HÀNG TRIỆU NGƯỜI DU LỊCH KHẮP CẢ NƯỚC 4 NGÀY NGHỈ LỄ
Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các địa danh du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, đâu đâu cũng xuất hiện cảnh xe và người ùn ùn chen lấn.
Bất chấp nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đúng dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, hàng triệu du khách vẫn đổ về các địa điểm du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ.
Kỷ lục ùn tắc giao thông, hàng quán quá tải ở Đà Lạt
Nhiều người ở khu vực phía bắc than từ chiều đến đêm 29/4, họ mới ra khỏi nội đô vì tình trạng ùn tắc giao thông từ đường trên cao vành đai 3 tới cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Còn tại phía nam, cũng không ít lời kêu của người đi du lịch khi gặp phải tình trạng kẹt xe được cho là kỷ lục trên cung đường từ TP.HCM tới Đà Lạt (Lâm Đồng).
Hàng nghìn ôtô khách, xe con từ khắp nơi đổ về quốc lộ 20 đi TP Đà Lạt gây kẹt xe nhiều giờ, kéo dài hàng chục km tại chân đèo Bảo Lộc (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). Lúc 19h hôm 30/4, hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về Đà Lạt gây ùn ứ nhiều km trên quốc lộ 20, đoạn cửa ngõ vào trung tâm TP. Đỉnh đèo Prenn đoạn gần bến xe liên tỉnh Đà Lạt tới vòng xoay 3/4.
"Do lo ngại tình trạng kẹt xe khi lên Đà Lạt, gia đình tôi đã đi từ rất sớm vào 2h ngày 30/4. Tôi đã mất nguyên một ngày nghỉ lễ chỉ để lái xe từ TP.HCM lên Đà Lạt. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tình trạng kẹt xe kinh khủng như vậy", anh Tuệ (du khách TP.HCM) cho biết.
Tương tự, tại đoạn từ Đà Lạt tiến về đèo Bảo Lộc (Đạ Huoai, Lâm Đồng), xe cộ đi hướng ngược lại không thể di chuyển do bị chiếm hết phần đường. "Chúng tôi mất gần 5 giờ mà vẫn chưa qua hết đoạn kẹt xe từ Mađaguôi tới chân đèo Bảo Lộc", phụ xe Dũng cho biết.
Còn anh Phú (tài xế xe container) cho biết anh khởi hành lúc 5h từ Đồng Nai. Sau 17 giờ di chuyển, xe anh vẫn đứng bánh tại chân đèo Bảo Lộc, chưa thể đến được khách sạn mình lưu trú.
Các nhà hàng, quán cà phê ở Đà Lạt (Lâm Đồng) xảy ra tình trạng đông đúc trong cả 3 ngày đầu nghỉ lễ. Tại một quán lẩu gà lá é, dù xếp hàng chờ đợi khá lâu, nhiều khách vẫn phải bỏ về vì quán kín chỗ. Ở bên ngoài, các nhóm đến sau phải đứng đợi xếp bàn trống khoảng 10-15 phút.
Ước tính sơ bộ, trong 2 đêm 30/4 và 1/5, Đà Lạt đón khoảng 125.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.500 lượt. Tổng lượng khách tăng ngoài dự kiến khiến nhà hàng, quán cà phê nổi tiếng ở phố núi không thoát khỏi cảnh quá tải.
Các buổi tối 30/4 và 1/5, du khách bắt đầu đổ về khu chợ đêm trung tâm thành phố để tham quan, mua sắm và ăn uống.
Buổi tối, nhiệt độ ở mức 18 độ C, trời không mưa, không khí náo nhiệt, đông đúc hơn từ khoảng 20h. Thanh Hân (TP.HCM) cho biết bản thân khá bất ngờ vì lượng người đổ về chợ đêm mỗi lúc một đông. "Lúc sáng, các con đường quanh hồ Xuân Hương khá vắng vẻ, mình cứ nghĩ năm nay không phải chen lấn. Có thể lúc đó du khách đang bị kẹt ở đèo Bảo Lộc", chị chia sẻ.
Lo ngại dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát nơi tập trung đông người, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra và dùng loa nhắc nhở du khách đeo khẩu trang nhưng nhiều bạn trẻ vẫn có tâm lý lơ là chủ quan.
Trước đó, UBND thành phố Đà Lạt đã xử phạt 47 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền lên đến 69 triệu đồng. Đối tượng vi phạm bao gồm cả du khách lẫn người dân sống ở Đà Lạt. Mức xử phạt từ 1-3 triệu đồng/người.
