Một vài trong số này đã được công bố từ tháng 12/2020. Theo Guardian, địa điểm trong bức ảnh là một quán bar có tên Fat Lady's Arms. Quán bar này được các binh sĩ Australia tự lập ra trong căn cứ ở tỉnh Uruzgan, Afghanistan.
Chiếc chân giả trong các bức ảnh được cho là của một binh sĩ Taliban thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm Australia. Các binh sĩ Australia đã đem chiếc chân về quán bar Fat Lady's Arms như một chiến lợi phẩm.
Nhiều binh sĩ đã sử dụng chiếc chân giả này để đựng đồ uống. Thậm chí, một bức ảnh cho thấy hai binh sĩ nhảy múa với nó.
Hình ảnh binh lính Australia uống bia từ chân giả của người chết đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở cả Afghanistan và Australia. Ảnh: Guardian. |
Báo chí Australia đã đưa tin cựu binh Ben Roberts-Smith là người đã bắn chết binh sĩ Taliban mang chân giả và đem chiếc chân về căn cứ. Tuy vậy, luật sư của Roberts-Smith khẳng định người mang chiếc chân giả về căn cứ là một binh sĩ khác.
Roberts-Smith đã kiện 3 tờ báo The Age, Sydney Morning Herald và Canberra Times vì tội phỉ báng. Ông cho rằng 3 tờ báo này đã mô tả bản thân ông như một người “phá vỡ các quy tắc về đạo đức và luật pháp trong giao tranh”, cũng như gây tội ác chiến tranh, bao gồm giết người.
Theo báo chí Australia, Roberts-Smith cũng có liên quan đến cái chết của một nông dân Afghanistan tên Ali Jan. Người nông dân này bị đẩy khỏi vách đá và bị bắn chết. Roberts-Smith đã bác bỏ các cáo buộc và gọi chúng là “sai lầm”, “vô căn cứ” và “hoàn toàn không chứa đựng sự thật”.
Hình ảnh trong quán bar Fat Lady's Arms, cũng như việc binh lính Australia bị cáo buộc giết dân thường vô tội tại Afghanistan, cho thấy góc tối ít được nhắc đến của quân đội Australia. Chúng cũng làm trỗi dậy làn sóng phản đối sự hiện diện quân sự của Australia tại quốc gia Nam Á này.