Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm con khỉ mất tích bí ẩn ở Đông Bắc Thái Lan

Giới chức tỉnh Loei, Đông Bắc Thái Lan đang điều tra nguyên nhân số lượng khỉ quanh một ngôi đền sụt giảm mạnh. Họ lo ngại đây có thể là do nạn buôn động vật hoang dã hoành hành.

Một con khỉ tại Lopburi, Thái Lan. Ảnh: New York Times.

Trong nhiều thập niên, ngôi đền Tham Pha Mak Ho ở Đông Bắc Thái Lan là nơi sinh sống của rất nhiều khỉ nâu. Mỗi buổi sáng, các nhà sư cho chúng ăn cơm và trái cây, trong khi chúng cũng nhận chuối và hạt từ khách du lịch mua tại các gánh hàng rong địa phương.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, người dân địa phương bắt đầu nhận thấy số lượng khỉ dường như sụt giảm. Truyền thông địa phương ước tính có tới hàng trăm con dường như đã biến mất khỏi ngôi đền ở tỉnh Loei. Theo Thaiger, đền Tham Pha Mak Ho từng là nơi sinh sống của khoảng 3.000 con khỉ, nhưng hiện chỉ còn 200 con.

Quan chức tên Pracha Saenklang cho biết địa phương đang điều tra nguyên nhân vụ việc này. Ông Pracha cho biết rất khó để biết chính xác số lượng khỉ địa phương này có. Họ cho rằng có thể là do mùa thay đổi, hoặc đại dịch Covid-19 khiến khách du lịch không còn đông đúc như trước, khiến nhiều loài động vật di cư tới nơi mới, theo Guardian.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân quan ngại hơn, đó là nạn buôn bán động vật. Edwin Wiek - người sáng lập Tổ chức Bạn bè Động vật Hoang dã Thái Lan (WFFT) - cho biết những con khỉ này có thể đã bị bắt và vận chuyển qua biên giới, trong đó có một số trang trại ở Lào.

Một lô buôn 50-100 con khỉ

Kể từ sau đại dịch Covid-19, tình trạng buôn bán khỉ - chủ yếu là khỉ đuôi dài - đã trở thành mối lo ngại ngày càng lớn trong khu vực. Các chuyên gia về quyền động vật cho biết vào tháng 3/2020, việc Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu khỉ đã làm gián đoạn nguồn cung khỉ cho các phòng thí nghiệm Mỹ, cũng như khiến những cá nhân buôn khỉ tìm cách tận dụng và khai thác vấn đề này.

Ông Wiek cho biết trước đại dịch, buôn bán khỉ đuôi dài không phải là vấn đề nghiêm trọng. “Giá khỉ đuôi dài trên thị trường động vật hoang dã bất hợp pháp thực sự thấp, chỉ 20-30 USD/con. Tôi không cho rằng đây là hình thức buôn bán động vật hoang dã lâu dài. Tuy nhiên hiện tại, giá đã tăng gấp 5-10 lần”, ông nói.

Tại Mỹ, chi phí cho những con khỉ trong phòng thí nghiệm đã lên tới 20.000-24.000 USD vào năm 2023, theo ước tính từ ngân hàng đầu tư Evercore do Financial Times trích dẫn vào tháng 12/2022.

dong vat hoang da anh 1

Tỉnh Loei ở phía Đông Bắc Thái Lan. Ảnh: Alarmy.

Vào năm 2022, trước vấn nạn mất môi trường sống cũng như nạn săn bắt và đặt bẫy ở mức “chưa từng có”, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế lần đầu tiên thay đổi tình trạng khỉ đuôi dài từ dễ bị tổn thương sang nguy cấp. Trong khi đó, WFFT nhận được báo cáo về nghi ngờ buôn động vật từ 2-3 lần/tuần.

Trung tá Anek Nakthorn - quan chức tới từ bộ phận tội phạm môi trường - cho biết mọi địa điểm có khỉ sinh sống đều là “miếng mồi” cho tội phạm buôn động vật, “cả địa điểm du lịch lẫn không phải địa điểm du lịch, đền có khỉ sống, đều nằm trong danh sách theo dõi của chúng tôi”.

Ông phát hiện ít nhất 10 trường hợp về nạn bắt khỉ ở miền Trung Thái Lan kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Camera đã được lắp đặt tại một số địa điểm, trong khi người dân địa phương, đặc biệt người bán hàng rong, có thể phát hiện cá nhân có hành động đáng ngờ.

