Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm nghìn liều vaccine sắp hết hạn, Bulgaria cần chuyển đi gấp

Bulgaria đang tìm cách bán hoặc tặng lại hàng trăm nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 trong kho trước khi chúng hết hạn sử dụng, do nhu cầu tiêm chủng của người dân ở mức thấp.

Sáng 10/8, lãnh đạo cơ quan y tế tại thành phố Sofia, thủ đô Bulgaria thông báo nhiều quy định giới hạn đối với nhà hàng và tụ điểm giải trí để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm của số ca mắc Covid-19.

Nhưng chỉ vài tiếng sau, Bộ Y tế nước này tuyên bố sẽ không có quy định giới hạn nào tại thủ đô và thông báo trước đó chỉ là sai sót thủ tục.

Chính những thông điệp lẫn lộn như trên là một trong những lý do Bulgaria chứng kiến lượng lớn ca tử vong Covid-19 trong đại dịch và sẽ còn ghi nhận thêm nhiều ca nữa trong tương lai, theo Economist.

tang lai vaccine anh 1

Chỉ 15% người dân Bulgaria được tiêm đủ 2 mũi. Ảnh: Reuters.

Tâm lý nghi ngờ

Trong số 84 quốc gia được Economist theo dõi, kể từ đầu đại dịch, Bulgaria đứng thứ hai (sau Peru) về số ca tử vong vượt mức tính trên mỗi 100.000 người.

Khái niệm ca tử vong vượt mức dùng để chỉ số bệnh nhân chết cao hơn tỷ lệ thông thường.

Đến nay, Bulgaria ghi nhận tổng cộng hơn 431.000 ca mắc Covid-19 và hơn 18.300 ca tử vong. Sau một mùa hè tạm lắng, số ca mắc tiếp tục tăng trở lại cùng thời điểm biến chủng Delta lan rộng.

Ngày 12/8, số ca mắc trung bình mỗi ngày trong một tuần trở lại tại Bulgaria là 622 ca, cao hơn con số một tuần trước là 403 ca.

Các bệnh viện đang chuẩn bị cho một đợt bùng dịch nữa, khi chỉ 15% người Bulgaria đã chủng ngừa Covid-19 đủ 2 mũi, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 52% của Liên minh châu Âu (EU).

tang lai vaccine anh 2

Một cơ sở tiêm chủng tại Sofia, Bulgaria vào tháng 2. Ảnh: Shutterstock.

Nếu muốn, người dân Bulgaria có thể dễ dàng tiếp cận bất cứ loại vaccine nào trong bốn loại vaccine đã được EU phê duyệt. Nhưng nhu cầu tiêm chủng tại Bulgaria thấp đến mức nhà chức trách đang phải cố bán lại hoặc quyên tặng cho các nước khác hàng trăm nghìn liều vaccine sẽ sớm hết hạn.

Giữa tháng 7, nhà chức trách Bulgaria thông báo dự định tặng hơn 172.000 liều vaccine cho Bhutan và 150.000 liều cho các nước Tây Balkan, Reuters đưa tin.

Nhưng theo một khảo sát của hãng Gallup gần đây, 41,8% người Bulgaria cho biết không có ý định tiêm chủng, theo AFP.

“Tuyệt đối không”, Georgy Dragoev, một công nhân xây dựng 45 tuổi, trả lời AFP khi được hỏi về ý định tiêm chủng. “Tôi cho rằng họ chỉ đang gieo rắc nỗi hoang mang. Nếu con virus corona này tồn tại và tôi bị nhiễm, tôi sẽ có cách để đánh bại nó”.

Từ lâu, người Bulgaria đã thiếu tin tưởng vào khuyến cáo từ giới chức trách. Việc lách các loại quy định được mô tả là một thú tiêu khiển của nhiều người trên cả nước, theo Economist.

Nhiều người dân Bulgaria hoài nghi trước vaccine ngừa Covid-19 vì chúng còn mới mẻ. Một số khác có niềm tin sai lầm rằng SARS-CoV-2 không tồn tại và các biện pháp chống dịch là một dạng âm mưu.

Bất ổn chính trị và tin giả tràn lan

Chỉ số ít chính khách nổi tiếng của Bulgaria đã tiêm chủng trước sóng truyền hình hoặc kêu gọi người dân tiêm chủng. Một phần nguyên nhân đằng sau điều này là tình trạng hỗn loạn trong chính trường Bulgaria.

Đảng của ông Boyko Borisov, người từng giữ chức thủ tướng Bulgaria trong phần lớn 12 năm qua, chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 4 nhưng không có đủ đa số để thành lập chính phủ. Tháng 7, một cuộc bầu cử khác được tổ chức nhưng cũng có kết quả tương tự.

tang lai vaccine anh 3

Dòng người xếp hàng tiêm chủng vaccine AstraZeneca tại một cơ sở ở Sofia, Bulgaria vào đầu năm nay. Ảnh: AFP.

Trong đại dịch, cả chính phủ của ông Borisov và nội các lâm thời đều không tổ chức chiến dịch quyết liệt chống lại tin giả về vaccine.

“Bất cứ ai đọc được dăm ba bài báo trên mạng xã hội lập tức cho rằng mình là chuyên gia”, Trưởng thanh tra cơ quan y tế quốc gia Bulgaria Angel Kunchev nhận định.

Các chương trình truyền hình tại Bulgaria cũng có thể khiến người dân bị nhiễu thông tin.

Một số bác sĩ có thái độ hoài nghi Covid-19 nhưng thường xuyên được mời tham dự các talk show, trong đó có bác sĩ khuyên người có bệnh nền không nên tiêm vaccine, trong khi nhóm này tại đa số quốc gia khác được ưu tiên tiêm chủng. Khoảng 30% bác sĩ và 60% y tá chưa tiêm chủng.

Tiến sĩ Kunchev cho biết nguyên nhân của điều này một phần là việc bệnh truyền nhiễm và bộ môn miễn dịch học chỉ được giảng dạy sơ sài trong giáo trình trường y.

Trong lúc số ca mắc Covid-19 bùng phát trở lại, nhu cầu tiêm chủng dường như cũng bắt đầu tăng nhẹ. Nhưng giống như cách Bulgaria ứng phó đại dịch, mức tăng ấy là quá ít ỏi và muộn màng.

Nhà Trắng tung đội quân KOL để thuyết phục dân tiêm vaccine

Nhà Trắng bắt tay với nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội để chống nạn tin giả về vaccine, trong lúc chính quyền một số bang trả tiền influencer để đăng bài thúc đẩy tiêm chủng.

Nghịch lý dư thừa vaccine ở nước giàu

Dù gửi tặng hoặc bán bớt cho những nước có nhu cầu số vaccine Covid-19 không kịp sử dụng, một số quốc gia giàu có lại vẫn tìm cách mua thêm để chuẩn bị tiêm mũi thứ 3.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm