Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hành động hiếm thấy của Mỹ, Anh sau vụ sụp đổ SVB

Chính phủ Mỹ và Anh đang có những bước đi quyết liệt hiếm thấy nhằm ngăn khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng bùng phát sau khi ngân hàng Silicon Valley sụp đổ hồi tuần trước. 

ngan hang my anh 1

Giới chức Mỹ đã làm việc xuyên cuối tuần để tìm ra một cái tên có khả năng mua lại những gì còn lại của SVB. Trước khi sụp đổ, SVB có tài sản trị giá hơn 200 tỷ USD, đối tượng khách hàng chủ yếu là các công ty khởi nghiệp công nghệ, công ty đầu tư mạo hiểm và giới nhân viên công nghệ thu nhập cao.

Dù đến nay chính phủ Mỹ chưa tìm ra giải pháp khả thi, giới chức vẫn khẳng định tất cả khách hàng gửi tiền tại SVB sẽ có thể sớm tiếp cận số tiền gửi của họ, theo AP.

Cam kết trên là một phần trong chương trình cho vay khẩn cấp đắt đỏ mà Bộ Tài chính Mỹ đã dự phòng nhằm ngăn làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng, có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống nhà băng cũng như toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Anh sáng 13/3 cho biết đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ HSBC mua lại chi nhánh của SVB tại Anh, ngân hàng SVB UK.

HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu, tiềm lực của ngân hàng này bảo đảm an toàn cho khoản tiền gửi lên đến 8,1 tỷ USD của các khách hàng tại SBV UK.

Lo ngại châm ngòi khủng hoảng

Nhà chức trách Mỹ đóng cửa SVB hôm 10/3 sau khi các khách hàng ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này. Chỉ trong ngày 9/3, các khách hàng đã tìm cách rút tổng cộng 42 tỷ USD tiền gửi khỏi SVB. SVB trở thành ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ sụp đổ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual năm 2008.

Tâm lý hỗn loạn đã lan rất nhanh trong giới tài chính, bằng chứng là ngân hàng Signature trụ sở New York bị đóng cửa hôm 12/3 với lý do tương tự SVB. Signature có tài sản 110 tỷ USD, là vụ sụp đổ lớn thứ ba trong lịch sử ngân hàng Mỹ, theo Reuters.

ngan hang my anh 2

Ngân hàng Signature bị đóng cửa hôm 12/3. Ảnh: AP.

Một ngân hàng khác đang gặp khó khăn là First Republic hôm 12/3 cho biết đã tiếp cận được nguồn tiền từ Cục dự trữ liên bang (FED) và JPMorgan Chase, qua đó bảo đảm nền tảng tài chính của ngân hàng trước các rủi ro.

Trong nỗ lực củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính, FED, Công ty Bảo hiểm Ký thác liên bang Mỹ hôm 12/3 khẳng định tất cả khách hàng của SVB sẽ được bảo vệ và có thể tiếp cận số tiền gửi của họ.

"Bước đi này sẽ bảo đảm hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò sống còn là bảo vệ tiền gửi và cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và mạnh mẽ", các cơ quan chức năng của Mỹ cho biết.

Theo kế hoạch được nhà chức trách Mỹ soạn thảo, các khách gửi tiền tại SVB và Signature có thể tiếp cận tiền gửi của họ trong ngày 13/3, bao gồm cả những khoản tiền vượt quá mức tối đa được bảo hiểm là 250.000 USD.

Giới chức Anh cũng đã hành động nhanh chóng để dàn xếp thương vụ thâu tóm SVB UK. HSBC đã mua lại SVB UK với giá 1 bảng Anh.

Dù SVB UK có quy mô nhỏ, chiếm chưa tới 0,2% tiền gửi trong toàn hệ thống ngân hàng Anh, ngân hàng này lại đóng vai trò lớn cung cấp tín dụng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, công nghệ sinh học mà chính phủ Anh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết một số công ty công nghệ hàng đầu của nước này có thể đã bị xóa sổ nếu chính phủ không kịp can thiệp.

