Bình Bồng Bột (bên trái) và Thăng Fly (bên phải) vừa cho ra mắt tác phẩm Sài Gòn hay ta!. Ảnh: Thanh Trần. |
Sài Gòn hay ta! là cuốn sách kết hợp những trang viết giàu cảm xúc của Bình Bồng Bột và tranh vẽ sinh động, rực rỡ tươi mới của Thăng Fly.
Người Sài Gòn là ai?
Khi được hỏi tại sao lại viết cuốn sách về Sài Gòn, Bình Bồng Bột trả lời mà không hề chần chừ: "Mục đích chính là vì hai anh em muốn có một kỷ niệm với nhau thôi". Sau hai năm ấp ủ và thực hiện dự án, Bình Bồng Bột và Thăng Fly, một người lớn lên ở Sài Gòn và một người chọn quê hương thứ 2 của mình ở Sài Gòn, cho ra mắt cuốn Sài Gòn hay ta!
"Cả hai đều làm nghề sáng tạo, đều có những hoài bão rất lớn nhưng để bắt đầu hợp tác thì tôi nghĩ là một cuốn tản văn là phù hợp để hai anh em thử làm việc với nhau xem như thế nào", anh nói thêm.
Cả hai đều là những người yêu mảnh đất nơi mình đang sinh sống. Tuy nhiên, nếu như Bình Bồng Bột sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, thì Thăng Fly là một chàng trai Nghệ An đến đây học tập và làm việc. Và không phải tự nhiên mà trong cuốn sách, tác giả nhắc đến khái niệm "Sài Gòn gốc" 6 lần và "người Sài Gòn" 27 lần. "Là do tác giả mãi băn khoăn về... người Sài Gòn. Có vẻ như Bình đang đau đáu tìm một định nghĩa thấu đáo về chân dung", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lý giải.
Thế nhưng sau khi hoàn thành cuốn sách, câu hỏi về "người Sài Gòn" có vẻ không còn quan trọng nữa. Bởi "thành phố này chưa bao giờ chối bỏ ai, nó dung chứa, nó tiếp biến, nó thay đổi, nó hấp thu, nó chuyển hóa trong từng phút giây. Sài Gòn tự bản thân nó, sau mấy trăm năm, đã vượt lên trên cái tên của một thành phố để trở thành một dạng ý niệm", Bình viết.
Tác phẩm Sài Gòn hay ta! với nhiều câu chuyện đời thường và tranh vẽ minh họa về Sài Gòn. Ảnh: N.N. |
Tựa sách Sài Gòn hay ta! có thể được hiểu như một tiếng reo vui tâm đắc về cái sự hay của Sài Gòn, như cái cách người ta giúp nhau qua mùa dịch, như những người tứ xứ đã đến rồi chọn nơi đây là quê hương thứ hai, như những người nghệ sĩ đã lấy chốn này làm sân khấu để điệu nhạc khúc hát của mình vút bay.
Hoặc, Sài Gòn hay ta! cũng có thể là một ngẫm ngợi, một sự nhận ra trong sâu thẳm, rằng từ khi nào ta đã gắn bó với Sài Gòn, hòa vào Sài Gòn, trở thành một phần thân thiết của Sài Gòn. Sài Gòn hay ta? Ta hay Sài Gòn?
"Tôi viết về Sài Gòn dưới góc nhìn của một người sinh ra ở Sài Gòn, nhưng bên cạnh tôi cũng có nhiều người bạn ở tỉnh khác, ví dụ như Thăng. Anh em chơi với nhau, dù vẫn còn chất giọng người Nghệ An nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ Thăng không phải là người Sài Gòn", Bình chia sẻ.
Luôn cần những người mới viết về Sài Gòn
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ví Sài Gòn như một cô gái "càng nhiều tuổi càng quyến rũ" bởi những tác phẩm viết về Sài Gòn gần đây ngày càng nhiều. Nếu như ngày trước có các cụ Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Đình Đầu... thì sau đó có Lê Văn Nghĩa, Trần Nhật Vy, Phạm Công Luận, Trần Hữu Phúc Tiến... rồi lại tới thế hệ của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đàm Hà Phú, Cù Mai Công và bây giờ là những người trẻ như Bình Bồng Bột và Thăng Fly. Dường như người ta chưa bao giờ cạn những điều để viết về Sài Gòn.
Những câu chuyện của Bình Bồng Bột thường bình dị và sống động. Đó có thể là về quán cơm tấm, thư viện, hàng me, con phố, tiếng rao, bài hát, câu thơ... Đôi khi nó là những số phận, những tấm lòng, những người bình thường hay những người nổi tiếng, những người sinh ra tại Sài Gòn hay từ phương xa đến, tất cả đều có chỗ đứng trong sự bao dung, chân tình và nồng nhiệt của Sài Gòn.
"Bởi vì tôi thấy thành phố này luôn luôn thay đổi, nó vận động không ngừng. Nghĩa là, Sài Gòn của chúng ta đang ngồi ở đây đã khác một năm trước và chắc chắn nó sẽ khác với một năm sau. Nên tôi nghĩ luôn cần những người viết mới để ghi lại một biên bản của thời đại", tác giả Bình Bồng Bột nói.
Các tác giả cũng đồng ý với nhau rằng mục đích của cuốn sách là để khơi gợi tình yêu thành phố và tình yêu viết nơi người đọc. "Câu chuyện, những cảm xúc giống như hạt giống gieo vào trong lòng mình. Mình cứ quan sát, ghi nhớ trong lòng, rồi khi cảm xúc đủ mình sẽ viết", tác giả Bình Bồng Bột chia sẻ.