Vũng Tàu, một trong những bãi biển đông nghẹt người
Do Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) là bãi biển gần TP.HCM nhất nên luôn đón lượng du khách khổng lồ. Hiện nay, TP Vũng Tàu đã dừng các hoạt động du lịch do dịch Covid-19 nhưng không cấm mọi người tắm.
Gia đình chị Hoa đến Vũng Tàu để nghỉ lễ 30/4-1/5. "Mặc dù lo ngại dịch bệnh nhưng không sắp xếp được thời gian, hứa với con trai rồi nên vẫn quyết định đi chơi", chị Hoa cho biết.
Nếu như sáng 30/4 nhiều người để mặt và đầu trần nhưng đến chiều hôm sau rất nhiều du khách đã tuân thủ việc đeo khẩu trang ngay cả khi nô giỡn với sóng biển.
Lực lượng chức năng xuống tận bãi biển để nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân, du khách thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh.
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu, cho biết việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt du khách tắm biển xong nhưng không đeo khẩu trang sẽ bắt đầu từ 15h ngày 1/5.
Ông Bảy, một nhiếp ảnh gia chụp hình lưu niệm tại biển Vũng Tàu cho biết lượng khách ngày 1/5 đông đúc nhưng so với ngày hôm trước có phần giảm đi. "Đây là dịp Vũng Tàu đông khách nhất kể từ hơn 2 năm qua", ông Bảy nói.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, số lượng khách tham quan đến thành phố có nhiều biến động. Cụ thể, 30/4/2019 có 140.000 khách nhưng đến 30/4/2020, chỉ có 10.300 người đến đây. Nguyên nhân chủ yếu do sự bùng phát của đại dịch Covid vào đầu năm 2020.
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, cho biết trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thành phố đón hơn 70.000 lượt khách du lịch.
Cáp treo Hòn Thơm, nơi tập trung đông người ở Phú Quốc
Sáng 1/5, hàng nghìn khách du lịch sớm có mặt chờ lên cáp treo ra đảo Hòn Thơm, TP Phú Quốc, Kiên Giang. Từ 9h tới giữa trưa, dòng người xếp hàng chật kín khu vực soát vé.
Tại lối lên cáp treo, nhân viên liên tục phân luồng đủ 30 khách sẽ cắt nhóm. Khách xếp hàng đều được nhân viên yêu cầu sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Doanh nghiệp vận hành cáp treo từ chối bán vé cho khách không thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Dòng người xếp hàng nghiêm chỉnh nên không xảy ra tình trạng chen lấn. Tuy nhiên, du khách chờ khoảng 30 phút mới lên được cabin.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết kỳ nghỉ lễ này tỉnh dự kiến đón khoảng 160.000 khách du lịch, trong đó Phú Quốc chiếm 50%.
Nha Trang chưa khi nào vắng khách ngày nghỉ lễ
Từ 16h30 các ngày 1 và 2/5, người dân và du khách tràn ra bãi biển Nha Trang tắm mát. Hàng nghìn người chen chúc trên bờ và dưới nước. Dọc bãi cát, cơ quan chức năng liên tục phát loa, cắm biển báo nhắc nhở người dân, du khách phải tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19.
"Nha Trang rất đẹp vì có bờ cát trắng dài, biển trong xanh. Hai năm rồi em mới quay lại Nha Trang để du lịch nhưng cũng lo lắng về dịch bệnh", Phương, du khách từ TP.HCM, chia sẻ.
Còn tại bến tàu du lịch Nha Trang (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cũng có hàng nghìn du khách ngồi đợi để đi tour biển đảo. Theo Ban quản lý bến tàu du lịch Nha Trang, ngày 1/5 đông nhất trong mấy ngày nghỉ lễ, hơn 8.000 người đi tour biển đảo. Tuy nhiên, vào hôm sau lượng khách giảm còn 50%. "Chúng tôi phải huy động tất cả nhân viên để ra phục vụ việc đón, đo nhiệt độ, hướng dẫn khai báo y tế và chấp hành đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19", đại diện bến cho biết.
Toàn bộ khách du lịch đến bến tàu du lịch Nha Trang được đo nhiệt độ từ cổng bãi gửi xe. Nhiều em bé theo gia đình đi du lịch tỏ ra mệt mỏi do thời tiết nắng nóng.
Dinh Thống Nhất, công viên Đầm Sen, Thảo Cầm Viên đông đúc
Từ sáng sớm 30/4, du khách ở khắp nơi đổ về Dinh Thống Nhất (TP.HCM) để tham quan. Họ được hướng dẫn xếp 2 hàng dài trước cửa. Mỗi người mất khoảng 30 phút mới mua được vé.
