Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trang bước vào 'thời đại của việc tự học'

Một năm học mới đã bắt đầu “khởi động” với nhiều kỳ vọng của các bậc phụ huynh về học tập của con em mình.

Tu hoc anh 1

Một cuốn sách chủ đề phương pháp học tập mới ra mắt.

Những cuốn sách về phương pháp học tập, bởi thế, càng nhận được sự quan tâm để giúp giới trẻ có tư duy độc lập, tinh thần kỷ luật cao và sự nhạy bén trong tiếp thu những thành tựu mới.

So sánh về phương pháp học tập giữa Việt Nam và các nước phát triển, nhiều ý kiến của các giáo sư, nhà nghiên cứu đều cho rằng học sinh, sinh viên Việt Nam yếu hơn về khả năng tự học. Ít đọc sách, không chủ động tìm kiếm thêm tư liệu liên quan đến học tập, lệ thuộc vào kiến thức bài giảng của thầy cô, ít thắc mắc hỏi han hay đưa ra ý kiến phản biện là điều dễ thấy ở phần lớn học sinh, sinh viên Việt. Quan trọng hơn, phần lớn trong số đó không được rèn ý thức, thói quen và kỹ năng tự học, hầu hết học để “trả bài” thầy cô chứ không phải học cho bản thân mình.

Học giả Nguyễn Duy Cần đã không ít lần bàn về học và tự học trong các cuốn sách “Óc sáng suốt”, “Thuật tư tưởng”, “Tôi tự học”, bởi chính bản thân ông “sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả”.

Ông khẳng định nền tảng giúp con người tiến đến chân lý là sự tự trang bị kiến thức, tự học, tự rèn luyện để có thể vượt qua rào cản của chính mình, để có một bộ óc sáng suốt, biết suy nghĩ và phán đoán theo tinh thần khoa học.

Peter Hollins, tác giả cuốn sách Làm chủ việc tự học chia sẻ: “Thật may mắn là thế kỷ XXI đã làm thay đổi tất cả. Tự học đang là một hoạt động phát triển. Sinh viên điều khiển việc học của chính mình trong các chủ đề mà trước đây chỉ được học trong các môi trường đại học và cao hơn. Internet mở rộng con đường truy cập thông tin vốn dĩ có sẵn cho bất cứ ai có kết nối mạng. Những ai thực sự muốn học tập các vấn đề về lịch sử, khoa học, các bộ môn nghệ thuật, kinh doanh, kỹ thuật hoặc văn chương đều có thể thực hiện được, ít ra với mức độ toàn diện tối thiểu thông qua các khóa học trực tuyến”.

Ngoài đưa ra các nguyên tắc tự học, cách tương tác với thông tin, cuốn sách Làm chủ việc tự học còn gợi ý các phương pháp để “đọc nhanh, nhớ nhiều”, rèn luyện “các kỹ năng và thói quen tự học bất cứ thứ gì” nhằm giúp bạn đọc từng bước tìm kiếm nguồn cảm hứng trong học tập, hoạch định, phát triển những thói quen tốt và điều khiển việc học tập của chính mình.

Nếu chúng ta chưa bao giờ được dạy cách học thì điều đó thật đáng tiếc. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, tự học mà thiếu phương pháp thì trong 100 người chỉ được 4-5 người thành công nhờ có nhiều nghị lực, chịu kiên nhẫn, lại thông minh, và nhất là nhờ may mắn gặp ngay được một môn hợp với khả năng của mình và những sách hợp với trình độ của mình. Trong cuốn sách Tự học - một nhu cầu thời đại, học giả Nguyễn Hiến Lê đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "Ai tự học được", đề cập một số cách tự học và khẳng định vai trò của đọc sách trong học tập.

Có ý kiến cho rằng, trong giáo dục, nếu quá chú trọng đến kết quả sẽ khiến chúng ta quên mất cách học là yếu tố quyết định đến tính chất bền vững của chất lượng học tập. Cuốn sách Học tập siêu đẳng (NXB Dân trí) ra đời như một bản hướng dẫn học tập giúp người đọc nắm được những phương pháp hiệu quả nhất, những cạm bẫy phải tránh, và những thói quen phải trau dồi.

Tác giả Peter Hollins khẳng định: “Thái độ và quan điểm của chúng ta có thể đóng một vai trò to lớn trong việc chúng ta học tốt đến đâu, và chúng ta kiên cường như thế nào trước những thử thách và nghịch cảnh”. Ông cho rằng, kiến thức và kỹ năng đều có thể đạt được thông qua nỗ lực và tập trung.

Cuốn sách Tự học - Kiến tạo một hành trình học tập suốt đời của nhóm tác giả Hoàng Anh Đức, Hoàng Giang Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh phân tích tầm quan trọng của tự học đối với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời, đồng thời hệ thống hóa một vài “chiêu thức” để người đọc có thể áp dụng cho bản thân với “Chu trình học tập qua trải nghiệm của Kolb”, “IKIGAI” và “Mô hình hoạt động cá nhân”, “Ma trận Eisenhower”, “Phương thức hoàn thành công việc GTD”, “Đặt mục tiêu SMART”,... đã đưa ra phương pháp giáo dục “Học tập siêu hiệu quả” (High Performance Learning - HPL).

Cuốn sách Học tập siêu hiệu quả của tác giả Deborah Eyre, một trong 40 phụ nữ xuất chúng toàn cầu năm 2023 (do Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu chuyển ngữ) đã đưa ra phương pháp giáo dục “Học tập siêu hiệu quả” (High Performance Learning - HPL). Bao gồm 7 chương, cuốn sách Học tập siêu hiệu quả nhấn mạnh vào vai trò của nhà trường và giáo viên trong việc tìm những cách tiếp cận khác biệt để tối ưu hóa việc học tập cho từng học sinh, đồng thời khẳng định vai trò của phụ huynh trong việc rèn cho con ý thức tự giác và xây dựng thói quen tự học.

Cuốn sách Học tập suốt đời của tác giả Peter Hollins gồm 9 chương, trong đó có chương riêng về tự học, qua đó dẫn người đọc đến với cách đặt câu hỏi phản biện về suy nghĩ và hiểu biết của chính mình để có thể mở ra những cơ hội biến thông tin tẻ nhạt thành tiềm năng chưa được khai phá.

Theo tác giả, “học cách tự học không chỉ giúp chúng ta nuôi dưỡng động lực nội tại bằng cách chủ động đào sâu kiến thức thay vì thụ động “há miệng chờ sung”, mà còn giúp chúng ta tìm thấy sự hài lòng trong mọi thứ, từ những chiến thắng nhỏ đến những giải pháp lớn”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://hanoimoi.vn/hanh-trang-buoc-vao-thoi-dai-cua-viec-tu-hoc-678223.html

Hạ Yến/Hà Nội Mới

Bạn có thể quan tâm