau vẫn còn đó. Đối với chúng tôi, cha luôn là niềm tự hào để chúng tôi phấn đấu trên con đường sự nghiệp. Xin cảm ơn đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây đã chở che, bảo vệ bộ đội những năm tháng đau thương mà anh dũng trong đó có cha tôi.
Hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy mộ người cha yêu thương mà bao năm chúng tôi đi tìm.
Phạm Thúy Hậu
(Theo lời kể của các con liệt sĩ Nguyễn Văn Hành)