Anh Hợi (quận 12) chia sẻ: “Nhân dịp 30/4, tôi tranh thủ dẫn họ hàng đi tham quan Dinh Thống Nhất để hưởng ứng không khí của ngày lễ. Sau đó gia đình sẽ di chuyển ra sân bay để tiếp tục đi Côn Đảo”.
Ngày 1/5, hàng nghìn người đổ về Công viên nước Đầm Sen (quận 11, TP.HCM) vui chơi, tránh nắng. Việc tuân thủ quy tắc 5K không được bảo đảm.
Đại diện Công viên nước Đầm Sen cho biết ước tính lượng khách tham quan trong dịp lễ 30/4-1/5 chỉ tăng 10% so với ngày thường. Khu vực đỗ xe máy của công viên nước hầu như không còn một chỗ trống, chưa kể xe hơi, xe khách du lịch.
Còn tại Thảo Cầm Viên, theo đại diện tổ bán vé, lượng khách đến trong ngày 30/4 giảm hơn 50% so với dịp lễ cùng kỳ năm ngoái. Không còn cảnh chen chúc tại các lối đi bộ dẫn vào vườn thú hoang dã - địa điểm thu hút khách bậc nhất của Thảo Cầm Viên.
Tại đây, nhiều biển cảnh báo nhắc nhở du khách khử khuẩn tay, đeo khẩu trang được dựng lên tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào công viên. "Tôi và người thân cũng có chút băn khoăn khi du lịch trong thời điểm này. Dịch Covid-19 ở TP.HCM và nhiều nơi khác đang diễn biến khá phức tạp", chị Hiếu, du khách đến từ huyện Củ Chi nói.
Khách đến Sa Pa, Hội An ở mức tương đối
Phóng viên Zing có mặt tại Sa Pa (Lào Cai) trong hai ngày 29 và 30/4. Vào ngày nghỉ lễ đầu tiên quảng trường trung tâm thưa thớt khách, kể cả lúc cao điểm 17h.
Có lẽ do e ngại dịch bệnh nên điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai vắng hơn cùng dịp này các năm trước. Hầu như du khách cũng như người dân địa phương đều chấp hành đeo khẩu trang. "Như ngày này tuần trước, khu vực trung tâm thị xã chật kín chỗ. Taxi nhích từng chút một, xe máy phải luồn lách mới tới được các địa điểm. Nay ngày đầu mà giao thông khá thuận tiện, không còn cảnh ùn tắc", ông Lý Ló Sử (47 tuổi), một người hành nghề xe ôm cho biết.
Vào buổi sáng 30/4, đỉnh Fansipan thời điểm từ 10h đến 11h30 cũng không quá đông người mặc dù thời tiết thuận lợi. Một vài du khách rủ nhau tới chụp ảnh nhà thờ Đá. Khác hẳn với nhiều năm trước, du khách tới đây tha hồ không gian để chơi đùa.
“So với nhiều kỳ nghỉ trước đợt này Sa Pa vắng hơn hẳn. Tôi nghĩ do mọi người ngại dịch nên không đi nhiều như các năm trước. Tới đây nhiều lần rồi nhưng đây là lần đầu tôi thấy nơi đây vắng vẻ đến vậy”, anh Trương Văn Thắng (đến từ Hải Phòng) chia sẻ.
Chiều 30/4, các khu vực như Chùa Cầu, phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng... thuộc thành phố Hội An đông đảo du khách tham quan, thưởng thức món ăn tại các hàng quán ven đường.
"Nghỉ lễ được 4 ngày nhưng tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên tôi cùng bạn gái quyết định đến Hội An tham quan, vui chơi ở địa điểm gần để đề phòng dịch bệnh", anh Đăng Vũ, du khách Đà Nẵng chia sẻ.
Theo một hướng dẫn viên, trong dịp lễ 30/4-1/5, khách phương xa đến Đà Nẵng, Hội An nhiều hơn năm trước. "Lượng khách đi theo đoàn tăng nhưng cũng chỉ là khách nội địa. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19 khách phương Tây nhiều hơn", nam hướng dẫn viên nói.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam, cho biết địa phương đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Địa phương sử dụng xe lưu động tuyên truyền người dân đảm bảo khoảng cách phòng dịch Covid-19.
Dã ngoại, cắm trại gần thành phố tránh cảnh chen lấn
Trong 3 ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, xu hướng đi dã ngoại càng trở nên phổ biến với nhiều gia đình ở miền Bắc khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát.
