Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu thịt lợn cho Tết Nguyên đán?

Dự báo đến cuối năm, nguồn cung thịt lợn giảm 200.000 tấn so với năm 2018. Để chủ động cho dịp Tết Nguyên đán, cần có thêm thịt gà, bò bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt.

Trong 10 ngày đầu tháng 10, giá thịt lợn trên cả nước liên tục tăng mạnh, giá tại nhiều tỉnh phía Bắc vượt 60.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam có nơi đã đạt 60.000 đồng/kg. So với cuối tháng 9, giá thịt lợn trên cả nước tăng 6.000-13.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn còn tăng nhưng sẽ không tăng nóng như Trung Quốc

Tại Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, giá thịt lợn dao động trong khoảng 58.000-59.000 đồng/kg. Thị trường ghi nhận chuỗi tăng giá kéo dài.

Giá thịt lợn tại miền Trung, Tây Nguyên cũng tăng mạnh do tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang căng thẳng. Việc vận chuyển thịt lợn được các địa phương kiểm soát chặt nên giá thịt lợn tại khu vực này đang thấp nhất cả nước. Song, so với cuối tháng 9 cũng đã tăng hơn 10.000 đồng/kg.

Công ty chăn nuôi lợn CP miền Nam cũng thông báo điều chỉnh giá lợn tăng lên 56.000-56.500 đồng/kg.

Thit lon co du cho dip Tet Nguyen dan? anh 1
Dự báo giá thịt lợn những tháng cuối năm còn tăng do dịch tả châu Phi diễn biến phức tạp. Ảnh: Báo Công Thương.

Nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi. Nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh, trong khi nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu dịp cuối năm lại tăng.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra hôm 14/10, ông Nguyễn Văn Long - Phó cục trưởng Thú y, thông tin dịch tả châu Phi xảy ra từ tháng 2 khiến cả nước thiệt hại khoảng 5,5 triệu con lợn, tương đương 8% tổng sản lượng thịt. Số lượng tiêu hủy cao nhất vào tháng 5 với 1,2 triệu con và đang có xu hướng giảm trong 4 tháng qua.

Trong khi đó, thịt lợn chiếm tới trên 70% nhu cầu thực phẩm hàng ngày.

Từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Chăn nuôi, dự báo giá thịt lợn còn tăng do dịch tả châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định sẽ không tăng quá cao, ở mức 100.000 đồng/kg như Trung Quốc.

Liệu có đủ thịt lợn phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán?

Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết tính đến hết ngày 31/8, số lượng theo số liệu của 56 tỉnh thành là trên 22 triệu con lợn. Khi 7 tỉnh còn lại báo cáo, dự kiến tổng số lợn trên cả nước dao động 24-25 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kỵ ông bà.

“Số lượng lợn nái hiện nay hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết”, ông Trọng nói.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, gia cầm, thủy sản để có thêm sản lượng thực phẩm bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Theo ông Trọng, Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn thịt trong 3-4 tháng cuối năm và không lo thiếu dịp Tết Nguyên đán.

Thit lon co du cho dip Tet Nguyen dan? anh 2
Nguồn cung thịt lợn dự báo giảm 200.000 tấn so với năm trước, cần có thêm sản lượng thực phẩm bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Ảnh: Reuters.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn thông tin dịch tả lợn châu Phi khiến cho sản lượng chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Dự báo đến cuối năm, nguồn cung ứng thịt lợn giảm 200.000 tấn so với năm trước.

Ông Tuấn nhận định nguồn cung thịt lợn giảm nhưng tổng sản lượng thịt có thể giữ được ở mức cân bằng nếu có những bước đi đúng đắn, hiệu quả.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng tại các khu vực chăn nuôi lớn, cần khuyến khích tăng đàn, những nơi đã an toàn thì tái đàn. Lượng thịt lợn thiếu hụt đang được tính toán bù đắp bằng các mặt hàng thịt khác như bò, gà,...

Chín tháng đầu năm, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi đều tăng: thịt trâu đạt 70.500 tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264.900 tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931.400 tấn, tăng 13,5%.

Nhiều ý kiến đánh giá thịt gà có thể bù đắp phần lớn cho lượng thịt lợn thiếu hụt khi tiêu thụ gà những tháng cuối năm tăng rất mạnh.

Thực tế, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà.

Hay theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 195.000 tấn thịt gà các loại, trị giá 166,6 triệu USD. Con số này tăng 51,4% về lượng và tăng 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

“Các số liệu về nhập khẩu thịt gà cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi”, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng vì việc chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn khá hạn chế.

Vì sao gà Mỹ và Brazil về Việt Nam giá chưa đến 20.000 đồng/kg?

Giá thịt gà nhập từ Mỹ, Brazil trung bình 19.500-20.000 đồng/kg chưa bao gồm thuế, phí. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu nhập gà thứ phẩm, giá trị không cao.




Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm