Các nhà lãnh đạo dân sự Afghanistan đã phản ứng gay gắt trước bức ảnh chụp một đặc nhiệm Australia uống bia đựng trong chân giả của một chiến binh Taliban đã chết. Hình ảnh do Guardian công bố hôm 1/12, cho thấy một binh sĩ vẫn đang tại ngũ uống bia bằng chân giả, trong một quán bar ở Tarin Kowt, thủ phủ tỉnh Uruzgan, vào năm 2009.
Bức ảnh khác cho thấy các binh sĩ nhảy múa với cái chân giả được lấy từ một chiến binh Taliban bị giết trong cuộc đột kích cùng năm. Đơn vị đặc nhiệm này đã mang theo chiếc chân giả khi họ tái triển khai ở Afghanistan, theo một cựu quân nhân.
“Đó là hình ảnh kinh tởm, gây sốc và khủng khiếp nhất mà tôi từng thấy. Thật đau đớn khi nghĩ rằng những người lính ấy đang ở đây để giúp chúng tôi an toàn hơn”, Hayatullah Fazly, thành viên hội đồng tỉnh Uruzgan, nói với Guardian qua điện thoại.
Hình ảnh binh sĩ Australia uống bia bằng chân giả gây phẫn nộ ở Afghanistan. Ảnh: Guardian. |
Việc công bố các bức ảnh được thực hiện sau cuộc điều tra kéo dài 4 năm về hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Australia ở Afghanistan, liên quan đến vụ sát hại 39 thường dân và đối xử tàn bạo với hai người Afghanistan khác vào tuần trước.
Zabiullah Farhang, phát ngôn viên Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan, cho biết những hình ảnh cho thấy binh sĩ Australia không tôn trọng cuộc sống của người dân Afghanistan.
“Đây là sự vi phạm nhân quyền quốc tế và nó là tội ác chiến tranh. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của thủ tướng Australia trong việc thành lập văn phòng để điều tra vụ việc, điều này sẽ giúp khám phá ra nhiều tội ác hơn”, ông Farhang nói.
Patricia Gossman, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết các công tố viên cần điều tra theo chuỗi mệnh lệnh, buộc các sĩ quan cấp cao phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu họ biết hoặc đáng ra phải biết về hành vi tội ác, nhưng không ngăn chặn hoặc trừng phạt người liên quan.
Một số nhà hoạt động dân sự khác cảnh báo hành vi của binh sĩ Australia và các hình ảnh sẽ giúp Taliban tăng cường hoạt động tuyên truyền, cô lập các binh sĩ nước ngoài nếu không có cơ chế giải trình đủ mạnh. Nó làm tăng sự ngờ vực của người dân đối với các lực lượng quân sự nước ngoài.