Tuần trước tại Nakhon Sawan - phía bắc Thái Lan, cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông đang sử dụng thuốc an thần và mồi thức ăn nhằm bắt 9 con khỉ.

Ông Wiek cho biết những kẻ buôn động vật thường bắt dưới 10 con cùng một lúc. “Sau đó, họ nhốt chúng vào lồng, thậm chí là túi, tới vài ngày cho đến khi có đủ số lượng khỉ đã đặt hàng”, ông cho biết, nói một lô có thể 50-100 con khỉ.

Khỉ được buôn bán qua biên giới, thường là sang Campuchia - nơi cung cấp chính khỉ đuôi dài cho Mỹ.

Vào tháng 11/2022, 8 người, bao gồm cả một quan chức về động vật hoang dã Campuchia, đã bị bắt ở Mỹ và buộc tội bắt khỉ từ tự nhiên. Họ đưa chúng đến các cơ sở nhân giống, nơi cung cấp giấy phép xuất khẩu giả rồi chuyển cho các phòng thí nghiệm ở Mỹ.

"Một kiểu giả mạo sinh học"?

Theo tiến sĩ Lisa Jones-Engel - cố vấn khoa học cấp cao của Peta, Mỹ đang nỗ lực trấn áp đối tượng tội phạm này.

Bên cạnh hành động cứng rắn hơn với nạn buôn bán khỉ bất hợp pháp, Mỹ cũng thông qua luật mới, Đạo luật Hiện đại hóa FDA 2.0. Theo đó, đạo luật này loại bỏ yêu cầu thuốc phải được thử nghiệm trên động vật trước khi thử nghiệm trên người.

Đây được coi là bước đột phá trong chính sách. Bà Jones-Engel dự đoán việc tiếp tục thử nghiệm trên khỉ sẽ trở nên quá đắt đỏ với các hãng dược phẩm của Mỹ.

dong vat hoang da anh 2

Kể từ sau đại dịch Covid-19, tình trạng buôn bán khỉ - chủ yếu là khỉ đuôi dài - đã trở thành mối lo ngại ngày càng lớn trong khu vực. Ảnh: New York Times.

Bà nói thêm việc loại bỏ khỉ ra khỏi tự nhiên không chỉ bùng nguy cơ gây đại dịch mới, mà còn tác động tới hệ sinh thái và cộng đồng địa phương.

“Chúng là kẻ săn mồi, chúng là con mồi. Chúng hoạt động như bộ đệm để bảo vệ sức khỏe con người. Và Mỹ như thể đang khiến chúng biến mất khỏi các khu rừng ở Đông Nam Á. Đây là một kiểu giả mạo sinh học và chủ nghĩa thực dân mới”, vị tiến sĩ khẳng định.

Hiện tại, cuộc điều tra ở Loei vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Hồi giữa tháng 2, người dân nhìn thấy 3 người có hành động đáng ngờ tại chùa.

“Chúng tôi nhận được báo cáo một số người lẻn vào chùa vào ban đêm và cố gắng bắt lũ khỉ”, ông Pracha nói. Từ cuộc điều tra, những người này đã cố bắt 5 con khỉ, với mục đích thấy chúng “dễ thương và muốn lấy làm thú nuôi”, ông Pracha cho hay.

Trong khi đó, tại Nakhon Sawan, cảnh sát phát hiện nhóm đàn ông sử dụng thuốc an thần để bắt 9 con khỉ. Một con đã chết, trong khi 8 con còn lại sẽ được chăm sóc bởi công viên quốc gia cho tới khi chúng đủ sức khỏe để về với tự nhiên.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nút chặn bồn tắm rộng 10 cm kẹt trong bụng cá sấu New York

Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã của Mỹ cho biết họ phát hiện một nút chặn bồn tắm rộng hơn 10 cm mắc kẹt trong bụng con cá sấu được giải cứu từ công viên tại Brooklyn gần đây.

Thiên đường cho động vật hoang dã ở khu DMZ Triều Tiên

Không có sự can thiệp của con người trong hơn 70 năm, khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên - Hàn Quốc đã phát triển hệ sinh thái mạnh mẽ cho nhiều loài động vật quý hiếm.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm