Những người biểu tình thuộc đảng cực tả Economic Freedom Fighters ngày 25/5 mang theo những biểu ngữ như "Tây Phi không phải thuộc địa của Pháp" hay đòi Pháp bồi thường cho các hành động thời thực dân, AFP đưa tin.
"Các ông từng sát hại nhiều người ở châu Phi, vì sao hôm nay người Pháp lại sợ hãi như thế?", Julius Malema, thủ lĩnh đảng Economic Freedom Fighters, nói qua loa phóng thanh.
Đại sứ Pháp Aurelien Lechevallier sau đó đã xuất hiện trước đám đông để tiếp nhận các yêu cầu của người biểu tình.
Người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Nam Phi. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi là bạn với các quốc gia châu Phi", Đại sứ Lechevallier nói.
Pháp hiện vẫn duy trì hiện diện kinh tế, chính trị và quân sự ở các nước Tây Phi.
Về kinh tế, Ngân hàng Trung ương Pháp đứng sau bảo trợ đồng tiền chung của cộng đồng Tây Phi có tên CFA Franc, đổi lại các nước Tây Phi phải giữ một nửa dự trữ ngoại hối tại ngân hàng Pháp. Điều kiện này chỉ bị Quốc hội Pháp bãi bỏ vào năm 2020.
Về quân sự, Pháp triển khai hàng nghìn quân hỗ trợ các nước Tây Phi như Mali, Burkina Faso và Niger chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan.
Tuy vậy, các chiến dịch quân sự của Pháp chống lại các nhóm cực đoan không đạt được thành công như mong đợi.
Pháp nói riêng và các nước phương Tây nói chung hiện đối mặt cạnh tranh chiến lược gay gắt từ Nga và Trung Quốc tại châu Phi.