Một giàn máy đào do AntMiner sản xuất. Cho dù cung vượt cầu, công ty này vẫn đang tiếp tục sản xuất các giàn máy mới. Ảnh: Coindesk. |
Năm 2021, các thợ đào coin không tìm được máy để mua và các nhà sản xuất không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng. Còn bây giờ, hàng trăm nghìn giàn máy đào Bitcoin (BTC) hoàn toàn mới đang nằm trong kho.
Chỉ riêng ở Mỹ có khoảng 250.000-500.000 giàn máy đào "nguyên đai nguyên kiện" nằm trong kho, theo ước tính của Matt Schultz, chủ tịch điều hành của công ty khai thác Bitcoin CleanSpark.
Ethan Vera, giám đốc điều hành của công ty khai thác Luxor Technologies, thì ước tính trên toàn thế giới có khoảng 270.000 giàn máy đào đang ế.
Tuy chưa rõ con số chính xác, những ước tính này đều cho thấy khai thác tiền điện tử không còn là khoản đầu tư hấp dẫn. Ngành công nghiệp tiền điện tử đã mất hơn một nửa giá trị vốn hóa thị trường sau khi giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác giảm đáng kể trong một năm trở lại đây. Trong khi đó, giá năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới tăng vọt.
Đối với thợ đào, khó khăn đến từ chi phí khai thác tăng trong khi doanh thu từ tiền điện tử giảm.
Vera nói rằng một nguyên nhân nữa gây dư thừa nguồn cung máy đào là không có chỗ đặt. Sau khi Trung Quốc cấm khai thác tiền số, thợ đào đổ xô đến các quốc gia còn cho phép khai thác. Do nhu cầu đặt giàn máy cùng với giá năng lượng tăng, các công ty cho thuê địa điểm đã tăng giá dịch vụ.
Core Scientific, công ty khai thác lớn nhất trên thế giới tính theo hashrate, đã tăng giá dịch vụ cho thuê địa điểm đặt giàn máy từ 20-25% trong những tháng gần đây. Core vừa tự khai thác vừa cho các thợ đào bên ngoài thuê địa điểm.
“Chúng tôi còn 32 megawatt công suất trống để cho thuê, có những công ty khác có đến 400 megawatt, nhưng thợ đào không thể thuê vì giá năng lượng quá cao và giá Bitcoin quá thấp", Alex Martini, giám đốc điều hành của công ty khai thác Blockfusion, cho biết.
Bất chấp tình trạng cung vượt cầu, các nhà sản xuất vẫn đang chế tạo thêm các giàn khai thác mới và bán cho công ty khai thác với giá rẻ hơn trước đây. Bởi vì thỏa thuận giữa nhà sản xuất và các công ty khai thác thường bao gồm một số lượng lớn giàn máy, sản xuất và giao hàng theo nhiều đợt. Bên mua trả trước một khoản đặt cọc, và trả thêm từng khoản khi nhận được các lô hàng.
Các hợp đồng này có thỏa thuận "bảo vệ giá", có nghĩa là trước mỗi lô hàng, hai bên sẽ đánh giá giá thị trường và điều chỉnh giá giàn máy tùy theo.
Các công ty khai thác CleanSpark, Core Scientific và Marathon đều đã thực hiện điều khoản này để được giảm giá các giàn máy đã đặt từ trước. Tuy nhiên không rõ mức chiết khấu là bao nhiêu phần trăm.
Bitmain, nhà sản xuất giàn khai thác lớn nhất thế giới, đang giảm giá giàn máy mới tới 30% cho những khách hàng lớn ký hợp đồng vào năm ngoái. "Nếu giá thị trường tiền điện tử giảm, Bitmain sẽ giảm giá các máy khai thác đã đặt, dựa trên phân tích giá hàng tháng", Xmei Lin, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Bitmain nói với CoinDesk.
Martini cho biết các giàn máy mới không bị mất giá nhiều như máy đã qua sử dụng, vì vậy cho dù nhận máy, các công ty khai thác sẽ không “đập hộp” trừ khi khai thác tiền điện tử có lợi nhuận trở lại.
Tuy nhiên với tình hình thị trường tiền điện tử hiện nay, nhiều công ty khai thác thậm chí phải hủy các đơn đặt hàng từ trước.