Trình tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mục đích xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Để thu gọn đối tượng, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Ví dụ, “sản phẩm trồng trọt” thành “sản phẩm cây trồng, rừng trồng", “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác” thành “thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản”...
Đồng thời, lần sửa đổi này cũng bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để phù hợp với thực tế phát sinh, ví dụ: Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với bên cho vay nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ”…
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Uỷ ban này nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn.
Theo cơ quan thẩm tra, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Mức thuế suất đang áp dụng là phù hợp
Cơ quan thẩm tra dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023, có trung bình khoảng 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100-300 ngàn đồng; hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỷ USD giá trị hàng hoá được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. |
Hiện, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này.
Cũng theo quy định hiện hành, với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ không thuộc diện chịu thuế VAT. Ở lần sửa đổi này, Chính phủ không đưa ra mức doanh thu chịu thuế cụ thể, mà quy định đưa ra quy định mở "dưới mức Chính phủ quy định". Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán để đưa ra mức doanh thu tính thuế cụ thể.
Theo ông Lê Quang Mạnh, một số nước trong khu vực ASEAN đã tăng thuế VAT như một giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau dịch COVID-19. Ví dụ, tháng 4/2022, Indonesia tăng thuế suất từ 10% lên 11%; Singapore tăng thuế VAT theo lộ trình hai năm, từ 7% lên 8% vào 1/2023 và từ đầu năm nay là 9%...
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình sau khi nền kinh tế đã phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, mức thuế suất được Việt Nam duy trì áp dụng là phù hợp, vì các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Theo ông, chính sách giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống 8%) với nhiều hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ duy trì gần 4 năm, nhằm hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch.