Tạo hình nhân vật trong phim Chân Hoàn truyện. |
Bộ phim truyền hình Chân Hoàn truyện đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem. Trong phim có một đoạn kể về An Lăng Dung bị hỏng giọng, trong phòng không có than đốt sưởi, Trinh tần và Khang thường tại thì cãi vã lăng nhục nhau, trổ hết sở trường “giậu đổ bìm leo”.
Lúc này, hoàng hậu bèn phái Tiễn Thu mang than và chăn bông đến cho An Lăng Dung vượt qua mùa đông. Sau khi Tiễn Thu quay trở lại, hoàng hậu nói rằng: “Thêu hoa trên gấm có ý nghĩa gì, đưa than lúc trời tuyết mới khiến người ta khắc cốt ghi tâm”. Từ đó về sau, An Lăng Dung đối với hoàng hậu càng như thiên lôi chỉ đâu đánh đấy.
Tuy đây chỉ là tình tiết trong phim nhưng đã thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc ý nghĩa sâu xa của “đưa than lúc trời tuyết”. Tôi nhớ Lý Gia Thành từng nói một câu rằng: “Tôi chưa bao giờ thích thêu gấm trên hoa, tôi chỉ biết đưa than lúc trời tuyết. Làm một người đưa than lúc trời tuyết, kết bạn với tất cả những ai đưa than lúc trời tuyết.”
Sức mạnh của một người khó mà ứng phó nổi với những gian khổ vô biên trong cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy, phụ nữ cần đến sự giúp đỡ của người khác, phụ nữ càng phải giúp đỡ người khác. Nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng, chỉ khi bạn thực sự quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác trước, mới nhận được sự giúp đỡ của người khác vào thời khắc then chốt.
Chị Hàn là một công nhân nữ bị sa thải. Sau khi chồng bị bệnh qua đời, chị bèn dẫn theo con gái đến mở một quán ăn nhỏ cạnh chợ đầu mối, gắng gượng sống qua ngày.
Khi quán ăn vừa khai trương, chuyện làm ăn ảm đạm, phải nhờ đến sự quan tâm chăm sóc của người thân, bạn bè và hàng xóm láng giềng mới có thể miễn cưỡng duy trì quán. Sau đó, bởi nhiệt tình đúng mực, trung hậu thật thà, chị Hàn dần có khách quen, chuyện làm ăn của quán cuối cùng đã tốt lên qua từng ngày.
Tuy nhiên, lâu dần, mỗi khi đến giờ cơm trưa, những kẻ ăn mày ở thị trấn lại lục tục ghé thăm quán cơm. Chị Hàn không đuổi họ đi, lần nào cũng múc đầy cơm và thức ăn vào bát cho họ. Khách hàng trong quán nói với chị Hàn rằng: “Phải đuổi họ đi, đám người này bám dai như đỉa ấy, không thể thương hại họ được.” Những lúc như thế, chị Hàn luôn cười bảo rằng: “Thôi bỏ đi, ai mà không có khó khăn, nếu có cách thì người ta đã chẳng ra ngoài xin ăn.”
Từng ngày qua đi, một đêm khuya nọ, đường điện ở chợ đầu mối để lâu ngày bị hỏng, gây ra một trận hỏa hoạn, lửa cháy lan tràn. Mắt thấy lửa sắp cháy đến quán cơm nhỏ, chị Hàn một thân một mình trông mắt về cửa tiệm sắp bị ngọn lửa nuốt trọn, còn cả tủ lạnh, tivi màu, bếp ga mới sắm, lòng chị nóng như lửa đốt.
Chính vào lúc này, chỉ thấy những người thường ngày đến xin ăn kia không biết từ đâu lao tới, bất chấp lửa cháy hừng hực, chạy vào khiêng tủ lạnh, tivi màu, bếp ga của chị Hàn ra ngoài, còn cả tiền bạc của chị. Sau khi xe cứu hỏa đến nơi, nhóm người ăn xin đã giải tán. Chị Hàn kiểm kê sơ bộ, do cấp cứu kịp thời nên quán cơm của chị chỉ bị tổn thất nhỏ. Vì chuyện này, câu chuyện của chị Hàn đã được truyền đi rộng rãi, chuyện làm ăn của quán cũng ngày một phát đạt.
Trong xã hội, con người có hàng nghìn mối liên hệ với người khác, không ai có thể tồn tại độc lập. Mỗi lời nói, mỗi hành động, cử chỉ của bạn luôn sản sinh ảnh hưởng lớn hoặc nhỏ đến người khác và chính bạn. Vào lúc người khác gặp nguy khốn, bạn chìa tay ra giúp đỡ, chắc chắn người khác sẽ ôm lòng cảm kích bạn, mối nhân duyên tốt đẹp chắc chắn sẽ được tích lũy dần dần một cách tự nhiên.
So với “thêu hoa trên gấm” thì “đưa than lúc trời tuyết” vừa có thể giúp đỡ người khác và chính mình, lại vừa có thể có được nhân duyên tốt đẹp, phụ nữ cớ gì mà không làm nhỉ?
“Người quân tử chỉ cứu tế người nghèo, không cứu tế người giàu”, đưa than lúc trời tuyết, phải thỏa đáng. Song, khi giúp đỡ người khác cũng không cần ghi nhớ ân tình này trong lòng hay chờ đợi người khác báo đáp lại. Chỉ có phóng khoáng, thực sự lấy chuyện giúp người làm nguồn vui, mới là vẻ đẹp bên trong của phụ nữ, mới có thể có được mối nhân duyên tốt đẹp đích thực.