Trong báo cáo mới được công bố ngày 15/10 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), việc lạm dụng những thực phẩm ăn liền giá rẻ như mì ăn liền, bánh quy có thể giúp no bụng nhưng thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng khiến trẻ em Đông Nam Á bị thiếu dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho sự phát triển.
Theo báo cáo, ba quốc gia Philippines, Indonesia và Malaysia đang có tình trạng lạm dụng mì gói trong việc nấu ăn cho trẻ nhỏ.
Các quốc gia này được đánh giá là bùng nổ về kinh tế, tuy nhiên do các bậc phụ huynh bận rộn làm việc, không có thời gian nấu ăn cho con, thiếu tiền hoặc thiếu hiểu biết đã để con ăn những thực phẩm ít có giá trị dinh dưỡng.
Một cậu bé Trung Quốc 4 tuổi đang ăn mì ăn liền tại ga tàu. Ảnh IC. |
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trung bình ở 3 nước này là 40%, cao hơn mức trung bình của toàn thế giới là khoảng hơn 33%. Cụ thể, quy mô của tình trạng thiếu dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở Indonesia là 24,4 triệu trẻ, Philippines là 11 triệu trẻ và Malaysia là 2,6 triệu trẻ.
Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), Indonesia là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tiêu thụ mì ăn liền với 12,540 tỷ gói.
UNICEF nhận định thức ăn của trẻ em đã thay đổi rất nhiều trong những năm trở lại đây.
"Chúng ta từ bỏ thức ăn truyền thống và địa phương, chuyển sang thức ăn hiện đại có lượng đường và chất béo cao, ít chất dinh dưỡng thiết yếu và chất xơ, và thường là thực phẩm chế biến sẵn", báo cáo viết.
Ngoài ra, UNICEF cũng chỉ ra một trong những dạng thức của suy dinh dưỡng là thừa cân, và ở dạng nghiêm trọng hơn là béo phì.
"Thừa cân, nhiều người lâu nay vẫn nghĩ là bệnh của người giàu, giờ đây cũng trở thành bệnh của người nghèo, phản ánh sự dư thừa rất lớn lượng calo rẻ tiền từ những thực phẩm nhiều chất béo và đường ở mọi quốc gia trên thế giới", báo cáo của UNICEF nêu.
Theo cơ quan này, việc trẻ em dưới 5 tuổi ăn nhiều mì ăn liền, bánh quy và nước trái cây đóng chai làm giảm lượng vitamin và khoáng chất đưa vào cơ thể. Trẻ em ăn những loại đồ ăn vặt, thức uống như vậy có chiều cao thấp hơn bạn bè cùng trang lứa.
Mặc dù không bị UNICEF cảnh báo về tình trạng lạm dụng mì gói nhưng trong năm 2018, Việt Nam đã tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, tăng 2,8% so với năm 2017. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ, sau Trung Quốc (40,25 tỷ gói), Indonesia (12,540 tỷ gói), Ấn Độ (6,06 tỷ gói) Nhật Bản (5,780 tỷ gói).
Tuy nhiên, với mức dân số 95 triệu dân vào năm 2018, trung bình một người Việt Nam ăn gần 55 gói mì/năm, cao hơn quốc gia dẫn đầu về lượng tiêu thụ mì gói là Trung Quốc (31 gói), Indonesia (46,4 gói), Nhật Bản (45,8 gói).
Hiện nay ở Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền. Trong đó, 70% thị phần thuộc về Acecook Việt Nam, Masan và Asia Food.
Thương hiệu Acecook Việt Nam vẫn luôn dẫn đầu thị phần, chiếm khoảng 50% ở thành thị và 43% trên cả nước. Trong khi các sản phẩm của Acecook Việt Nam chiếm lĩnh thị trường đô thị, sản phẩm của Masan và Asia Food lại dẫn đầu ở khu vực nông thôn, với tổng thị phần là 60%.