Theo Nikkei Asia, Nhật Bản có thể thừa tới 10 triệu căn hộ vào năm 2023. Tình trạng cung vượt quá cầu đang ngày càng trầm trọng. Hồi năm 2018, số căn hộ bị bỏ không đã lên tới 8,49 triệu căn.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, Nhật Bản có tổng cộng 62,41 triệu căn hộ được dùng để ở trong năm 2018. Viện Nghiên cứu Nomura dự báo con số này sẽ tăng lên 65,46 triệu căn vào năm 2023.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản dự báo số hộ gia đình tại Nhật Bản sẽ đạt 54,19 triệu hộ vào năm 2023.
Nhật Bản có thể thừa tới 10 triệu căn hộ vào năm sau vì tình trạng cung vượt quá cầu. Ảnh: Reuters. |
Cung vượt quá cầu
Số hộ gia đình tại Nhật Bản vẫn đang gia tăng dù dân số giảm. Nguyên nhân là số lượng người già hoặc chưa lập gia đình sống một mình tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Ken Miura - giáo sư tại Đại học Kyoto, khi số lượng hộ gia đình ở Nhật Bản ngừng tăng lên, 20-30 triệu căn hộ có thể bị bỏ không.
Từ cuối Thế chiến II đến thập niên 60, Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng. Điều này buộc chính phủ Nhật Bản phải ban hành các đạo luật thúc đẩy xây dựng nhà ở.
Dù dân số dự kiến giảm xuống, chính phủ vẫn không thay đổi chính sách và tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng nhiều nhà ở hơn
Giáo sư Ken Miura
Tình trạng thiếu hụt đã chấm dứt vào năm 1973. Tuy nhiên, trong suốt những năm 2000, một triệu căn hộ mới vẫn được xây dựng mỗi năm.
"Dù dân số dự kiến giảm xuống, chính phủ vẫn không thay đổi chính sách và tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng nhiều nhà ở hơn", ông Miura giải thích.
Theo Viện nghiên cứu Nomura, số lượng căn hộ bị bỏ không sẽ tăng mạnh lên 23,03 triệu căn vào năm 2038, nếu tốc độ phá dỡ nhà chậm lại. Tốc độ phá dỡ nhà đã tăng nhanh trong giai đoạn năm 2013-2017.
Nguồn cung nhà ở tăng lên do nhu cầu đối với những căn hộ có sẵn suy yếu. Các căn hộ cũ được ưa chuộng ít hơn. Bởi nhiều căn không đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn khi động đất và tiết kiệm năng lượng.
Theo một chuyên gia trong ngành, đây là hậu quả của việc chính phủ ưu tiên số lượng hơn chất lượng.
Sai lầm chính sách
Trên thực tế, các tài liệu được nội các thông qua chỉ ra rằng tính đến năm 2018, 7 triệu trong số 53,6 triệu căn hộ đang có người ở không đủ sức chống chịu nếu động đất xảy ra.
Trong khi đó, 34,5 triệu căn hộ không đáp ứng các quy định về tiết kiệm năng lượng.
Nhà cũ chiếm 14% thị trường nhà ở tại Nhật Bản. Để so sánh, tỷ lệ này lên tới 80% và 90% lần lượt tại Mỹ và Anh. Nếu chất lượng của những căn hộ này không được cải thiện, số nhà bị bỏ không sẽ tiếp tục tăng lên.
Khi dân số giảm, có 2 cách để giảm thiểu tình trạng dư thừa nhà ở. Một là thúc đẩy nhu cầu đối với những căn nhà có sẵn. Tuy nhiên, theo ông Miura, sẽ không dễ dàng để thay đổi cấu trúc hiện nay của thị trường Nhật Bản.
Khác với Mỹ và châu Âu, Nhật Bản thường không đánh giá cao những ngôi nhà cũ, ngay cả khi người già và các cha mẹ đơn thân vẫn gặp khó trong việc tìm nhà.
Số lượng căn hộ cũ và mới trên thị trường nhà ở Mỹ, Anh và Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia. |
Giải pháp còn lại là xúc tiến việc phá dỡ những căn hộ trống. "Chính phủ cần thúc đẩy một ngành công nghiệp chuyên phá dỡ nhà ở", ông Akira Daido tại Viện nghiên cứu Nomura bình luận.
Crassone, một công ty có trụ sở tại Nagoya, chuyên phá dỡ các ngôi nhà không có người ở. Công ty đã thực hiện khoảng 10.000 yêu cầu phá dỡ.
Vào năm 2021, Crassone bắt đầu hỗ trợ các chính quyền địa phương trong việc tính toán chi phí phá dỡ những ngôi nhà bị bỏ không. Khoảng 30 thành phố đã đăng ký dịch vụ.
Một trở ngại khác là thuế bất động sản sẽ tăng lên nếu một lô đất ở bị bỏ không.
"Chính phủ cần đưa ra các ưu đãi về thuế và những ưu đãi khác cho chủ sở hữu bất động sản nếu muốn thúc đẩy việc phá dỡ các căn nhà bị bỏ hoang", ông Osamu Nagashima, Chủ tịch công ty tư vấn bất động sản Sakurajimusho, bình luận.
Theo Nikkei Asia, nếu chính phủ Nhật Bản không quyết liệt giải quyết tình trạng dư thừa nhà ở, số lượng căn hộ bị bỏ không sẽ còn tiếp tục tăng lên.