"Các công ty rất non trẻ, nhiều hứa hẹn, thường rất mong manh. Họ trả lương cho nhân viên, có những nỗi lo rằng công ty sẽ đột ngột không thể sử dụng tiền trong tài khoản ngân hàng", ông Hunt giải thích lý do chính phủ Anh hành động mau lẹ trong thương vụ SVB UK.

Vụ sụp đổ của SVB có nguy cơ tạo ra "rủi ro hệ thống" cho toàn bộ hệ thống ngân hàng Anh, Bộ trưởng Hunt nhấn mạnh.

Kế hoạch bình ổn hệ thống

Tại Mỹ, giới chức nước này cho biết chương trình cho vay tương tự những gì các ngân hàng trung ương vẫn làm trong hàng thập kỷ qua, đó là cung cấp vốn vay không giới hạn cho hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bảo đảm họ có thể rút tiền bất cứ khi nào cần, qua đó tăng mức độ lòng tin.

Kế hoạch cho vay cho phép các ngân hàng vay tiền mặt từ FED để trả tiền gửi cho khách hàng, thay vì phải bán trái phiếu và các tài sản khác ra thị trường để huy động tiền mặt, theo CNN.

SVB bắt đầu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán sau khi ngân hàng này buộc phải bán ra một số trái phiếu ở giá thua lỗ để huy động tiền trả cho khách hàng.

ngan hang my anh 3

Silicon Valley bị đóng cửa từ 10/3. Ảnh: Reuters.

Theo kế hoạch mới mà FED vạch ra, các ngân hàng có thể dùng trái phiếu, cổ phiếu làm tài sản thế chấp để vay tiền từ quỹ khẩn cấp.

Bộ Tài chính đã lập quỹ dự phòng 25 tỷ USD để bù đắp cho các khoản thua lỗ phát sinh. Tuy nhiên, các quan chức FED tự tin rằng sẽ không phải dùng tới số tiền này, do các tài sản thế chấp có nguy cơ vỡ nợ rất thấp.

Các biện pháp mà chính phủ Mỹ đưa ra hôm 12/3 là lần can thiệp quyết liệt nhất vào hệ thống ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính 2008, dù rằng các biện pháp ở quy mô khá khiêm tốn so với 15 năm trước.

Hai ngân hàng sụp đổ là SVB và Signature đã không được giải cứu, nhà chức trách Mỹ đã quyết định sẽ không dùng ngân sách để bảo vệ hai ngân hàng này.

Phát biểu hôm 12/3, Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ "buộc những người gây ra cơn hỗn loạn vừa qua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm". Ông Biden cũng cam kết tăng cường giám sát và quản lý các ngân hàng lớn để bảo đảm tình hình hiện nay sẽ không lặp lại.

Một số lãnh đạo của SVB trước đó cảnh báo nếu Washington không giải cứu, khách hàng sẽ ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống tài chính. Những ngày qua, giá trị cổ phiếu của một số ngân hàng phục vụ giới công nghệ đã lao dốc, trong đó có First Republic hay PacWest.

Tiffany Dufu, CEO của nền tảng huấn luyện sự nghiệp và cộng đồng dành cho phụ nữ có tên The Cru, cho biết vụ sụp đổ của SVB là thách thức nghiêm trọng cho doanh nghiệp của cô. Sau khi SVB gặp vấn đề, Dufu phải dùng tiền túi để trả thù lao cho nhân viên.

"Các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập không có nhiều khả năng xoay xở trong tình huống như hiện nay, chúng tôi thường rơi vào tình thế rất dễ bị tổn thương", Dufu nói.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley trong 4 biểu đồ

Vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ xảy ra sau làn sóng rút tiền ồ ạt của người gửi tiền vào đầu tháng 3.

Với thỏa thuận Saudi - Iran, Trung Quốc đe dọa ảnh hưởng của Mỹ?

Thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran cho thấy quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Đông, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm