Xác những con bò Tây Tạng được phát hiện ở vùng núi bang Sikkim, phía đông bắc Ấn Độ, vào ngày 10/5, theo BBC.
Đại diện chính quyền, ông Raj Yadav, cho biết những đàn bò được chăn thả ở thung lũng Mukuthang bị mắc kẹt và thiếu ăn từ tháng 12/2018 vì tuyết rơi dày.
Giới chức địa phương tìm cách "không vận" cỏ khô và các loại thức ăn gia súc cho chúng bằng trực thăng nhưng bất thành vì thời tiết xấu.
"Chúng tôi mở được lối vào thung lũng năm ngày trước, sau khi đội cứu hộ tiếp cận khu vực thì nhận ra thảm kịch đã xảy ra từ lâu", Yadav cho biết.
Giới chức địa phương phát hiện gần 300 con bò Tây Tạng chết tại thung lũng Mukuthang, thiếu ăn do bị cô lập bởi tuyết rơi dày đặc. Ảnh: AFP. |
Trung bình mỗi năm, địa phương này ghi nhận từ 10 - 15 trường hợp bò Tây Tạng chết vì khí hậu lạnh và đói. Hơn 300 cá thể chết đói là con số cao nhất kể từ đợt bão tuyết năm 1994 - 1995, theo NDTV.
"Một số gia đình khẳng định có hơn 500 con bò đã chết. Chúng tôi đang cố gắng xác minh lại thông tin này", Yadav cho biết.
Chính quyền địa phương đã điều động đội ứng phó thảm họa đến kiểm soát tình hình khu vực. Họ cho biết số thi thể gia súc cần được dọn sạch để để ngăn thú hoang đến ăn xác và phá hoại bãi chăn thả gia súc truyền thống của người địa phương.
Yadav cho biết vẫn còn khoảng 50 con bò Tây Tạng mắc kệt trong thung lũng và cần được chăm sóc trong thời gian sớm nhất. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các hộ gia đình khoảng 30.000 rupee (430 USD) cho mỗi con. Tối đa mỗi hộ được nhận tiền hỗ trợ cho ba con bò chết tại thung lũng Mukuthang.
Theo The Hindu, người dân tại thung lũng chăn nuôi hơn 1.500 con bò Tây Tạng. Đây là nguồn cung cấp sữa, các sản phẩm từ sữa, len và phương tiện vận chuyển cho các hộ gia đình.