Địa điểm hạ trại được các nhóm du khách lựa chọn là nơi có phong cảnh hữu tình như vùng núi, sông suối, rừng cây... Phóng viên có mặt tại một khu vực gần sông Bôi (Hòa Bình), nơi có hơn 20 nhóm gia đình tới từ 9h. Họ căng bạt tránh nắng, mang bàn ghế cùng đồ ăn thức uống ra tận suối ngồi thả chân xuống mặt nước thưởng thức, ngắm cảnh.
Trong khi anh Tuấn mải phục vụ chị em, người bạn của anh đảm nhiệm việc nấu nướng. Mọi người dự kiến ở đây đến khi mặt trời lặn mới ra về. Cách đó vài chục mét, nữ sinh tên Huyền, học sinh lớp 11 đến từ Hà Nội tập nướng thịt phục vụ mọi người.
"Kê bàn ghế bên dòng suối, ngồi nhúng chân xuống nước, uống cà phê và tận hưởng cảm giác mát lạnh rất an toàn, không lo sợ dịch bệnh là cách mà tôi và bạn bè rất thích. Ngày này khi nguy cơ dịch Covid-19 trở lại, đó mới là sự nghỉ dưỡng và xả hơi thực sự sau những ngày làm việc mệt mỏi", anh Nguyễn Thanh Tuấn đến từ khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông chia sẻ.
Hà Nội - trung tâm thương mại đông, đường phố vắng
Sáng mùng 1 và 2/5, đường phố Hà Nội bắt đầu vắng vẻ hơn. Các con phố nhỏ treo cờ Tổ quốc đỏ rực, tiếng ồn ào của các phương tiện đã được giảm bớt tạo nên bầu không khí yên tĩnh, trong lành.
Phố Ngõ Huyện có vài người bán hàng, dạo chơi. Công viên Lê Nin một vài trẻ nhỏ chơi trượt patin, các hàng xe rong bán dạo dường như biến mất. Khá nhiều tiệm kinh doanh đóng cửa nghỉ. Chỉ có trung tâm thương mại và công viên Thủ Lệ là đông người hơn cả.
Công viên Thủ Lệ thường đông nghẹt vào những dịp nghỉ lễ dài ngày. Anh Trần Hà đưa gia đình từ Hưng Yên lên thủ đô chơi ngày nghỉ lễ. Cô con gái nhỏ của anh đặc biệt yêu thích động vật nên Thủ Lệ trở thành điểm đến đầu tiên của gia đình.
"Trước khi đi, tôi và con gái đã thống nhất phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình đi chơi. Thật may là cháu ngoan ngoãn nghe lời, không tự ý tháo bỏ”, anh Hà chia sẻ.
Ở đây nổi bật với trò chơi bóng nước khổng lồ, được nhiều em nhỏ yêu thích. Để hạn chế tiếp xúc, ban quản lý khuyến khích các phụ huynh không gộp chung bóng mà nên chơi lẻ theo từng gia đình để đảm bảo an toàn.
Nếu như nhiều gia đình ở Hà Nội tổ chức đi chơi xa thì vẫn có một số nhóm người chọn cách vui chơi tại thành phố. Có không gian thoáng đãng, mát mẻ, hồ điều hòa khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) trở thành địa điểm ưa thích thời gian gần đây của nhiều người dân thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ.
Khu vực bãi cỏ ở hồ điều hòa được nhiều gia đình chọn làm nơi cắm trại. Anh Hùng, cư dân khu chung cư gần hồ điều hòa, đã hủy vé du lịch đến Đà Nẵng và đưa gia đình đến đây vui chơi. "Nghe tin có ca mắc Covid-19 mới nên tôi hơi lo, không muốn đến những khu vực du lịch đông đúc. Không đi chơi dịp này thì còn dịp khác, tôi muốn ưu tiên sức khỏe gia đình", anh cho biết.
Vào buổi chiều 1/5, nhóm bạn sinh năm 1998 chọn khu vực gần hồ nước làm nơi ăn uống, trò chuyện. Các thành viên cho biết thời nay nhiều người đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung hơn nhờ những tuyên truyền qua báo chí và mạng xã hội. Hôm nay, rác thải được họ thu gom vào túi nylon và sẽ đem bỏ vào thùng trước khi rời đi.
Ngọc Anh và Vân Giang (sinh viên ĐH Tài chính Ngân hàng) thường xuyên đến hồ điều hòa chơi. Hai nữ sinh viên nhận xét khu vực này thời gian gần đây nơi này nhộn nhịp hơn.
"Vì tình hình dịch đang phức tạp nên kỳ nghỉ lễ năm nay tôi không đưa gia đình đi du lịch mà ra đây cho thoáng. Mỗi khi đi đâu, tôi cũng đều cho các con đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn cẩn thận để đảm bảo an toàn", anh Chanh (Phú Diễn) nói.